| Hotline: 0983.970.780

Chế phẩm thay thế kháng sinh nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học

Thứ Sáu 17/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

Tiền Giang Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã nghiên cứu đưa vào sử dụng 3 chế phẩm sinh học ứng dụng nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học.

Thay thế kháng sinh

Thuỷ sản ở tỉnh Tiền Giang từ lâu cũng được xem là ngành mũi nhọn ở địa phương. Trong đó, nghề nuôi biển ở tỉnh này cũng khá phát triển. Nổi bật là nghề nuôi tôm biển, nhất là tôm thẻ chân trắng. Các hình thức nuôi ngày càng cải tiến và có xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi như nuôi trên bể cạn, đáy ao lót bạt.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Hữu Đức.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Hữu Đức.

Để nghề nuôi tôm biển của địa phương phát triển bền vững hơn nữa, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã nghiên cứu 3 dòng chế phẩm sinh học từ các chủng vi sinh vật có lợi ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học nhằm thay thế kháng sinh. Đó là chế phẩm xử lý thức ăn, chế phẩm xử lý nước và chế phẩm xử lý đáy ao. Đề tài nghiên cứu do ông Nguyễn Phước Ái, công tác tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang làm chủ nhiệm.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy sự kết hợp 3 quy trình xử lý môi trường, thức ăn bằng các chế phẩm sinh học với các chủng vi sinh vật bản địa vào các ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp ổn định chất lượng nước ao nuôi tôm. Đồng thời, giảm các chỉ số nhu cầu oxy sinh hóa (BOD, COD) và hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS). Bên cạnh đó, cải thiện quá trình lắng trong của ao nuôi và ao lắng, đồng thời giảm thể tích bùn lắng ao tôm…Quan trọng nhất, tôm tăng sức đề kháng và ít mắt các bệnh thường gặp, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

Về cách sử dụng sản phẩm, ông Nguyễn Phước Ái cho biết: Đối với chế phẩm xử lý thức ăn, nhà nông sử dụng 1 lít cho 10kg thức ăn, trộn cho ăn liên tục 10 ngày/tháng. Sau khi trộn, bà con cần để cho men ngấm vào thức ăn khoảng 10 - 15 phút rồi tiến hành cho tôm ăn. Bà con cho tôm ăn trong suốt vụ nuôi đến khi thu hoạch. Lượng thức ăn khoảng 4 - 5% trọng lượng thân. Khi cho tôm ăn bà con cần rải đều để tránh trường hợp lượng thức ăn phân bố trong ao không đều.

Các chế phẩm xử lý nước và đáy ao giúp phân huỷ các chất hữu cơ trong nước, phân huỷ xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy ao. Ảnh: Hữu Đức.

Các chế phẩm xử lý nước và đáy ao giúp phân huỷ các chất hữu cơ trong nước, phân huỷ xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy ao. Ảnh: Hữu Đức.

Để xử lý đáy ao, cần dùng 2kg chế phẩm cho ao có diện tích 1.200m2. Định kỳ 7 ngày xử lý 1 lần. Liều lượng sử dụng có thể thay đổi tùy thuộc vào thiết kế của ao nuôi, thành phần của nước ao nuôi, tải lượng và thời gian trữ nước của ao nuôi.

Giá thành các sản phẩm: Dạng bột men xử lý nước ao, đáy ao 50.000 đồng/kg. Dạng nước trộn vào thức ăn 20.000 đồng/lít.

Xử lý nước, cần dùng 1 lít nước chế phẩm cho ao 1.200m2. Định kỳ 7 ngày xử lý 1 lần. Sử dụng tưới trực tiếp nước chế phẩm đều trên ao nuôi.

“Một ao nuôi tôm được quản lý tốt với việc sử dụng định kỳ các loại chế phẩm sinh học nhằm khống chế vi khuẩn có hại và hàm lượng độc tố giúp môi trường ao nuôi ở trạng thái ổn định. Chất lượng nước tốt sẽ giúp tôm phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.

Chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong nuôi tôm. Nuôi tôm an toàn sinh học cần được triển khi từ trại giống đến ao nuôi thương phẩm nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh trên tôm”, ông Nguyễn Phước Ái cho biết.

Hiệu quả xử lý môi trường

Các chế phẩm xử lý nước và đáy ao giúp phân huỷ các chất hữu cơ trong nước, một trong nhiều nguyên nhân làm môi trường nước bị ô nhiễm, phân huỷ xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy ao. Bên cạnh đó, các chế phẩm còn giảm các độc tố trong môi trường nước (do các chất khí độc: NH3, H2S,… phát sinh), sẽ làm giảm mùi hôi trong nước, giúp tôm phát triển tốt. Nâng cao khả năng miễn dịch của tôm, kích thích tôm sản sinh ra kháng thể.

Đồng thời, ức chế hoạt động và phát triển của vi khuẩn có hại, các loài vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh thức ăn và tranh giành vị trí bám với vi khuẩn có hại. Trong môi trường nước, nếu vi khuẩn có lợi nhiều sẽ kiềm hãm, ức chế, lấn át sự phát triển của vi khuẩn có hại. Hạn chế tối đa sự xuất hiện của các loài vi khuẩn có hại trong ao nuôi tôm. Cùng với đó, chế phẩm cũng giúp ổn định độ pH của nước, ổn định màu nước do vi sinh vật trong men vi sinh hấp thu chất dinh dưỡng hoà tan trong nước nên hạn chế tảo phát triển nhiều, sẽ giảm chi phí bơm thay nước.

Trong điều kiện được chăm sóc tốt, tôm phát triển bình thường, khoảng từ 3 tháng tôm sẽ đạt khoảng 45 - 50 con/kg. Nếu thuận mùa, bình quân 1 ao nuôi trong 1 năm cho thu hoạch 2 đến 3 vụ tôm. Ảnh: Hữu Đức.

Trong điều kiện được chăm sóc tốt, tôm phát triển bình thường, khoảng từ 3 tháng tôm sẽ đạt khoảng 45 - 50 con/kg. Nếu thuận mùa, bình quân 1 ao nuôi trong 1 năm cho thu hoạch 2 đến 3 vụ tôm. Ảnh: Hữu Đức.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, vi khuẩn trong men vi sinh có khả năng tiết ra một số chất kháng sinh, enzyme… để kiềm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh và tảo độc. Trong điều kiện được chăm sóc tốt, tôm phát triển bình thường, khoảng từ 3 tháng tôm sẽ đạt khoảng 45 - 50 con/kg. Nếu thuận mùa, bình quân 1 ao nuôi trong một năm cho thu hoạch 2 đến 3 vụ tôm.

Ông Võ Văn Sĩ, một nông dân ở tỉnh Tiền Giang có diện tích ao nuôi hơn 1.200 m2 cho hay, sau khi ứng dụng chế phẩm vi sinh, dịch bệnh tôm nuôi ít xảy ra. Một năm, ông Võ Văn Sĩ thả được 3 vụ, nuôi dưới hình thức cuốn chiếu. Vụ nuôi đầu theo hướng an toàn sinh học thu hoạch được 2,4 tấn, lãi được 110 triệu đồng.

“Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi tôm theo an toàn sinh học, trong quá trình nuôi, tôi đều kiểm soát dịch bệnh tôm chặt chẽ. Vụ năm đầu tiên tôi nuôi năng suất bình quân đạt 2,5 - 2,7 tấn/1.200m2 (tôm thẻ chân trắng). Tuy giá tôm giảm 20.000 đồng/kg nhưng vẫn có lãi từ 110 - 150 triệu đồng/1.200m2”, ông Võ Văn Sĩ nhớ lại.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).