| Hotline: 0983.970.780

Dự án chung cư Lilaha complex bị tố 'thôn tính' hơn 3.000m2 đất của dân

Thứ Năm 28/04/2022 , 08:36 (GMT+7)

Tòa tuyên quyền sử dụng hơn 3.000m2 đất nông nghiệp thuộc về người dân, song Công ty cổ phần đầu tư LILAHA nhiều lần cản trở chủ đất thực hiện quyền bảo vệ tài sản.

Hiện trường tại khu đất vào ngày 14/4, khi có nhóm người chửi bới, hăm dọa, cản trở việc thi công rào chắn phần đất nông nghiệp rộng 3.013m2 của chủ sử dụng hợp pháp. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện trường tại khu đất vào ngày 14/4, khi có nhóm người chửi bới, hăm dọa, cản trở việc thi công rào chắn phần đất nông nghiệp rộng 3.013m2 của chủ sử dụng hợp pháp. Ảnh: Tùng Đinh.

Cản trở quyền lợi hợp pháp của người dân

Mảnh đất nông nghiệp diện tích 3.013m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, tiếp giáp giữa phường Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) bị tranh chấp suốt 10 năm qua, tiếp tục nóng lên với sự xuất hiện của hàng chục người tự xưng là đại diện “chủ đầu tư” hôm 14/4/2022.

Ngày 14/4/2022, tại khu đất quây tôn trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (thuộc địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), một nhóm khoảng 40 người tụ tập đông người. Những người này chửi bới, hăm dọa, cản trở việc thi công rào chắn phần đất nông nghiệp rộng 3.013m2 của chủ sử dụng hợp pháp.

Khu đất này nguồn gốc là đất nông nghiệp (gọi tắt là khu Cày Máy) được chính quyền giao đất cho xã viên HTX nông nghiệp Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2009, một số người cùng góp tiền với bà Tuyết Nhung (trú tại phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) mua gom quyền sử dụng nhiều mảnh đất nông nghiệp từ các hộ nông dân, hợp thửa thành mảnh đất 3.013m2.

Quá trình quản lý sử dụng phần đất nông nghiệp Cày Máy, bà Tuyết Nhung phát hiện một số giấy tờ có dấu hiệu giả mạo sự việc “chuyển nhượng” khu đất của mình cho một người tên là Tống Văn Chiến (sinh năm 1962, trú tại Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) từ ngày 12/07/2012. Được nhóm bạn ủy quyền đại diện, Bà Tuyết Nhung đã trình báo công an và chính quyền địa phương, đồng thời khởi kiện ra tòa án nơi ông Tống Văn Chiến cư trú.

Mặt bằng khu đất nông nghiệp hơn 3.000m2 của bà Tuyết Nhung (khoanh trắng) nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặt bằng khu đất nông nghiệp hơn 3.000m2 của bà Tuyết Nhung (khoanh trắng) nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 20/01/2022, TAND quận Đống Đa ra bản án dân sự sơ thẩm số 14/2022/DS-ST do thẩm phán Vũ Lệ Quyên ký ban hành, tuyên xử văn bản ghi “Giấy chuyển nhượng” ngày 12/07/2012 giữa nhóm bà Tuyết Nhung với ông Tống Văn Chiến là giao dịch vô hiệu. Bị đơn Tống Văn Chiến không xuất hiện tại tòa. Sau phiên xử, bị đơn không kháng cáo, do đó bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Thắng kiện, phía bà Tuyết Nhung lập tức gửi thông báo và kiến nghị các cấp chính quyền từ phường Xuân La, tới quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội, đề nghị chính quyền dừng ngay mọi thủ tục cấp phép triển khai, thực hiện dự án “Tổ hợp văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ và nhà ở tại ô đất D3-HH12”.

Đây là dự án xây dựng chung cư, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư LILAHA (LILAHA), tổng diện tích hơn 8.600m2, bao trùm lên phần đất nông nghiệp 3.013m2 tại khu Cày Máy của nhóm bà Tuyết Nhung, theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Nhóm người chửi bới, hăm dọa, cản trở việc thi công rào chắn phần đất nông nghiệp rộng 3.013m2 của chủ sử dụng hợp pháp ngày 14/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhóm người chửi bới, hăm dọa, cản trở việc thi công rào chắn phần đất nông nghiệp rộng 3.013m2 của chủ sử dụng hợp pháp ngày 14/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Hà Nội yêu cầu dừng ngay dự án

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn tại cuộc họp liên quan dự án khu Cày Máy (theo quy hoạch nằm trong ô đất D3-HH12) thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận Tây Hồ kiểm tra, giám sát LILAHA “thực hiện cam kết tháo dỡ nhà tạm, hoàn trả hiện trạng khu đất”. Phó Chủ tịch Tuấn cũng chỉ đạo: “Tạm thời chưa xem xét, đề xuất việc quyết định chủ trương dự án tại khu đất nêu trên, theo như chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại văn bản số 5433 ngày 21/11/2020”.

Như vậy, UBND TP.Hà Nội đã có kết luận rõ ràng, LILAHA chưa được phép đầu tư, triển khai dự án. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến ngày 14/4, công trình nhà tạm vẫn còn. Công trình này nằm trên phần đất mà Tòa đã tuyên thuộc quyền sử dụng của bà Tuyết Nhung.

Mặt khác, tại ba biên bản sự việc liên quan đến tranh chấp được UBND phường Xuân La lập, đại diện của LILAHA đều không có mặt dù đã được mời.

Lực lượng công an có mặt tại khu đất ngày 14/4 vừa qua để đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Tùng Đinh.

Lực lượng công an có mặt tại khu đất ngày 14/4 vừa qua để đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Thế kỷ (Cen Invest) thuộc Cen Group đã mua lại cổ phần và chi phối, điều hành LILAHA. Việc này được xác nhận trong văn bản số 1621/2018/NQ-HĐQT của Công ty cổ phần bất động sản Thế kỷ (Cen Land). Theo đó, Hội đồng Quản trị của Cen Land ra nghị quyết thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần và sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ do LILAHA phát hành. Ông Vương Văn Tường, thành viên HĐQT của Cen Land hiện làm Tổng Giám đốc LILAHA.  Thông tin này có trên trang web cenland.vn của Cen Land.

Cen Invest là đơn vị hoạt động giống như chủ đầu tư, nhà phát triển hay đồng hành phát triển các dự án, tạo nguồn sản phẩm cho Cen Land phân phối và tiếp thị.

Trong đơn thư gửi báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Tuyết Nhung trình bày: Ngày 23/2/2022, tôi đã trực tiếp đến và có mặt tại Lô đất để thực hiện các công việc chuẩn bị và cần thiết để thu hồi lại Lô đất.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, có 1 nhóm người khoảng 30 đến 40 người tự cho là được thuê và đại diện cho chủ đầu tư là LILAHA và Cen Invest  nhất quyết ngăn cản, đe dọa không cho tôi và người của tôi tiến hành đo đạc, xác định ranh giới và quây rào diện tích Lô đất.

Việc làm của nhóm người này là hoàn toàn vi phạm pháp luật và có nguy cơ làm mất an ninh, trật tự tại khu vực, xâm hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác và cần bị xử lý nghiêm khắc.

Để có thông tin khách quan về sự việc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Cenland song chưa nhận được hồi âm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.