| Hotline: 0983.970.780

Chế phẩm bảo quản gỗ XM5

Thứ Tư 21/11/2012 , 09:50 (GMT+7)

Sau một thời gian dài dày công nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công chế phẩm XM5 sử dụng trong việc xử lý và bảo quản gỗ.

Sau một thời gian dài dày công nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công chế phẩm XM5 sử dụng trong việc xử lý và bảo quản gỗ. Đây là sản phẩm có khả năng chống lại nấm, mối, hà biển…đạt hiệu quả tối ưu.

Trên thực tế, việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm có khả năng xử lý và bảo quản gỗ đã có từ rất lâu trên thế giới. Ở nước ta, từ xa xưa công đoạn này đã được hết sức chú trọng. Bằng cách ngâm xuống ao hồ, cây gỗ có thể kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại hiệu quả tốt nhất mà còn gây ảnh hưởng tới môi trường.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, hầu hết các sản phẩm làm từ gỗ đều nhanh chóng bị nấm mốc, mối mọt xâm hại. Đặc biệt là tàu thuyền đi biển cũng luôn là miếng mồi béo bở cho hà biển, các sinh vật ký sinh. Nếu như trước đây, nguồn nguyên liệu gỗ tốt như đinh, lim, sến, táu… dồi dào thì đến nay đã dần cạn kiệt.

Các loại gỗ mọc nhanh rừng trồng như keo, bạch đàn, thông, mỡ… đang được sử dụng làm nguồn nguyên liệu thay thế. Những loại gỗ thay thế này có độ bền tự nhiên thấp, rất dễ bị sinh vật xâm hại. Bên cạnh nhược điểm, loại gỗ này cũng có một ưu điểm đó là do có chu kỳ khai thác ngắn nên công tác xử lý, bảo quản dễ tiến hành hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, XM5 là sản phẩm kết tinh của ba công trình nghiên cứu và thử nghiệm kéo dài từ năm 2001 - 2009. Việc nghiên cứu ra chế phẩm này mở ra một bước đi dài trong công tác xử lý và bảo quản gỗ tại nước ta. Năm 2001, viện được Bộ KH-CN giao đề tài “Nghiên cứu bảo quản tre, gỗ rừng trồng sử dụng ngoài trời làm nọc tiêu, xây dựng cơ bản, nguyên liệu đồ mộc và ván bóc lạng”.


Chế phẩm bảo quản gỗ MX5 sử dụng cho tàu biển giá thành rẻ, hiệu quả cao

Đề tài này do TS Bùi Văn Ái làm chủ nhiệm. Ba loại gỗ được chọn để xử lý và bảo quản gồm bạch đàn Urophylla, keo lá tràm và keo lai. Sau khi thu hoạch, các loại gỗ kể trên sẽ được ngâm trong dung dịch XM5 trong vòng từ 10 - 15 ngày trước khi vớt lên hong khô, đưa vào sử dụng.

Lướt qua công thức hóa học, tôi hết sức ngạc nhiên vì chế phẩm này có cấu tạo hết sức đơn giản, nồng độ của các chất khá cân bằng. Cụ thể, chế phẩm XM5 được cấu tạo từ hai chất là đồng sunphat kỹ thuật (CuSo4.5H2O) kết hợp với kali dicromat kỹ thuật (K2Cr2O7). Trong XM5, mỗi chất này chiếm 50% khối lượng của chế phẩm. Nhưng cái khó chính là, hiện nay nước ta mới chỉ SX được đồng sunphat kỹ thuật, còn lại chất kali dicromat kỹ thuật hoàn toàn phải nhập về từ Trung Quốc để chế biến.

Các khâu trong quá trình chế biến XM5 được sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của đội ngũ kỹ thuật. Sau khi kiểm tra nguyên liệu đầu vào, hai chất kể trên sẽ được nghiền ra thành bột sau đó phơi sấy rồi cân theo tỷ lệ phối liệu (50/50). Tiếp đó, hai chất này sẽ được trộn đều, chuyển qua bồn chứ thành phẩm XM5 bột.

Trong quá trình trộn, các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra màu sắc, độ ẩm, kích thước của chế phẩm có đủ tiêu chuẩn hay không. Qua công đoạn này, bột XM5 sẽ được cân rồi đóng gói thành từng bao nhỏ, bên ngoài dán nhãn mác của viện sau đó cho vào kho để bảo quản. Hiện tại, chế phẩm XM5 đang được bán rộng rãi trên thị trường dưới dạng bao nhỏ 1 kg. Sau đề tài này, chế phẩm XM5 của viện đã được đánh giá cao, có khả năng áp dụng rộng rãi ngoài thị trường.

Sau thành công này, viện tiếp tục được Nhà nước giao cho tiến hành hai nghiên cứu là “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị SX chế phẩm XM5 và ứng dụng xử lý bảo quản gỗ rừng trồng làm cọc chống ngoài trời để trồng hồ tiêu và thanh long” và “Nghiên cứu công nghệ bảo quản gỗ rừng trồng làm nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển”.

Qua đề tài thứ hai, viện đã cho xây dựng 1.300 m2 nhà xưởng hệ thống thiết bị đồng bộ phục vụ cho việc SX chế phẩm XM5. Công nghệ SX này sau đó đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị trong cả nước, tiêu thụ hơn 95.000 kg chế phẩm XM5 thu về trên 3 tỷ đồng.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Cty TNHH Xử lý mối & bảo quản gỗ (địa chỉ 111 Láng Hạ - Đống Đa - Hà Nội) để SX, cung cấp chế phẩm ra thị trường. Với giá thành khá rẻ, khoảng 80.000 đồng/kg, dễ sử dụng, không độc hại…XM5 đang rất được người dân ưa chuộng.

“Với những sản phẩm làm từ gỗ nếu được dùng ở trong nhà và xử lí qua XM5 thì có thể chống được hiện tượng mối mọt, nấm mốc vài chục năm là chuyện bình thường”, bà Ngọc khẳng định.

Đến đề tài thứ 3, nhóm tác giả đã quyết định “đánh cược” với thời tiết bằng cách bỏ tiền thử nghiệm trên những con tàu chạy ngoài khơi. Những chiếc tàu của Cty Đóng tàu Quảng Yên (Quảng Ninh) sẽ được “tắm” hỗn hợp nước và chế phẩm XM5 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Nếu như bình thường, một chiếc tàu chạy trong môi trường nước biển thì chỉ khoảng 6 tháng lại kéo lê bờ để “thui” hà biển. Trong quá trình chạy, con hà biển sẽ bám vào thân và ăn mòn từng lớp gỗ của tàu. Mỗi lần kéo lên để thui, thời gian ít nhất cũng mất 10 ngày, tiền công bỏ ra lên đến 50 - 60 triệu. Nhưng nếu chỉ cần ngâm toàn bộ số gỗ đóng tàu trong dung dịch chế phẩm XM5 trong vòng từ 10 - 15 ngày, chi phí hơn chục triệu đồng thì con tàu có thể chạy phăng phăng suốt 2 năm liền mà không phải “thui, đốt”.

Nghiệm thu sau hai năm, chất lượng gỗ trên tàu của Cty Đóng tàu Quảng Yên vẫn rất tốt, không có hiện tượng bị hà biển xâm hại. Kết quả thu được qua ba đề tài kể trên, XM5 đã thực sự khẳng định được hiệu quả của mình, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho cả người SX và tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, điểm mấu chốt trong việc xử lý và bảo quản gỗ ở đây là việc phối hợp các chất như thế nào, sử dụng làm sao để đem lại hiệu quả cao nhất. Khi XM5 kết hợp với gỗ sẽ tạo ra một phức chất có độ liên kết cao, chống chịu được rửa trôi do nước mưa, nước biển, sự xâm hại của nấm mốc, mối mọt, hà biển…

Mọi chi tiết xin liên hệ: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Địa chỉ: Xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội

ĐT: 04.3838.9031 - 04.3836.3610 - Fax : 84.4.3838.9722

Email : info@fsiv.org.vn.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Tận thu rơm, có thêm thu nhập 3 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Lúa sau khi thu hoạch được máy cuộn rơm vào thu gom, cho bà con nông dân thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi ha…