Các Bộ trưởng Tài chính khối G7 chụp ảnh lưu niệm tại khu nghỉ dưỡng Whistler, ở Canada |
Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, các tranh chấp giữa nền kinh tế số một (Mỹ) và số hai (Trung Quốc)- đối tác thương mại lớn nhất của nước này vẫn đang tiếp tục tăng nhiệt trở lại. Mọi thứ bắt đầu từ quyết định của Mỹ, áp đặt thuế thép và nhôm đối với một số đồng minh của Washington chỉ trích nặng nề tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khối G7. Cụ thể là Bộ trưởng Tài chính của 6 nước trong nhóm G7 (các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới) gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật và Anh đã yêu cầu người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin chuyển tới Tổng thống Donald Trump "những quan ngại và sự thất vọng" của họ sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 31/5 thông báo, mức thuế nhập khẩu mới đối với hai mặt hàng nhôm và thép đã bắt đầu có hiệu lực.
Theo các quan chức này, quyết định đơn phương tăng thuế nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ lần lượt lên 10% và 25% của ông Trump "không mang tính xây dựng", có thể tạo ra các phản ứng tiêu cực và làm giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của các nước đồng minh. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về thương mại giữa Washington và Bắc Kinh cũng đã không mang lại đột phá nào và chính ông Donald Trump đã lại phải lên trang Twitter khiêu chiến.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã có hai ngày ròng chủ trì các cuộc đàm thảo với đồng cấp Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh nhưng hai bên không đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào. Và ngay sau đó Trung Quốc đưa ra cảnh báo rằng, sẽ hủy bỏ một cam kết trước đó để mua thêm hàng hóa Mỹ nếu chính quyền ông Trump áp đặt thuế xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD vào cuối tháng này.
Trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Hai, Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách bán thêm nhiều mặt hàng nông sản và năng lượng hơn cho Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng đã chuyển thông điệp của ông Trump về mục tiêu quan hệ thương mại công bằng với Trung Quốc. Hồi tuần trước, Mỹ cũng cho hay, các mức thuế mới nhắm vào các ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc sẽ có hiệu lực ngay sau ngày 15 tháng 6. Trong khi đó, Bắc Kinh thì tuyên bố cũng sẽ đáp trả thuế hạn ngạch đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm xe hơi, máy bay và đậu tương.
Theo giới phân tích, Mỹ gần đây không chỉ gây thất vọng với các đồng minh thân cận nhất trong khối G7 khiến nhiều đối tác thương mại truyền thống còn lên kế hoạch trả thù, gây ra những lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang. Theo BBC, trong một cuộc họp tại khu nghỉ dưỡng Whistler ở Canada, các quan chức Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin truyền đạt "sự giận dữ" của họ đến ông Trump về quyết định thuế kim loại.
Dự kiến, ông Trump sẽ có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo của sáu nước trên tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần tới tại Quebec (Canada) . Tuy nhiên nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không thay đổi cách tiếp cận của mình trong chính sách thương mại đối đầu cứng rắn hiện nay.
Không ai muốn chiến tranh thương mại! Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cho hay, mặc dù chính phủ Trung Quốc có nhiều công cụ để đối phó bất kỳ loại thuế quan nào của Mỹ, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thiệt hại. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới nên những thay đổi trong việc cung cấp đậu nành có thể làm tăng chi phí thức ăn chăn nuôi để bù đắp nguồn cung thịt lợn cũng như nhu cầu tiêu dùng của quốc gia trên 1,3 tỷ người. |