| Hotline: 0983.970.780

Cao nhất Đồi Cao

Thứ Sáu 07/05/2010 , 10:38 (GMT+7)

Từ Nậm Cản đến Chi Luông, bản làng mọc lên san sát. Mảnh đất Đồi Cao tĩnh lặng, thơ mộng năm xưa giờ đây trở nên nhộn nhịp, tấp nập...

Kể từ ngày Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư để xây dựng công trình Thủy điện Sơn La thì Đồi Cao đã trở thành quê hương mới hàng nghìn hộ dân vùng lòng hồ. Từ Nậm Cản đến Chi Luông, bản làng mọc lên san sát. Mảnh đất Đồi Cao tĩnh lặng, thơ mộng năm xưa giờ đây trở nên nhộn nhịp, tấp nập.

Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 5 này, khi toàn thể nhân dân tỉnh Điện Biên đang tưng bừng mở hội chào đón 2 sự kiện trọng đại của đất nước: Kỉ niệm 56 năm GiảI phóng Điện Biên Phủ & thời khắc lịch sử khi Thuỷ điện Sơn La ngăn dòng.

Nhà TĐC tại bản Chi Luông

Ký ức Đồi Cao...

Chưa một ngày được làm công dân của Đồi Cao, nhưng ký ức Đồi Cao trong tôi là một miền đất rộng dài, thơ mộng. Kể từ ngày tỉnh lỵ Lai Châu chuyển về Điện Biên đến nay thấm thoát 15 năm có lẻ. Cũng từ ngày đó, tôi cảm nhận đầy đủ hơn tâm trạng lưu luyến khi phải xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Bây giờ, mỗi lần nghĩ về Lai Châu, tôi lại hình dung ngôi trường hai tầng có mái ngói đỏ tươi nằm gọn trong lòng núi mà tôi và chúng bạn luôn tự hào là học sinh Trường Chi Luông. Tôi nhớ mỗi buổi chiều trốn mẹ đi bắt cua mò cá trên dòng Nậm Lay rồi cả bọn đến chục đứa có lẻ lại chơi đánh trận giả ven bờ suối.

Nhớ nữa là những con đường nho nhỏ chạy dọc thị xã nhỏ bé... Lai Châu. Đường nhỏ lại ngoằn ngoèo và dốc dài nối dốc. Một đoạn đường từ khu Nghé Toong đến Đồi Cao phải qua 5 con dốc. Đấy là tôi lấy đích là Bệnh viện TX, chứ ai xuống phố Hoa Kiều thì phải cộng thêm 1 con dốc dài và dốc. Hồi nhỏ, tôi nhiều lần hỏi mẹ sao lại gọi Đồi Cao, mẹ giải thích nôm na rằng: “Vì ở đấy có nhiều đồi cao”. Không bằng lòng với lời mẹ giải thích nhưng kiến thức của đứa trẻ học lớp như tôi 3 cũng chẳng thể giải thích được gì thêm. Ngày ấy tôi hiểu “Đồi Cao vì có nhiều đồi cao”...

Mùa hè năm tôi học hết lớp 4 thì bố bị ốm một trận thập tử nhất sinh phải nằm viện Đồi Cao. Mẹ nhờ người chở bố bằng xe Simson, còn chị em tôi ngồi xe đạp của cậu. Cố leo mấy con dốc nhưng đến dốc bệnh viện tôi bị mỏi nhừ đầu gối không sao bước nổi nên ngồi thụp xuống và khóc một cách ngon lành. Cậu bảo tôi: “Không khóc! Ngồi yên đấy, cậu đưa em lên trước rồi xuống đón cháu sau”. Quay xuống đón tôi, mồ hôi cậu đã ướt đầm lưng áo. Xốc tôi lên lưng, cậu lấy hơi và bắt đầu ngược dốc bằng những bước khó nhọc. Lên đến cổng bệnh viện, tôi chòi chân đứng xuống và mồ hôi cậu cũng rơi theo. Nhìn khuôn mặt gầy đen của cậu, tôi thấy mồ hôi và cả... nước mắt. Tôi hiểu, Đồi Cao có nhiều dốc cao đến độ đổ mồ hôi và nước mắt...

Đứng trong phòng bệnh, tôi đưa mắt nhìn xa xa thấy lòng sông mênh mông nước. Tôi hỏi bố suối gì bố bảo không phải suối mà là sông. Sông Đà. Tôi thắc mắc có 3 sông hòa chung một dòng thì phải có 3 tên riêng chứ sao gọi mỗi Sông Đà? Bố mệt không nói gì thêm, nhưng sau rồi bố cũng giải thích cho tôi hiểu: Nơi ấy, ngã ba sông!

Ngày bố ra viện, cả nhà tôi chụp chung bức ảnh trong khuôn viên bệnh viện. Bố đưa tay chỉ phía xa xa để định hình cho chị em tôi: Bên kia là đường ra cầu Hang Tôm, kia là Dốc Me, dưới là phố Hoa Kiều, xa xa tí nữa là khu Rau Xanh rồi theo đường đó sẽ về Nghé Toong nhà mình. Lần đầu tiên tôi có cảm giác thích ở trên cao: gió lồng lộng, chân trời như xa đến vô tận.

Đêm ấy, tôi ngủ muộn hơn để ghi thêm nghĩa Đồi Cao vào cuốn sổ tay nho nhỏ của mình: Tên gọi Đồi Cao bởi đứng ở Đồi Cao sẽ thấy cái rộng dài vốn có của sông, thấy núi chồng lên núi, thấy nhà sát bên nhà và cảm nhận được cuộc sống thanh bình, thơ mộng của thị xã ngã ba sông...

... và hiện tại

Là một trong 5 khu TĐC của TX Mường Lay, Đồi Cao được đánh giá là khu TĐC mới có mặt bằng tương đối rộng với diện tích gần 200ha để xây dựng đô thị và bố trí dân cư. Theo thiết kế quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, gần 200ha khu TĐC Đồi Cao để bố trí 13 cơ quan, ban ngành và 590 hộ dân (trong đó 400 hộ phi nông nghiệp; 190 hộ nông nghiệp). Hiện nay, mặt bằng khu TĐC Đồi Cao cơ bản hoàn thành, còn các hạng mục kè ven hồ, đường điện, đường nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh thi công. Để có mặt bằng như hôm nay, các nhà thầu Vũ Linh, Cầm Thanh, Công ty Xây dựng số 6 Điện Biên đã phải huy động tối đa lực lượng làm ngày làm đêm trên công trường. Chuyến công tác vừa qua tại TX Mường Lay, tôi dành thời gian đi hết các điểm TĐC, đi qua công trường với ngổn ngang vật liệu và máy móc thiết bị. Đi từ Nậm Cản sang Cơ Khí, qua Chi Luông tôi ra Bản Xá rồi cuối cùng dừng chân trên Đồi Cao.

Nếu không còn Bệnh viện Đa khoa TX ở đó thì tôi khó mà nhận ra Đồi Cao tôi từng đứng đó của hơn hai mươi năm trước. Không còn phố Hoa Kiều, không còn xóm Ba Cô và cũng không còn con đường nhỏ dốc dựng đứng. Đường lên Đồi Cao giờ thoai thoải và cũng rộng hơn xưa. Nhưng có một điều không phải tôi mà với bất cứ ai dù lần đầu đến Đồi Cao đều dễ dàng nhận thấy bởi độ cao vượt trội của Đồi Cao so với các khu, các điểm TĐC khác. Cao nhất Đồi Cao. Cũng chính bởi cao nhất nên các nhà thầu thi công trên khu Đồi Cao gặp khó khăn hơn. Ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty Xây dựng số 6 Điện Biên - một trong số ít nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng của Điện Biên cũng phải thốt lên rằng: “Khó nhất là khu này. Chon von trên núi nhưng phải dùng máy móc công suất lớn mới tải được. Đào chỗ này đắp chỗ kia, không cẩn thận thì có mà máy lao đường máy người lao đường người chứ chẳng bỡn”.

Người Thái phải ở nơi có nguồn nước. Đồi Cao xưa kia thưa thớt, vắng lặng là vì không có nhiều khe suối. Cũng bởi vậy, ban đầu một số bà con dân bản Xá Đán (thuộc diện TĐC nông nghiệp) cứ nằng nặc xin TĐC khu khác chứ nhất định không TĐC ở Đồi Cao. Người cao tuổi trong bản thì nghĩ, cả đời là “công dân” phường Na Lay giờ già rồi lại chuyển hộ khẩu sang phường Sông Đà, nó buồn buồn thế nào ấy. Người trẻ trong nhà thì lo thiếu nước ăn, thiếu nước sản xuất… Nhưng Đồi Cao bây giờ đã khác trước nhiều. Người Thái ở Chi Luông, Nậm Cản nằm mơ cũng không thể tưởng tượng, một ngày sẽ có hồ nước lớn trên đỉnh Đồi Cao. Hiện nay, Đồi Cao đã tiếp nhận hàng trăm hộ dân đến dựng nhà, ổn định lại cuộc sống. Điện lưới quốc gia cũng đã về tới bản làng, còn vấn đề nước sinh hoạt Nhà máy nước TX đã có phương án dẫn nước từ các khe về phục vụ nhân dân. Không riêng gì khu Đồi Cao mà tất cả các khu TĐC khác trên địa bàn TX cũng sẽ có nước sạch sinh hoạt.

Đồi Cao đã thực sự thay da, đổi thịt!

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.