Lô trái phiếu 450 tỷ đồng
Trong thông tin gửi tới báo giới hôm 12/5, Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land - mã CRE), phản hồi về việc phát hành lô trái phiếu 450 tỷ đồng liên quan tới Công ty Cổ phần Đầu tư LILAHA.
Cen Land cho biết về thủ tục phát hành, doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu theo đúng quy trình, trong đó đã thực hiện công bố thông tin tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) theo đúng quy định về thời hạn và nội dung công bố.
Tại thời điểm phát hành, Cen Land đã sử dụng nhiều tài sản khác nhau để bảo đảm cho nghĩa vụ trái phiếu, trong đó có cổ phần do LILAHA phát hành. Cen Land nhấn mạnh tài sản bảo đảm là cổ phần LILAHA, không phải là dự án LILAHA hoặc lô đất tại dự án LILAHA. Các cổ phần này đã được phát hành và đang lưu hành, hoàn toàn đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật, trong đó có giao dịch bảo đảm.
Sau khi phát hành xong đợt trái phiếu, Cen Land cho biết đã cơ cấu lại tài sản bảo đảm theo hướng rút cổ phần LILAHA và thay bằng tài sản bảo đảm khác. Với sự đồng ý của các chủ sở hữu trái phiếu tại Nghị quyết Hội nghị Người sở hữu trái phiếu ngày 8/9/2021, thủ tục thay đổi tài sản bảo đảm được đại lý phát hành phối hợp với Cen Land thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đã hoàn thành ngày 8/9.
Hiện, cổ phần LILAHA đã được rút ra và không còn là tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, để đưa cổ phần chi phối đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần đầu tư LILAHA thành tài sản đảm bảo, CENLAND đã thuê Công ty cổ phần Thẩm định giá Tây Đô (trụ sở tại Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) thẩm định giá Công ty cổ phần Đầu tư LILAHA. Việc thẩm định giá diễn ra trước ngày phát hành trái phiếu 1 tháng.
Ngày 15/12/2020, Công ty Thẩm định giá Tây Đô phát hành chứng thư thẩm định, trong đó định giá Công ty LILAHA vào thời điểm ngày 30/11/2020 là 635 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với giá trị sổ sách chỉ 345 tỷ đồng, đồng thời gấp 3,8 lần vốn điều lệ.
Căn cứ được Công ty Thẩm định giá Tây Đô đưa ra dựa trên việc tính toán hiệu quả đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở tại khu đất thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Tuy vậy, ngay chính trong chứng thư do Công ty Tây Đô cung cấp, đơn vị này cũng khẳng định dự án mà LILAHA đang đầu tư chưa tính tiền sử dụng đất, chưa có có quyết định giao đất, có thể ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá, nhưng đơn vị này vẫn đưa ra định giá dự tính hơn 635 tỷ đồng cho LILAHA để giúp CENLAND làm căn cứ thực hiện việc thế chấp cổ phần này làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 450 tỷ đồng.
Dự án liên quan hàng nghìn m2 đất nông nghiệp
Từ tháng 2/2017, mặc dù chưa có quyết định giao đất, chưa tính tiền sử dụng đất và phần đất vẫn đang trong tình trạng tranh chấp và khiếu kiện từ phía chủ sở hữu phần 3.013 m2 đất nông nghiệp, nhưng LILAHA vẫn thực hiện thế chấp toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp khác phát sinh từ Dự án "Đầu tư Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và dịch vụ tại khu Cày Máy, phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy” tại một ngân hàng thương mại cho một khoản vay khác. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh việc tranh chấp này trong bài “Dự án chung cư LILAHA complex bị tố 'thôn tính' hơn 3.000m2 đất của dân”.
Ngày 9/7/2021, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của công dân về việc đề nghị UBND TP có biện pháp không xem xét, tạm dừng mọi thủ tục liên quan đến việc cấp phép, triển khai dự án của Công ty Lilaha cho đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp hơn 3.000m2 đất ở quận Tây Hồ.
Khu đất này nguồn gốc là đất nông nghiệp (gọi tắt là khu Cày Máy) được chính quyền giao đất cho xã viên HTX nông nghiệp Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2009, một số người cùng góp tiền với bà Tuyết Nhung (trú tại phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) mua gom quyền sử dụng nhiều mảnh đất nông nghiệp từ các hộ nông dân, hợp thửa thành mảnh đất 3.013m2.
Quá trình quản lý sử dụng phần đất nông nghiệp Cày Máy, bà Tuyết Nhung phát hiện một số giấy tờ có dấu hiệu giả mạo sự việc “chuyển nhượng” khu đất của mình cho một người tên là Tống Văn Chiến (sinh năm 1962, trú tại Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) từ ngày 12/07/2012. Được nhóm bạn ủy quyền đại diện, Bà Tuyết Nhung đã trình báo công an và chính quyền địa phương, đồng thời khởi kiện ra tòa án nơi ông Tống Văn Chiến cư trú.
Thắng kiện, phía bà Tuyết Nhung lập tức gửi thông báo và kiến nghị các cấp chính quyền từ phường Xuân La, tới quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội, đề nghị chính quyền dừng ngay mọi thủ tục cấp phép triển khai, thực hiện dự án “Tổ hợp văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ và nhà ở tại ô đất D3-HH12”.
Đây là dự án xây dựng chung cư, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư LILAHA (LILAHA), tổng diện tích hơn 8.600m2, bao trùm lên phần đất nông nghiệp 3.013m2 tại khu Cày Máy của nhóm bà Tuyết Nhung, theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
UBND TP. Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn tại cuộc họp liên quan dự án khu Cày Máy (theo quy hoạch nằm trong ô đất D3-HH12) thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận Tây Hồ kiểm tra, giám sát LILAHA “thực hiện cam kết tháo dỡ nhà tạm, hoàn trả hiện trạng khu đất”. Phó Chủ tịch Tuấn cũng chỉ đạo: “Tạm thời chưa xem xét, đề xuất việc quyết định chủ trương dự án tại khu đất nêu trên, theo như chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại văn bản số 5433 ngày 21/11/2020”.
Như vậy, UBND TP.Hà Nội đã có kết luận rõ ràng, LILAHA chưa được phép đầu tư, triển khai dự án. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến ngày 14/4, công trình nhà tạm vẫn còn.
Trong văn bản công bố thông tin bổ sung ngày 11/10/2021, về lô trái phiếu mã CRE202001, CenLand cho biết: Trong thời gian còn dư nợ trái phiếu và không phát sinh sự kiện vi phạm, tổ chức phát hành và các bên bảo đảm được sử dụng phần cổ tức bằng tiền được chia từ cổ phiếu CRE, cổ phiếu Lilaha, cổ phiếu CIV, theo sự chấp thuận bằng văn bản của người đại diện sở hữu trái phiếu.