| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cơ cấu góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 24/11/2022 , 08:35 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ đạo trong đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Khai thác lợi thế từng vùng

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cho các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thật cụ thể, sát với tình hình thực tế. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, kém hiệu quả…

Theo đó, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 12.275 ha; trong đó, chuyển đổi trên đất trồng lúa 4.713 ha, đất trồng mía 422 ha, đất trồng mì 2.785 ha; chuyển đất lúa 3 vụ sang 2 vụ là 4.335 ha.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định chuyển đổi trên đất trồng lúa được 620 ha, đạt 164% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2022; chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mì 1.317 ha. Các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng cạn như: Bắp (ngô), đậu phụng (lạc), mè (vừng), các loại đậu… tăng lợi nhuận từ 4-23 triệu đồng/ha so với trồng lúa.

Empty

Đậu phụng, 1 trong những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng lúa toàn tỉnh Bình Định là 52.802 ha; trong đó, diện tích chuyên trồng lúa nước là 45.846 ha được áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, hữu cơ. Khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đối với rau dưa, Bình Định sẽ phát triển khoảng 18.000 ha; trong đó, duy trì các vùng sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP với quy mô 100 ha.

Với cây trồng cạn, Bình Định duy trì và mở rộng các vùng thâm canh đậu phụng với diện tích 15.000 ha, bắp 9.200 ha, mì 10.000 ha; đồng thời hỗ trợ chuyển giao tiến bộ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất làm tăng giá trị cho sản phẩm.

Theo ông Đào Văn Hùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần vào thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo vùng, nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương; khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương.

Empty

Trồng bắp trên đất lúa cho thu nhập cao hơn khi sản xuất trên cùng diện tích. Ảnh: V.Đ.T.

“Với vùng đồng bằng, Bình Định tập trung cho cây lúa thương phẩm, phát triển vùng sản xuất cây đậu phụng, bắp, rau dưa các loại; đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng dừa chế biến và dừa lấy nước. Với vùng trung du, tập trung sản xuất cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi; miền núi duy trì vùng sản xuất lúa để bảo đảm an ninh lương thực và tập trung cho cây dược liệu”, ông Hùng chia sẻ.

Hiệu quả trông thấy

Những năm qua, HTX Nông nghiệp Thượng Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) đã thực hiện chuyển đổi thành công mô hình trồng đậu phụng, bắp sinh khối và mè thay thế cho cây mì trên tổng diện tích 300 ha. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định hỗ trợ thí điểm mô hình 5 ha trồng đậu phụng và 5 ha trồng bắp ngọt áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm tiên tiến, thay đổi thói quen canh tác của nông dân.

“Đặc biệt, khi kênh tưới Thượng Sơn đi qua địa bàn, HTX Nông nghiệp Thượng Giang đã mạnh dạn tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên chuyển đổi 20 ha đất gò đồi sang trồng cây trồng cạn, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến dầu phụng, tăng thu nhập cho thành viên và HTX. Nhờ đó, đời sống của nông dân và diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang, chia sẻ.

Hoặc như ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát), địa phương đã chuyển đổi mạnh những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng áp dụng phương pháp luân canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Empty

HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) khi chuyển đổi đất mía trồng các loại dưa có giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho hay: “Trước đây, xã Cát Hải có gần 200 ha đất sản xuất 1 vụ lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Diện tích này được nông dân xoay chuyển liên tục, hết canh tác đậu phộng, đến hành và ngược lại, thu nhập đạt từ 150-180 triệu đồng ha/năm. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”.

Tương tự, huyện Hoài Ân là một trong những địa phương làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định. Địa phương này đã khai thác tốt lợi thế của từng vùng. Đến nay, Hoài Ân từng bước quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ, vùng sản xuất cây ăn trái theo quy mô hàng hóa…

“Chuyển đổi cơ cấy cây trồng ở Bình Định đang đi đúng hướng, từng bước tạo ra các vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị cho nông sản của địa phương. Đây là mấu chốt để nâng cao đời sống cho nông dân, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất