| Hotline: 0983.970.780

Hoang tàn chợ xã Ia Hla

Thứ Hai 23/09/2024 , 07:08 (GMT+7)

GIA LAI Mặc dù được đầu tư xây dựng hơn 3 tỷ đồng, nhưng chợ xã Ia Hla huyện Chư Pưh đã các bị tiểu thương ‘quay lưng’, rơi vào cảnh hoang tàn.

Chợ xã Ia Hla đã đưa vào sử dụng được hơn 3 năm nhưng vẫn không có người kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Tuấn Anh.

Chợ xã Ia Hla đã đưa vào sử dụng được hơn 3 năm nhưng vẫn không có người kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Tuấn Anh.

Chợ xã Ia Hla được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của người dân trong xã và các vùng lân cận. Chợ được xây dựng trên 3 tỷ đồng từ ngân sách với tổng diện tích hơn 430m2, được phân thành 40 lô bên trong nhà lồng và khu vực bán hàng tươi sống có mái che là 24 lô.

Chợ được xây dựng vào năm 2020 trên tuyến đường liên huyện có vị trí thuận lợi cách trung tâm xã khoảng 200-300m. Chợ do Ban Quản lý dự án huyện Chư Pưh làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2021, chợ được bàn giao cho xã quản lý khai thác và sử dụng.

Tuy nhiên, từ khi chợ hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân chỉ vào buôn bán được vài ngày rồi bỏ hoang từ đó đến nay. Ghi nhận thực tế cho thấy, chợ đã xuống cấp trầm trọng, một số hạng mục phụ như bóng đèn, nhà vệ sinh, dây diện, nền nhà lồng… bị hư hỏng. Khu nhà chính của chợ nhếch nhác vì không có người buôn bán, một số trụ cột bị bong tróc, kính ở một số nơi bị vỡ vụn, phía trong như một bãi rác trông rất phản cảm.

Các hàng mục bên trong chợ đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hàng mục bên trong chợ đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Chị Nguyễn Thị Thảo, một tiểu thương buôn bán tại ngã tư thôn Tai Pêr (xã Ia Hla) cho biết, xã vận động, một số tiểu thương cũng vào, nhưng được vài hôm họ lại ra hết ngoài đường để bán.

“Vào chợ buôn bán có rất ít người đến mua. Người dân ở đây tiện đâu mua đó nên tiểu thương chúng tôi bắt buộc phải theo họ để buôn bán thôi”, chị Thảo chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Thị Thắm, tiểu thương khác trú tại thôn 6C (xã Ia Hla) buôn bán tại ngã tư thôn Tai Pêr cho biết, khu vực chúng tôi buôn bán ở đây có hơn chục người, những ai bán thịt, cá thì bán ngay tại nhà. “Buôn có bạn, bán có phường”, do đó rất khó cho chúng tôi khi vào chợ buôn bán.

“Nếu xã quyết liệt vận động được hết tiểu thương vào chợ buôn bán thì chúng tôi sẵn sàng đi theo. Chứ người vào người không làm sao hình thành cái chợ để buôn bán”, chị Thắm cho biết.

Nhiều người dân vẫn bày bán ngay lòng lề đường. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều người dân vẫn bày bán ngay lòng lề đường. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo tìm hiểu được biết, một số hộ dân có giấy phép buôn bán buôn bán tại nhà các mặt hàng thực phẩm tươi sống và hải sản nên không vào chợ. Điều này rất khó cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại địa phương.

Ông Rah Lan Hoen, Chủ tịch UBND xã Ia Hla cho biết, từ khi chợ hoàn thành, xã đã thành lập Ban quản lý chợ, tổ tuyên truyền để vận động các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Mặc dù nhiều trường hợp buôn bán lòng lề đường đã bị UBND xã xử phạt hành chính nhưng người dân vẫn không chịu vào.

Cũng theo ông Hoen, việc người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán không chỉ gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

“Chúng tôi đã ra quân tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều lần, thậm chí hỗ trợ kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến”, ông Hoen cho biết.

Các trụ cột chính của chợ đã bị bong tróc. Ảnh: Tuấn Anh.

Các trụ cột chính của chợ đã bị bong tróc. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước tình trạng chợ bỏ hoang, ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đã có kết luận về việc quản lý, đưa vào sử dụng Chợ Ia Hla. Theo đó, yêu cầu xã Ia Hla thực hiện các biện pháp cấm lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh. Mặt khác, tích cực vận động người dân, tiểu thương vào chợ buôn bán để tạo nếp sống văn minh.

Mặc dù địa phương đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả, người dân vẫn không chịu vào buôn bán khiến chợ đầu tư hơn 3 tỷ đồng ngày càng hoang tàn, xuống cấp.

Mới đây, UBND xã Ia Hla tiếp tục kêu gọi các tiểu thương trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định, cùng nhau vào khu vực chợ đã được xây dựng sẵn để buôn bán, tránh tập trung đông người gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông cho chính bản thân và mọi người.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.