| Hotline: 0983.970.780

Cát tặc 'bức tử' sông Lam

Thứ Hai 14/09/2015 , 08:10 (GMT+7)

Tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Lam, đoạn chảy qua địa phận các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An)..., diễn ra công khai từ lâu trước sự bất lực của chính quyền các cấp... 

Bến cát chui ngang nhiên tồn tại

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001, 4 bến cát quy mô lớn nằm ngay sát hai bên chân cầu đường sắt Yên Xuân (xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên) từ lâu được xem là “thủ phủ” cát sạn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân ở các địa bàn lân cận (Hưng Nguyên, TP Vinh) cho đến các huyện xa như Diễn Châu, Quỳnh Lưu...

Theo quan sát của PV, các bến cát này đều được trang bị đầy đủ những vật dụng thiết yếu phục vụ cho quá trình khai thác, đặc biệt mỗi bến có 2 cần cẩu lớn để chuyển cát từ tàu, thuyền cho lên xe ô tô chở đi tiêu thụ. Quy mô là thế nhưng thật ngạc nhiên khi cả 4 bến cát nói trên đều hoạt động không phép. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân cho biết: “Đây là diện tích đất công ích 5% do xã quản lý, chúng tôi cho thuê bình quân 25 triệu đồng/bến/năm để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương...”.

Việc khai thác bừa bãi đã tác động lớn đến dòng chảy con sông, kéo theo nguồn nước bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, đáng lo ngại hơn khi nhiều héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở nghiêm trọng. Chưa hết, 2 trong số 4 bến cát nói trên còn khiến cho đơn vị quản lý đường sắt phải thường xuyên lo lắng: “Theo quy định, trong phạm vi bán kính 150m không được phép xây dựng, đào bới làm ảnh hưởng đến chân cầu. Thế nhưng tàu, thuyền khai thác cát lại hoạt động trong phạm vi cấm, chúng tôi đã nhiều lần làm việc, yêu cầu chấm dứt tình trạng trên nhưng không có kết quả”, ông Nguyễn Thế Thông, Phó GĐ Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh âu lo.

Cách đó không xa, tại xóm 16, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) cũng có nhiều sà lan đang tích cực hút cát. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây xóm có tên là xóm vạn chài, bà con trong vùng hành nghề sông nước, đánh bắt tôm, cá để kiếm sống, thời gian gần đây nhiều hộ rỉ tai nhau vay mượn tiền bạc, đầu tư máy móc, phương tiện chuyển sang khai thác cát nhằm cải thiện thu nhập. Hậu quả việc khai thác cát dẫn tới nhiều diện tích hoa màu ven sông trên địa bàn xã bị cuốn trôi. Thêm vào đó là sinh hoạt thường ngày của bà con cũng bị xáo trộn nặng nề do nước sông bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng.

Tình hình tại xã giáp ranh Hưng Xá cũng vậy. Khúc sông chỉ dài dăm ba km nhưng luôn có gần chục chiếc sà lan công xuất lớn túc trực hút cát suốt ngày đêm. “Tình trạng khai thác cát trái phép bắt đầu rầm rộ từ 2 năm trở lại đây, đất sản xuất cứ hao hụt dần do bờ sông bị sạt lở. Nói đâu xa, riêng nhà tôi có đến vài sào đất bị cuốn trôi, cứ đà này thì hết mùa mưa năm nay không còn đất để canh tác nữa”, một người dân ở xã Hưng Xá cho biết.

Tại huyện Thanh Chương, tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Lam cũng đang diễn ra tràn lan, nhất là khu vực cầu Dùng và gần chân Rú Nguộc (xã Thanh Ngọc). Tại đây thường xuất hiện từ 3-4 chiếc tàu hút cát trái phép, sau khi “ăn hàng”, chủ tàu ngược xuôi đi các bến tiêu thụ....

Bất lực hay buông lỏng?

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều bãi cát trái phép ngang nhiên hoạt động từ năm nay khiến người dân hết sức bức xúc. Nhiều lần họ viết đơn kiến nghị và yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng đều vô ích. Đứng trên cầu Yên Xuân quan sát, chúng tôi dễ dàng nhận thấy hàng loạt tàu, thuyền chở cát nối đuôi nhau, phía dưới là những cần cẩu công suất lớn đang ngoạm từng gàu cát chất lên bến. Lúc cao điểm có hàng chục lượt xe tải lớn, nhỏ, thay phiên nhau vào “ăn hàng”.

15-55-30_3

Ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân lý giải: “Đúng là các bến cát gây ảnh hưởng đến hành lang ATGT đường sắt Yên Xuân, gây ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường dân sinh, bà con đã nhiều lần phản ánh vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng nhưng vẫn không thể xử lý triệt để được”.

Phía Phòng Công thương huyện Hưng Nguyên thì cho rằng: UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu xã Hưng Xuân chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với 4 bãi tập kết cát trái phép nói trên nhưng chính quyền địa phương xử lý chưa đến nơi đến chốn nên các DN vẫn ngang nhiên hoạt động. Thời gian tới, Phòng Công thương sẽ tham mưu cho UBND huyện có phương án giải quyết để sớm trả lại hành lang ATGT cho đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua cầu Yên Xuân (?!)

Hiện trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có đến 18 bến tập kết cát, sạn nhưng mới chỉ có 5 bến được cấp phép. Hàng năm, huyện vẫn cử đoàn xuống kiểm tra, đánh giá tình hình và xử phạt hành chính các đơn vị vi phạm (15-20 triệu đồng). Tuy nhiên, các DN khai thác cát không ngán, trái lại còn hoạt động rầm rộ, quy mô hơn. Lý do đơn giản là các chủ tàu, thuyền khai thác cát trên sông Lam, mỗi m3 bán cho các chủ bến với giá 16.000đ, sau đó các chủ bến bán ra thị trường 30.000 đồng/m3 (ăn chênh lệch 14.000 đồng/m3). Thông thường một bến cát có quy mô khá, mỗi ngày đêm bán bình quân hơn 1.000 m3 cát, trừ chi phí máy móc, nhân công, bến bãi thì số tiền lãi lên đến cả chục triệu đồng/ngày.

Vì vậy, cát tặc vẫn ngang nhiên tồn tại trước sự bất lực của chính quyền.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất