| Hotline: 0983.970.780

Chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn chưa có trong chương trình Ngữ văn mới

Thứ Sáu 15/02/2019 , 08:47 (GMT+7)

Sau khi Bộ GD- ĐT công bố Dự thảo Chương trình môn học vào ngày 19/1/2018, điều chúng tôi cảm thấy hẫng hụt là môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông vẫn chưa có tác phẩm văn học nào viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Ngoài 6 tác phẩm văn học bắt buộc mà ban soạn thảo chương trình đưa ra thì phần gợi ý tác phẩm đề xuất của cả 12 lớp học không hề có tác phẩm nào viết chủ đề này.

Cuộc chiến biên giới phía Bắc diễn ra không chỉ 1 tháng trời rồi kết thúc mà nó còn tiếp diễn dai dẳng thêm hàng chục năm sau nữa. Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến. Chỉ tiếc, sách giáo khoa hiện hành chỉ được tái hiện bằng 11 dòng trong sách giáo khoa Lịch sử. Và, trong vô vàn những tác phẩm văn học tái hiện lại những năm tháng bi thương này lại không hề được các nhà viết sách giáo khoa đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Ai cũng đều biết từ xưa đến nay, văn học Việt Nam luôn song hành cùng Lịch sử. Những nhà văn, nhà thơ là những “thư kí trung thành của thời đại”. Chính những trang văn, chính những vần thơ đã là lời hiệu triệu của biết bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam lên đường đánh giặc trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bởi, một sự thật hiển nhiên là thông qua hiện thực cuộc sống, thông qua hơi thở của thời đại thì văn chương sẽ tái hiện và đem đến cho người đọc một cách nhìn đa chiều về lịch sử, về thân phận, về những những hy sinh, mất mát của con người Việt Nam trong quá trình chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc này.

Trở lại với những trang văn của nhà trường hiện nay, điều ta thấy rõ rằng những người làm sách giáo khoa Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đã chia làm từng giai đoạn Văn học Việt Nam rất cụ thể: có Văn học dân gian và Văn học viết. Văn học viết có văn học Trung đại; Cận đại; Hiện đại. Dòng văn học hiện đại được chia làm từng giai đoạn cụ thể: Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945; Văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp; Văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mĩ; Văn học Việt Nam sau 1975.

Cách chia giai đoạn Văn học sử cho ta thấy rằng mỗi một giai đoạn có một nhiệm vụ riêng, cách phản ánh riêng. Gần đây nhất là giai đoạn văn học kháng chiến chống Mĩ, ta bắt gặp cả nước cùng lên đường với những câu thơ hừng hực khí thế thôi thúc thanh niên Việt Nam ra trận: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ở giai đoạn này, ta bắt gặp những bài thơ, những tác phẩm văn xuôi bằng tất cả niềm tin: “Cuộc đời đẹp nhất là trên  trận tuyến chống quân thù”.

Thế nhưng, giai đoạn văn học sau 1975 được đưa vào sách giáo khoa thì chủ đề văn học về chiến tranh biên giới không được đề cập cả trong chương trình hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khốc liệt nhất chỉ diễn ra trong vòng một tháng, nhưng nó tiếp diễn trong nhiều năm sau nữa và sự tàn phá của nó là vô cùng ghê gớm. Chúng ta đã phải đổi nền độc lập hôm nay bằng xương máu của cha anh mình. Biết bao nhiêu những công trình, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà cửa… bị tàn phá mà mãi về sau chúng ta chưa khôi phục được.

Trong chương trình hiện hành, môn Lịch sử được nói sơ sài mươi dòng trong sách giáo khoa nhưng trong chương trình môn học Lịch sử tới đây đã được những nhà biên soạn đã đưa chủ đề chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vào phân môn Lịch sử ở cấp THCS. Còn Ngữ văn thì tuyệt nhiên không có một tác phẩm văn học nào. Rõ ràng, chương trình Ngữ văn mới lại thêm một lần thiếu sót khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới.

Mỗi cuộc chiến đi qua, bên cạnh những trang sử hào hùng, tái hiện lại các sự kiện, các số liệu thì văn chương sẽ dựng lên những con người với đầy đủ số phận, tinh thần dám xả thân vì non sông, đất nước. Chính những con người trong văn chương sẽ cho chúng ta thấy được không khí và hành động của thế hệ người đi trước đã gác lại những tình cảm gia đình, những lợi ích riêng tư để dấn thân vào cuộc chiến vệ quốc. Dải đất biên giới phía Bắc biết bao nhiêu những con người như thế, biết bao nhiêu con người nằm lại hay bỏ lại một phần xương máu của mình nơi chiến trận nhưng đến hôm nay rất nhiều người trong chúng ta không biết được tận tường về cuộc chiến này.

Chúng ta biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng dung lượng được đề cập trong sách giáo khoa hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Tại sao các cuộc chiến trước đó những người làm chương trình, viết sách giáo khoa đã đề cập nhiều một cách khách quan cho học sinh biết mà cuộc chiến vệ quốc năm 1979 lại chỉ nói một cách sơ sài vài dòng trong sách Lịch sử? Bởi, nếu quay lại với những năm tháng chống Mĩ thì vừa sau cuộc chiến này sách giáo khoa đã đề cập đã phản ánh một cách chi tiết, đa chiều qua từng bài học của học sinh các cấp.

Là giáo viên- điều mà bản thân tôi cũng như bao đồng nghiệp vẫn mong chờ có một ngày những trang sách nhà trường sẽ đưa những sự kiện lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vào sách giáo khoa để những người thầy như chúng tôi có thể giảng dạy cho các em một cách thấu đáo bản chất của vấn đề.

Bởi những người thầy dạy các môn học xã hội như chúng tôi mong muốn không chỉ được dạy cho các em những trang sử hào hùng, những chiến thắng vang dội mà được dạy cho các em cả những đau thương, mất mát của dân tộc qua những áng văn chương. Để từ những mất mát, những hi sinh của thế hệ cha anh đi trước hướng các em học sinh biết trân quí cái cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay.

Tái hiện lại lịch sử qua văn chương là để cho tuổi trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, về dân tộc mình trong quá khứ. Theo chúng tôi, sau lần lấy ý kiến về dự thảo chương trình môn học thì những người làm chương trình, sách giáo khoa mới cần thiết đưa bổ sung vào những tác phẩm văn học viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Gần 40 năm rồi, thời gian đủ chín để chúng ta tri ân những người đã một thời dấn thân vì đất nước. Đã một thời hàng vạn con người ưu tí của dân tộc nằm lại, hoặc bỏ một phần máu xương của mình nơi địa đầu tổ quốc thiêng liêng suốt chiều dài 1.400 km ở biên giới phía Bắc!

 

(Trường THCS xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành- An Giang)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.