| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn quả Sơn La: Liên kết sản xuất 'rối như tơ vò'

Thứ Năm 24/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

Nông dân lợi ai nấy bán, doanh nghiệp mạnh ai nấy mua, vựa cây ăn quả Sơn La luôn tiềm ẩn những trồi sụt, lửng lơ trong việc định hình vùng nguyên liệu bền vững.

Doanh nghiệp “bất lực”

Thời gian qua, Sơn La đã tích cực thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, liên kết với các hợp tác xã (HTX), nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả gắn với tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu.

Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng chuỗi liên kết gắn giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, nhiều bài toán vẫn chưa tìm được lời giải.

Chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân tại Sơn La còn nhiều bài toán chưa tìm được lời giải. Ảnh: Trung Quân.

Chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân tại Sơn La còn nhiều bài toán chưa tìm được lời giải. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Từ năm 2017, cây chanh leo lần đầu tiên được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Nafoods Tây Bắc) liên kết với nông dân đưa vào trồng tại Sơn La. Các HTX trồng chanh leo lần lượt được thành lập, thu hút hàng trăm nông dân tham gia. Phía Nafoods Tây Bắc chịu trách nhiệm khảo sát vùng trồng, tập huấn và giám sát kỹ thuật, cung cấp giống và nhận bao tiêu 100% sản phẩm với mức giá cam kết không để nông dân bị lỗ.

Những tưởng từ đây, nông dân đã có cho mình hướng đi thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, bi kịch bắt đầu khi những thương lái thu mua chanh leo xuất hiện, họ lùng sục tới tận các bản, chọn những quả chanh leo đẹp nhất và mua với giá cao nhất. Giá chanh leo từ chỗ được phía Nafoods Tây Bắc thu mua ổn định bình ở giai đoạn ban đầu từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, được các thương lái đẩy lên hơn 25.000 đồng/kg đối với quả loại A, sau nâng lên trên 30.000 đồng/kg, rồi trên 35.000 đ/kg...

Phía Nafoods Tây Bắc ban đầu còn nâng được giá cho các HTX theo mức tăng giá của thị trường tự do, nhưng khi Công ty nâng được một giá, thì cánh thương lái nâng thêm 2 - 3 giá. Cứ thế, giá chanh leo ở Sơn La như con ngựa bất kham.

Không thể chạy theo giá thị trường tự do cao ngất ngưởng và lượng chanh nguyên liệu bị người dân tuồn bán hết cho thương lái, từ đầu năm 2019, Nafoods Tây Bắc buộc phải hủy bỏ hợp đồng liên kết với một số HTX. 

Thiếu liên kết chặt chẽ, nông dân sẵn sàng tìm tới các nguồn giống chanh leo trôi nổi, thiếu quy trình sản xuất bài bản, rủi ro luôn rình rập trong sản xuất . Ảnh: Trung Quân.

Thiếu liên kết chặt chẽ, nông dân sẵn sàng tìm tới các nguồn giống chanh leo trôi nổi, thiếu quy trình sản xuất bài bản, rủi ro luôn rình rập trong sản xuất . Ảnh: Trung Quân.

Ông Mai Văn Quang, Phó Giám Nafood Tây Bắc chia sẻ: Hiện tại, việc liên kết của công ty với HTX, người dân có thể xem là đã “thả nổi” theo thị trường tự do. Bở lẽ, đối với cây chanh leo, Nafoods Tây Bắc cam kết phát triển theo chuỗi giá trị khép kín, cung ứng cây giống đầu vào đến hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thế nhưng trên thực tế, không chỉ có mỗi Nafoods Tây Bắc cung cấp giống mà xuất hiện nhiều đơn vị cung cấp giống, thậm chí người dân du nhập các giống chanh leo trôi nổi về trồng diễn ra rất phổ biến, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Bên cạnh đó, lực lượng thương lái, đại lý thu mua quá nhiều, không chỉ trong tỉnh mà khắp các tỉnh thành vào vụ thu hoạch đều tập trung về Sơn La, thậm chí trực tiếp tranh mua với chính Nafoods Tây Bắc tại vùng nguyên liệu do công ty xây dựng. Điều này khiến người dân sinh ra tâm lý có nhiều kênh tiêu thụ, sản xuất ra không lo không bán được nên ai trả giá cao thì bán, điều này càng làm cho việc liên kết trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, một cái khó mà cả doanh nghiệp thu mua và HTX phải đối mặt là đất canh tác, chi phí đầu tư sản xuất đều do nông dân làm chủ, dẫn tới khó thay đổi thói quen canh tác của bà con, việc tiêu thụ nông dân mạnh ai nấy bán.

Không chỉ người trồng chanh leo, người dân trồng xoài cũng bày tỏ quan điểm không thích tham gia liên kết vì sợ bị ràng buộc nhiều yếu tố. Ảnh: Trung Quân.

Không chỉ người trồng chanh leo, người dân trồng xoài cũng bày tỏ quan điểm không thích tham gia liên kết vì sợ bị ràng buộc nhiều yếu tố. Ảnh: Trung Quân.

Với cây chanh leo lại càng khó, do thu hoạch rải đều trong năm, sản lượng mỗi lần thu không lớn, thời gian bảo quản lâu, giá bán mỗi thời điểm mỗi khác nên người dân không thích liên kết cố định với doanh nghiệp mà thích bán cho tư thương với suy nghĩ sẽ có giá bán cao hơn.

Thậm chí, doanh nghiệp muốn khuyến khích người dân phát triển sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy nên cho người dân “nợ” chi phí con giống, vật tư nông nghiệp ban đầu... (không tính lãi). Tuy nhiên, đến khi thu hoạch lại rất khó thu mua vì người dân bán sản phẩm ra bên ngoài vì lo lắng... doanh nghiệp sẽ trừ nợ!

“Mặc dù phải duy trì từ 3.000 - 4.000 ha chanh leo mới đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến dịch chanh leo của công ty tại Mộc Châu hoạt động, nhưng công ty buộc phải chấp nhận theo xu thế chung là mua bán tự do. HTX, hộ sản xuất nào có nhu cầu liên kết, bao tiêu sản phẩm công ty luôn sẵn sàng hợp tác”, ông Mai Văn Quang, Phó Giám đốc Nafoods Tây Bắc bộc bạch.

Cũng theo ông Quang, để có thể đảm bảo đủ nguyên liệu duy trì hoạt động của nhà máy, công ty buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Thay vì các HTX làm đầu mối như trước đây, công ty xây dựng hệ thống đại lý tại các địa phương để cung cấp cây giống, thu mua nguyên liệu của người dân, sau đó công ty sẽ thu mua lại từ đại lý.

Với hình thức này, người dân không bị ràng buộc, có thể mua giống của công ty nhưng khi thu hoạch có thể bán cho bất kỳ đại lý nào và ngược lại, người dân sử dụng giống của đơn vị khác có thể bán sản phẩm cho đại lý của Nafoods Tây Bắc, miễn là đảm bảo những yêu cầu về chất lượng quả mà công ty đưa ra...

Khi HTX “ngán” làm đầu mối liên kết

Trong chuỗi liên kết sản xuất, vai trò của HTX là vô cùng quan trọng, vừa là chủ thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm, vừa là cầu nối giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, HTX lại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Nhiều HTX trồng cây chanh leo tại Sơn La đã 'chia tay' với mối liên kết sản xuất với doanh nghiệp do chịu rất nhiều áp lực. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều HTX trồng cây chanh leo tại Sơn La đã "chia tay" với mối liên kết sản xuất với doanh nghiệp do chịu rất nhiều áp lực. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lò Văn Tiện, Giám đốc HTX Thành Đạt, xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn, Sơn La) chia sẻ: Trước đây, HTX liên kết trồng hơn 60 ha chanh leo với Nafoods Tây Bắc, nhưng hiện tại mối liên kết này đã phải tạm dừng và HTX “ngại” tiếp tục đứng ra làm đầu mối liên kết.

Ông Tiện lý giải, trong định hướng hoạt động của mình, HTX luôn mong muốn tạo được mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm do thị trường liên tục thay đổi, trong khi năng lực đánh giá sự thay đổi đó của HTX còn hạn chế. Việc đảm bảo đầu ra ổn định sẽ giúp HTX vững tâm sản xuất, thuận lợi xây dựng kế hoạch hoạt động.

Tuy nhiên, một số thành viên, hộ liên kết không hiểu được lợi ích lâu dài của mối liên kết này, chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt, bán được giá cao là “khoái”.

Bên cạnh đó, trong quá trình mở rộng các vùng nguyên liệu, các hộ sản xuất thường e ngại khi ký các hợp đồng kinh tế vì kiến thức cơ bản về pháp luật trong hoạt động kinh tế hết sức hạn chế, dẫn tới băn khoăn khi quyết định lựa chọn cây trồng mới, sợ không đảm bảo số lượng theo yêu cầu và lo ngại giá thu mua sản phẩm của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường... Trong khi đó, để hạch toán được lợi nhuận, HTX chỉ có thể tổ chức ký hợp đồng thu mua với một khối lượng sản phẩm khá lớn.

Cây ăn quả tại Sơn La đang rất yếu trong khâu liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Trung Quân. 

Cây ăn quả tại Sơn La đang rất yếu trong khâu liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Trung Quân. 

Vậy là, HTX đứng ra làm đầu mối, đại diện pháp luật ký kết đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu với doanh nghiệp theo thỏa thuận, trong khi người dân thấy lợi nhuận là chủ động phá thỏa thuận, bán sản phẩm ra ngoài. HTX bỗng chốc rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", trong khi để áp dụng chế tài xử lý thì rất khó khăn vì nhiều yếu tố tác động.

Về phía người sản xuất, khi được hỏi tại sao không thích tham gia liên kết hay phá vỡ liên kết? Hầu hết đều trả lời là không đạt được sự hài hòa về lợi nhuận với doanh nghiệp, cụ thể là cách thức chọn lựa sản phẩm và giá thu mua sản phẩm so với thương lái bên ngoài.

Nông dân Lường Văn Inh, bản Chiềng Đen, xã Chiềng Chăn, Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: Gia đình ông tham gia trồng chanh leo từ những ngày đầu bảo: “Doanh nghiệp thường chọn lựa những sản phẩm loại A khắt khe hơn, loại quả chế biến thu mua giá cũng thấp hơn so với thương lái bên ngoài. Trong khi, dịch bệnh trên cây chanh leo không trị được, năng suất, mẫu mã quả không được như mong muốn, nên chọn lựa quá kỹ sẽ thiệt thòi cho người trồng. Cánh thương lái thì mua xô, chọn lựa không quá kỹ nên đương nhiên là thích chọn cách bán tự do".

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất