| Hotline: 0983.970.780

Giải mật hồ sơ chữa bệnh cho 'cụ rùa' Hồ Gươm:

Câu chuyện về sợi dây vô hình kết nối giữa người với 'cụ rùa'

Thứ Tư 19/10/2016 , 14:16 (GMT+7)

Hồ sơ đó từ lâu nằm im lìm trong ngăn kéo, trong USB của các thành viên thuộc Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm để hôm nay hé mở nguyên nhân gây bệnh cũng như cái chết của “cụ” rùa cuối cùng…

Sinh vật chữa được còn thần linh thì không

 Đầu năm 2011 bỗng rộ lên thông tin về tình trạng sức khỏe bết bát của cụ rùa cuối cùng ở Hồ Gươm khiến cho lãnh đạo Hà Nội khi đó như đứng trong chảo lửa. Ngay lập tức, ngày 17/2 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt bút ký quyết định thành lập ra một Ban chỉ đạo vô tiền khoáng hậu gọi là Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ “cụ rùa” Hồ Gươm. Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP là Trưởng ban, ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó ban và các lãnh đạo ngành của Hà Nội làm thành viên.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia bệnh thủy sản được đề cử là Tổ trưởng Tổ khám, chẩn đoán và chữa trị của một nhóm 17 người gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành thú y, da liễu, bỏng, công nghệ sinh học…

16-57-18_boi-thuoc-rhg
Ông Bùi Quang Tề và "cụ rùa"
 

Mọi phương tiện, thuốc thang, vật tư y tế, phòng thí nghiệm tốt nhất có thể đều được huy động khẩn để điều trị cho một bệnh nhân lịch sử: “Cụ rùa”. Báo cáo về cuộc chữa trị đặc biệt đó tưởng chỉ có Ban lãnh đạo TP Hà Nội cùng các thành viên của Tổ khám chữa được biết thì nay lần đầu tiên được hé mở cho PV Báo NNVN.

Trở lại chuyện năm xưa ông Tề nhận lời chữa bệnh cho “cụ rùa”, cánh nhà báo nhiều người hỏi ông có chịu sức ép gì không? Ông nhất mức xua tay: “Không, hoàn toàn không có sức ép nào hết. Thứ nhất, với tư cách là nhà bệnh học thủy sản tôi coi rùa Hồ Gươm cũng như một sinh vật với đầy đủ các quy luật của sinh học của nó. Phải như thế thì tôi mới dám chữa, chứ coi “cụ” như thần linh thì tôi không chữa được. Thứ hai, tôi là người Việt Nam. Cả nước tôn cụ lên là linh vật thì tôi cũng phải chấp hành”.

Nhà báo lại tò mò hỏi tiếp, trước khi chữa cho “cụ” ông có thắp hương không? Ông Tề cũng không hề giấu diếm mà rằng: “Một bác sĩ không thể trước khi mổ bệnh nhân mà lại đi thắp hương. Thắp hương cho “cụ” có cả một Ban của TP gồm các lãnh đạo, giám đốc sở, phó giám đốc sở…”.

Khi rùa mà đã sống trên 100 năm, đạt kích cỡ 1 tạ trở lên thì trở nên rất khôn. Ngay ngày đầu tiên đoàn quây lưới nhưng không thể bắt được vì lưới thưa “cụ” cắn cái tan luôn. Khi thoát ra ngoài vòng vây, “cụ” còn ngóc đầu lên như muốn báo: “Tôi đã ở bên ngoài, không làm gì được đâu”. Rút kinh nghiệm, sang ngày thứ hai nhóm vây bắt chuyển sang dùng lưới dày. Khi lưới mới quây xong, chưa khép kín vòng vây thì “cụ” đã ngoi đầu lên như muốn báo cho biết: “Tôi đã ở trong này”.

16-57-18_boi-thuoc-rhg1
Ông Bùi Quang Tề bôi thuốc cho "cụ rùa"
 

Cả nhóm như mở cờ trong bụng, cuốn lưới, cuộn cả “cụ rùa” vào trong rồi đem vào khu điều dưỡng là một bệnh viện nổi được lập dã chiến ngay trên mặt hồ có hệ thống lọc nước tuần hoàn riêng. Ngay lập tức, bệnh nhân được đem ra đo đạc. Dài 2,1m, rộng 1,1m, nặng 169kg - “cụ” đã đạt đến kích cỡ gần như tối đa của loài rùa. Theo các nhà khoa học quốc tế, tuổi thọ cao nhất của rùa là 185 năm thì “cụ rùa” Hồ Gươm cũng vào khoảng cỡ đó. Phân tích ADN sau đó đã xác định cụ thuộc giống cái và là một loài đặc hữu của Việt Nam.
 

Tuổi già nhưng mắt vẫn sáng

Lúc mới bắt rùa lên, ông Tề chỉ cho ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ “cụ rùa” Hồ Gươm, giọng hoan hỉ: “Nhìn vào mắt “cụ” kìa. Mắt kia là tôi đảm bảo chữa được, ông cứ yên tâm đi”.

Giải thích với tôi về điều này, ông Tề bảo con mắt là nơi chứa đựng sinh khí của các loài động vật: “Mắt “cụ rùa” không lớn nhưng nhìn vào vẫn còn thấy vẻ tinh tường hiện lên. Tôi chỉ sợ mắt mờ đi là chịu thua. Con tôm mắt trắng dã là coi như đã chấm hết, con cá mắt trắng dã cũng không thể chữa được… Lúc khám cho “cụ” tôi sợ nhất là bệnh viêm phổi nhưng may không phải”.

Ông Bùi Quang Tề là bác sĩ thủy sản, hành nghề từ 1976 đến nay, được nhiều nhà khoa học trong ngành lẫn bà con nông dân biết tiếng vì “mát tay”.

Ông Tề đưa ra liệu trình chữa trị gồm 9 công đoạn. Để xác định các loại thuốc, tính toán liều lượng cần dùng, lên phác đồ chữa trị, đồng thời tránh những rủi ro đáng tiếc cần tiến hành thử nghiệm trên loài tương đối gần rùa là ba ba.

Công việc được tiến hành ngay ở phòng thí nghiệm của ông Tề với “chuột bạch” là mấy con ba ba gai. Giá ba ba gai rất đắt, nhất là đối với những con thuộc vào hàng trọng lượng xưa nay hiếm trên 10kg. Vị khách lạ khi mang mấy con ba ba gai đến cho ông Tề chữa, tình cờ được kể về chuyện thiếu vật thí nghiệm để chẩn bệnh cho “cụ rùa” Hồ Gươm đã tự nguyện hiến luôn một con để mổ banh ra xem xét lục phủ ngũ tạng, còn một con để bôi đủ thứ thuốc lên thân mình.

… Vừa rồi có mấy nhà báo Đức sang phỏng vấn ông Tề về chuyện chữa bệnh cho cụ rùa, có hỏi nguồn gốc của thuốc ở đâu? Ông tự hào bảo: “Thuốc do chúng tôi tự sản xuất”. Thực sự cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, gồm Betadin để rửa vết thương và Castenali để bôi kháng nấm, vi khuẩn nhưng quan trọng là liều lượng, cách bôi. Cùng một loại thuốc nhưng bác sĩ này dùng khỏi bác sĩ khác dùng không khỏi là do độ “mát tay”. Thử nghiệm thành công trên ba ba giúp các nhà khoa học yên tâm trong cách chữa bệnh cho “cụ rùa”.

16-57-18_cn-cnh-ru-ho-guom
 

Lúc dẫn vào phòng điều trị “cụ” không phản kháng, lúc khoét vào da thịt để lấy mẫu hay bôi thuốc “cụ” vẫn nằm yên, rất hiền lành. Thế nhưng khi nhóm dùng một cây tre để đẩy thì bất ngờ “cụ” phản ứng dữ dội. Cây tre to bằng cổ chân mà bị ngoặm cái là tan ngay. Ông Tề mới đe: “Cái đùi của các cậu chẳng là cái đinh gì hết nhé. Liệu có cứng bằng cái này không?”.

Sau đó, ông ra lệnh không ai được đứng trước mặt của “cụ” bởi ông thừa biết tính khí của ba ba, rất dữ chứ không như rùa. Rùa thường có 5 ngón chân còn ba ba chỉ có 3 ngón chân. “Cụ rùa” có 3 ngón chân nên đúng ra thuộc về họ ba ba, nhưng là loại to nhất của họ này: rùa mai mềm.

Đưa vào khu điều dưỡng (dài, rộng 15m) là một chuyện nhưng dẫn vào phòng điều trị là cả một vấn đề vì nó quá nhỏ (dài, rộng 4m). Mọi thứ phải thật nhẹ nhàng để khỏi kinh động khiến cụ nổi giận mà tấn công. Nguyên tắc đối với các loại bò sát nói chung, đụng chạm ở phía đằng sau đuôi thường không sao còn đụng chạm vào phía trước đầu dễ bị ăn cắn. Vì thế, anh em trong tổ chuyên môn khi leo xuống phòng điều trị toàn phải lừa lừa ra chỗ đằng đuôi.

Trong quá trình điều trị, dù nhà ở tận Bắc Ninh nhưng ông Tề gần như không ngày nào vắng mặt. Chẳng biết có sợi dây ràng buộc vô hình nào hay không nhưng “cụ” rất chịu nghe lời ông. Bởi chân tay yếu, ông Tề ít đi lại được nên chỉ đứng bên trên là chính rồi cử cậu thư ký xuống. Thế nhưng trước khi xuống ông vẫn phải nói: “Xin mời “cụ” vào phòng điều trị ạ!”.

Ngay cả “Nhà rùa học” Hà Đình Đức trước khi nhảy xuống bể để cầm thước đo vẫn phải đợi ông Tề có đôi lời thưa gửi. Vắng ông Tề không ai dám nhảy xuống bể còn khi ông có mặt, nói một lời thì ai cũng có thể sờ vào. Tại sao cùng tiếp xúc với “cụ rùa” mà chỉ riêng mình ông được nể vì thì không ai lý giải được. Họ chỉ biết, khi có người nào định xuống bể mà chưa có lời của ông thì ai nấy đều hốt hoảng kêu lên rằng: “Ông Tề đã nói với cụ đâu mà sao cậu lại dám nhảy vào?”.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.