Dự kiến trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ là nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Và khi nói đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, cần phải nói đến An Giang.
Đây là tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước, luôn tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, chương trình “1 phải, 5 giảm” và “ruộng lúa bờ hoa” là những thành tựu điển hình.
“1 phải, 5 giảm” giúp nông dân làm giàu
Canh tác lúa thực hiện theo hướng nông nghiệp bền vững là xu thế hiện nay trên thế giới. Tức phải ngày càng giảm lượng hóa chất, chủ yếu hóa chất BVTV và phân bón; các hợp chất kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó phải đạt được việc bảo vệ các môi trường nước, không khí và môi trường sinh thái tự nhiên.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: Cả nước đang hướng đến mục tiêu canh tác lúa sao cho giữ vững năng suất, sản lượng đồng thời đảm bảo được chất lượng hạt gạo, đạt yêu cầu xuất khẩu, tăng hiệu quả sản xuất. Để làm được điều này, những năm gần đây tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tích cực triển khai ứng dụng và đưa các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng. Từ đó góp phần thay đổi dần thói quen canh tác của nông dân theo hướng thiết thực.
Có thể thấy rõ qua điển hình của nông dân Trần Văn Đài, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành (Thoại Sơn - An Giang). Ông Đài thú thật: “Mấy năm trước tôi phun xịt thuốc cho lúa nhà dữ lắm, phun tối ngày. Tuy nhiên, đến vụ HT năm 2011 thì tui không còn xịt thuốc mà thấy kết quả vẫn không bị thiệt hại như mọi lần, ngược lại ít sâu, rầy hơn”.
Cánh đồng mẫu xã Tân Thạnh (TX. Tân Châu) áp dụng “1 phải, 5 giảm” và
công nghệ sinh thái
Giai đoạn lúa được 1 tháng sau sạ, thông thường ở những vụ trước ông Đài phun xịt thuốc đến 3 đợt, tốn mỗi ha 1,5 triệu đồng. Nếu tính tổng diện tích của gia đình đang canh tác 5 ha thì tốn đến 7,5 triệu đồng. Đó là chưa tính trường hợp sâu nặng ông còn thẳng tay phun thuốc nhiều hơn con số kể trên.
Cho đến khi theo học lớp huấn luyện “1 phải, 5 giảm”, ông hiểu ra nhiều thứ. Trong đó, cùng với giảm được đáng kể số tiền phun thuốc BVTV, ông thích nhất là giảm được lượng giống gieo sạ. Ông Đài cho biết thêm, hồi trước thường sạ giống đến hơn 20kg/công, nay theo hướng dẫn của các kỹ sư thực hiện kéo hàng chỉ từ 8-10kg/công tức đã giảm hơn phân nửa.
“Ban đầu, thấy lúa phát triển thưa quá, tui hổng chịu và dự định sạ thêm giống khác nữa. Rồi nhìn ruộng đối chứng sạ theo tập quán của nông dân kế bên với số lượng 17kg/công, mới 3 ngày đầu lúa đã xanh rờn. Nhìn thấy mê! Nhưng khi nghe các kỹ sư cam kết bù lỗ nếu thất, tui mới thôi ý định”, ông Đài nói.
Mô hình “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa bằng công nghệ sinh thái” là một tiến bộ kỹ thuật mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình đã triển khai trên cây lúa trước đây: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy... giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, cần thiết trong việc tổ chức trồng lúa theo hướng GAP.
Theo đó, từ vụ HT 2010, Chi cục BVTV An Giang đã bắt đầu triển khai thực hiện thử nghiệm mô hình áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng thu hút thiên địch phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa lần đầu tiên tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn nông dân tham gia ứng dụng cách làm trên với tổng diện tích hơn 520 ha.
Kết quả cho thấy, khi thực hiện công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” đã giúp bà con đạt được những lợi ích như: thu hút ong mật và ong ký sinh đến bảo vệ ruộng lúa, giảm chi phí thuốc trừ sâu và tăng lợi nhuận. Qua thời gian ứng dụng, toàn bộ diện tích áp dụng công nghệ sinh thái hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu lần nào mà vẫn đạt năng suất khá cao.
Bên cạnh đó giúp giảm được số lần phun thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá từ 3-4 lần, thậm chí có mô hình không phun thuốc trừ sâu, rầy trong cả vụ lúa như tại xã Phú Hữu (An Phú)... Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc trừ sâu, tăng cường khả năng quản lý dịch hại tự nhiên của đồng ruộng góp phần bảo vệ môi trường và sản xuất theo hướng bền vững.
Nông dân Út Bé, phường Mỹ Phước (TP.Long Xuyên) bộc bạch: Từ khi áp dụng chương trình “ruộng lúa bờ hoa”, tui thường thức sớm hơn để đi thăm đồng và luôn cảm thấy lâng lâng mỗi khi đứng trước ruộng lúa ngắm nhìn thêm những cây có hoa nở rực rỡ. Dường như nó khiến chúng ta càng gắn bó với ruộng đồng nhiều hơn. Qua mấy vụ thực hiện, tôi nghĩ chúng ta nên áp dụng sâu và đồng loạt hơn mô hình này, cùng nhau bảo vệ bờ đê để trồng hoa nuôi thiên địch.
Còn nông dân Nguyễn Hát, xã Bình Mỹ (Châu Phú), nói: Đối với lúa giống Jasmine có thể nói là “vua bệnh” và bị sâu rầy khá nhiều. Nhờ trồng thêm cây có hoa trên bờ ruộng thu hút thiên địch đến tiêu diệt chúng nên vụ ĐX 2012-2013 tôi chỉ cần phun xịt 1 đợt thuốc mà thôi.
Xây dựng thương hiệu gạo An Giang
An Giang đang triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về xây dựng cánh đồng mẫu lớn hướng tới vùng nguyên liệu xuất khẩu định hướng sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP – Good Agriculture Practice). Theo đó, từ năm 2008, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Dự án “Xây dựng chất lượng và thương hiệu gạo An Giang” giai đoạn 2008-2011 với tổng kinh phí 3.399 triệu đồng.
Nâng cao vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương, quy hoạch vùng trồng theo từng giống để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng giao thông thuỷ lợi nội đồng hoàn chỉnh, tiến tới cánh đồng mẫu theo đúng nghĩa. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng kho chứa và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. (ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng BVTV An Giang). |
Trên cơ sở xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP có chứng nhận độc lập, thực hiện các mô hình điểm ở 3 huyện: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên. Mỗi điểm 30 ha gắn kết với doanh nghiệp chế biến thông qua hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sau đó nhân rộng mô hình theo nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp. Từ năm 2012 trở đi, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến này nhằm tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm GAP.
Để cây lúa An Giang ngày một phát triển tiến đến một nền nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho rằng, cần thực hiện tốt các vấn đề như huấn luyện nông dân hiểu rõ các tiến bộ khoa học kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”; tăng cường trình diễn các mô hình ứng dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng để nông dân tận mắt và làm theo.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ các kênh quảng cáo thuốc BVTV, nhất là quảng cáo trên đài truyền hình. Lưu ý các DN kinh doanh lúa gạo sát cánh cùng DN cung ứng đầu vào hỗ trợ nông dân nhằm xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Đối với các DN cung ứng thuốc BVTV phải có trách nhiệm trong thu gom vỏ bao bì nhằm hạn chế tác hại đến môi trường.