| Hotline: 0983.970.780

Cháu phải có bữa ăn sáng tại nhà cho cả chồng và con trai

Thứ Hai 15/08/2016 , 06:35 (GMT+7)

Thấm thoát con trai lớn của cháu sắp vào cấp ba rồi cô. Thấy con lớn mà chạnh buồn cô ơi. Vì quá bận nên từ lâu cháu không có thời giờ ăn sáng cùng con...

Cô kính mến!

Cháu lấy chồng đến nay đã được 16 năm. Vợ chồng hai người hai công việc, chồng cháu ít bận rộn hơn cháu. Nhưng thu nhập gia đình trông cậy vào cháu.

Thấm thoát con trai lớn của cháu sắp vào cấp ba rồi cô. Thấy con lớn mà chạnh buồn cô ơi. Vì quá bận nên từ lâu cháu không có thời giờ ăn sáng cùng con. Buổi trưa cả nhà ăn qua quýt chỉ nửa tiếng đồng hồ, buổi tối bảy giờ cháu mới về tới nhà. Tội nghiệp con trai, nó không chờ được, phải ăn một mình cái gì đó rồi đi học thêm. Khi nó về, nó hay xin tiền mẹ mua gì đó ăn thêm, cháu mệt quá ngủ sớm để mai còn đi làm. Vậy đó cô. Thời gian biểu của hai mẹ con cứ như vậy từ suốt mấy năm cấp hai của nó.

Đứa con trai cháu kén ăn và ít chịu uống nước nên nó ốm o lắm so với các bạn. Hay là do cháu không có thời giờ cho con? Nhìn nó cao nhồng, ốm nhách má mắc cỡ cho cách làm mẹ của mình cô ơi. Chỉ còn một năm cấp II nữa thôi, cháu muốn dành tâm sức cho con nhưng không biết cách nào.

Chồng cháu không giỏi giang cũng không hay giúp đỡ việc nhà nên cháu có thuê một người hàng xóm đứng tuổi tới giúp một buổi đứng và chồm qua tối mấy tiếng nữa. Bà ấy rước con gái nhỏ, về cho nó ăn, tắm cho nó, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các thứ để cháu về cháu nấu. Vẫn áp lực không có thời giờ, chắc vậy nên chồng cháu có vẻ chán cơm, con trai không mập, không khí bời rời. Sáng sớm chồng cháu đưa con trai đi học, mua cái gì cho con bỏ cặp, anh ấy ăn ở gần cơ quan, cháu và con gái nhỏ ăn gì thì ăn. Vì vậy mà cha no bụng nhưng con trai ăn không nhớ uống nước, như cái cây cao lên mà khô cằn.

Làm sao cho công việc trơn tru, thu nhập ổn định mà lo cho chồng con như mình muốn được đây cô? Rồi con nó sẽ lớn, đi du học hoặc đi đại học xa nhà, cháu sẽ tiếc cái thời con nó cần mà mình quá cứng nhắc, chậm chạp để nó không được chăm sóc tốt. Nghĩ mà đã muốn khóc rồi cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Lá thư cho thấy một góc khuất trong một gia đình đô thị, cuộc sống nhìn bề ngoài tưởng ấm êm trọn vẹn nhưng lại có những khiếm khuyết không ngờ.

Có một công thức rất chung mà cháu nên thuộc: gia đình gắn bó nhau từ cái bàn ăn. Nhớ nha, cái bàn ăn chứ không phải chỗ bộ salon phòng khách, càng không phải phòng ngủ và không chỉ là cái bếp.

Có bếp rồi mới có bàn ăn, đúng không? Muốn bếp có cái đặt vô nồi thì người phụ nữ phải động não. Sáng ăn gì, trưa ăn ra sao và bữa tối thế nào. Bữa sáng quan trọng hơn ta tưởng, chồng ăn ngoài quen nếp, con ăn gì bỏ theo trong cặp, nó có ăn không hay để tiền chơi game, cha mẹ cũng không biết nốt. Buổi trưa qua loa, đúng, vì trưa còn phải nghỉ ngơi chút chút để lại đi làm. Còn lại buổi tối là thong thả, thư giãn, sum họp.

Cháu phải đặt lại lịch sinh hoạt của gia đình. Cháu phải có bữa ăn sáng tại nhà cho cả chồng và con trai. Bốn người ăn gì, nên ăn giống nhau, để cháu còn tính và dễ làm. Cần chống cái bệnh ăn ngoài để tiết kiệm và bảo đảm vệ sinh, vì vậy mà cháu cần sáng tạo. Ăn cháo, ăn mì, ăn bánh mì, ăn bánh bao, ăn cơm chiên, thực đơn của cô đã cho thấy 5 bữa sáng rồi đó. Và sữa tươi cho mỗi người, ăn ít nhưng có sữa bù lại, thêm trái cây và sữa chua nữa nếu được, vậy là ta có bữa sáng đề huề, vui và đầy đủ.

Muốn bữa trưa nhanh cháu phải đặt cơm trước trong nồi điện, các thứ chế biến sẵn chỉ cần lò vi sóng, xong, nhưng đừng thiếu rau và canh với đứa con trai kén ăn và luôn lười uống nước ấy. Buổi tối, nếu con trai không chờ kịp, cháu phải cho bà giúp việc lo cho nó ăn gì đó trước khi học thêm, ăn ít, chống đói để sau đó, khi về nhà, nó ăn một bữa hoành tráng từ tay mẹ nấu. Nếu nó lại xin tiền đi ăn gì đó thì vẫn là cơm đường cháo chợ, rất không tốt cho sức khỏe.

Tóm lại, người phụ nữ vẫn phải cầm trịch cái bếp nhà mình cho dù nàng ta làm bà gì, thu nhập cao ngất tới đâu. Nếu không thì phải thu xếp cách khác, người làm ở hẳn, là người tin cẩn để giao bếp và giao con cho người đó. Cháu nói đúng, con lớn nhanh, nó sẽ vuột khỏi tầm tay mình, khi đó chỉ còn nỗi buồn ở lại trong nhà mình mà thôi. Người phụ nữ chậm và thu xếp kém, lại nấu ăn dở nữa thì chồng con thiệt thòi, gia đình không rôm rả như nhà người ta và từ đó, những thành viên của họ cũng ít có kỷ niệm về họ khi đi xa. Cố gắng bằng tất cả khả năng và trí tuệ và tình thương đúng đắn, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm