Bãi đất san gạt trái phép kéo dài hơn 500m bám theo trục đường TL211 từ thị trấn Trùng Khánh đi cửa khẩu Pò Peo. |
Khu đất bị san gạt trái phép có chiều dài gần 1km, chỗ rộng nhất khoảng 400m, nằm kéo dài hơn 500m bám sát theo trục đường tỉnh 211, thuộc địa phận xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).
Theo người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra công khai hàng tháng nay, với hàng chục máy xúc, ô tô tải cỡ lớn hoạt động liên tục.
Thấy có người quay phim, chụp hình trên khu đất, một phụ nữ khoảng 50 tuổi đã đi ra và tỏ thái độ cản trở việc ghi hình. Khi biết đó là phóng viên, người phụ này nói đây là đất của Công ty Tân Sơn Khánh, đã được cho phép làm trang trại chăn nuôi; lãnh đạo Chính phủ còn đến chụp ảnh đang treo đầy trong nhà. Nhưng khi phóng viên đặt vấn đề muốn xem những bằng chứng liên quan đến những thông tin đã nói thì người phụ nữ tỏ ra bối rối và cho biết có đầy đủ giấy tờ nhưng để ở nơi khác chưa mang tới.
Nhà điều hành rộng khoảng 300m2 là đất nông nghiệp mà phía doanh nghiệp đã mua với người dân. |
Theo như tìm hiểu của Báo NNVN, tên đầy đủ của doanh nghiệp thực hiện dự án tại xã Ngọc Khê là Công ty TNHH MTV Tân Sơn Khánh (gọi tắt là Tân Sơn Khánh), có địa chỉ tại xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), do ông Nguyễn Đăng Hải làm giám đốc. Toàn bộ diện tích lên tới hơn trăm ngàn mét vuông đã san gạt, cùng một căn nhà điều hành rộng khoảng 300m2 là đất nông nghiệp mà phía doanh nghiệp đã mua với người dân.
Hàng trăm ngàn mét vuông đất nông nghiệp đã bị san phẳng. |
Trao đổi với Báo NNVN, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Thành Hải cho rằng phía Công ty Tân Sơn Khánh thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận, đất do doanh nghiệp tự mua với dân, khoảng mười mấy hecta cũng không rõ.
Ông Hải thừa nhận đơn vị này chưa hoàn thành các thủ tục như: chưa hoàn thiện việc thuê đất, chưa thực hiện theo quy hoạch, chưa có ĐTM (đánh giá tác động môi trường) đã tiến hành san gạt… Huyện Trung Khánh cũng đã nhắc nhở phía doanh nghiệp nhiều lần nhưng chưa thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì việc để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài liên quan đất đai như vậy thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.
Việc san lấp trái phép không chỉ phá vỡ cảnh quan non nước Cao Bằng, mà việc chưa được phê duyệt ĐTM đã thực hiện còn tiềm ẩn về thảm họa môi trường. |
Việc san gạt và xây dựng trái phép làm thất thoát số tiền lớn mà doanh nghiệp phải nộp theo nghĩa vụ với Nhà nước. Không chỉ làm phá vỡ cảnh quan cả một vùng cảnh quan non nước Cao Bằng, việc chưa được phê duyệt ĐTM đã thực hiện thi công cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa về môi trường (không khí, nguồn nước...) trong tương lai.