Ăn miếng, trả miếng
Cụ thể, theo thông báo của Nhà Trắng, ngày 15/6 tới Mỹ sẽ công bố danh sách hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế 25%. Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, lượng hàng này trị giá 50 tỉ USD. Tới ngày 30/6, Mỹ đồng thời sẽ đưa ra giới hạn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, cũng như các biện pháp “kiểm soát xuất khẩu tăng cường” đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan hoạt động “thâu tóm công nghệ quan trọng”. Washington đồng thời tiếp tục vụ kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ảnh minh họa |
Đây là diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh chỉ ít ngày trước, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố khá hoà nhã với nhau sau cuộc đàm phán tại Washington, với đại diện phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Theo đó, Trung Quốc đã đồng ý tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Mỹ. Giới chức đôi bên cũng loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, có thể gây tác động mạnh tới kinh tế thế giới.
Khỏi phải nói phản ứng của Trung Quốc ra sao khi nhận được thông tin trên từ Mỹ. Tân Hoa Xã hôm qua tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng có các hành động đáp trả trong trường hợp phải bảo vệ lợi ích của mình. “Thái độ của Trung Quốc luôn là: Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng chiến đấu” - Tân Hoa Xã viết. Mặc dù vậy, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, sẽ tiếp tục thảo luận với phía Mỹ để có giải pháp theo tinh thần tuyên bố chung của đôi bên sau phiên họp ở Washington hồi giữa tháng.
Bộ Thương mại Trung Quốc trong khi đó thể hiện sự bất ngờ với quyết định tăng thuế của Mỹ, khi cho rằng đây là quyết định trái ngược với sự thống nhất giữa đôi bên. Hoàn Cầu thời báo, phụ san của cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc Nhân dân nhật báo, thì tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng “chơi tới cùng” với Mỹ.
Ông Trump chưa thoả mãn?
Việc Bắc Kinh chấp nhận tăng nhập khẩu hàng nông nghiệp và năng lượng được xem là một thắng lợi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù vậy, phản ứng mới đây của Nhà Trắng cho thấy, Washington chưa hoàn toàn hài lòng với những gì đạt được.
Khoản thâm hụt thương mại lên tới 375 tỉ USD (năm 2017) với Trung Quốc vẫn là quá lớn, trong khi tại các cuộc đàm phán vừa qua, Bắc Kinh không đề cập gì tới việc giảm bớt thâm hụt thương mại với Mỹ tới 200 tỉ USD vào năm 2020 như yêu cầu ông Trump đặt ra. Ngay cả khi Trung Quốc chấp nhận hướng tới mục tiêu trên thì có vẻ như đây cũng không phải là vấn đề thiết yếu của Mỹ. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm qua cho biết, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc tin rằng, việc chống bị ăn cắp công nghệ, hoạt động hỗ trợ cho các công ty nhà nước hay các quy định Trung Quốc đặt ra để hạn chế doanh nghiệp nước ngoài mới thực sự cần được chú tâm.
Trên thực tế, giới chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại, Trung Quốc đang muốn vượt Mỹ thông qua tiếp nhận, cải tiến công nghệ mới. Washington hiện cáo buộc Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như một điều kiện để hoạt động ở nước này. Mới hôm 28/5, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu dữ dội ở WTO về vấn đề trên. Ở đây cần xét thêm là từ ngày 2 - 4/6 này, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán về các thoả thuận thương mại giữa đôi bên. Động thái cứng rắn của Washington có thể là một cách giúp ông Ross chiếm lợi thế trong cuộc gặp với những người bạn Trung Quốc sắp tới.