| Hotline: 0983.970.780

Chuyển ngô, sắn trồng khoai môn, thu nhập gấp 2 - 3 lần

Thứ Năm 14/12/2023 , 10:10 (GMT+7)

LÀO CAI Từ một vài hộ ban đầu, hiện bà con xã Cốc Mỳ (Bát Xát, Lào Cai) đã tăng diện tích trồng khoai môn lên hơn 17ha, thu nhập cao gấp 2- 3 lần ngô, sắn.

Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai và Chương trình 38 của Huyện ủy Bát Xát, khoai môn được xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) xác định là một trong 4 cây trồng chủ lực của xã. 

Khoai môn là cây đã được nông dân xã Cốc Mỳ trồng từ lâu, ban đầu chỉ 2 - 3 hộ trồng. Nhận thấy cây khoai môn sinh trưởng, phát triển và cho sản lượng tương đối cao trên đất nương đồi, củ ăn ngon, vừa bở, vừa thơm, nấu lại rất nhanh nên bà con nông dân xã Cốc Mỳ đã cho nhau cây giống, các hộ cùng nhau chia sẻ cách trồng, chăm sóc.

Nông dân xã Cốc Mỳ phấn khởi vì năm nay khoai môn rất được mùa, được giá. Ảnh: Lưu Hòa.

Nông dân xã Cốc Mỳ phấn khởi vì năm nay khoai môn rất được mùa, được giá. Ảnh: Lưu Hòa.

Năm 2022, nông dân xã Cốc Mỳ đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 10ha cây khoai môn và khoai xanh, đem lại nguồn thu hơn 3 tỷ đồng. Từ việc trồng thử nghiệm cho hiệu quả cao, năm 2023, xã Cốc Mỳ đã định hướng người dân chuyển từ một số giống cây trồng kém hiệu quả khác sang chuyên canh cây khoai môn thành sản phẩm hàng hóa.

Hiện toàn xã có 17,5ha cây khoai môn, được trồng chủ yếu tại các thôn Ná Lùng, Vĩ Kẽm. Chỉ sau 8 tháng trồng và chăm sóc, đến nay cây khoai môn đã cho thu hoạch củ. Hiện bà con nông dân đang phấn khởi vào vụ thu hoạch củ, năng suất trung bình đạt từ 18 – 19 tấn/ha, giá bán tại xã Cốc Mỳ dao động khoảng 14.000 - 18.000 đồng/kg (tuỳ kích cỡ củ, củ to nhất đạt khoảng 1,8kg). Dự kiến tổng nguồn thu từ cây khoai môn năm nay của xã đạt hơn 4,8 tỷ đồng.

Chị Hoàng Thị Vinh ở thôn Ná Lùng (xã Cốc Mỳ) là một trong các hộ đã chuyển đổi trên 2.000m2 đất trồng ngô, sắn hàng năm để trồng cây khoai môn. Sau 8 tháng chăm sóc, nay khoai đã cho thu hoạch. Chị Vinh chia sẻ: Cây khoai môn rất dễ trồng, lại ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt và không mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch cũng nhanh nên tương đối phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của bà con vùng cao nơi đây.

Khoai môn hiện đang được bán với giá từ 14.000 đồng/kg trở lên. Ảnh: Lưu Hòa.

Khoai môn hiện đang được bán với giá từ 14.000 đồng/kg trở lên. Ảnh: Lưu Hòa.

Gia đình chị Lý Thị Vân cũng là một trong các hộ trồng nhiều khoai môn tại thôn Ná Lùng chia sẻ: Để khoai môn đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao và hướng tới mang lại sản phẩm chất lượng, sạch, ăn ngon, các hộ trồng khoai môn đã bảo nhau làm cỏ hoàn toàn thủ công bằng tay, bón phân chuồng ủ hoai mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh, bón phân đúng thời điểm để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại, chú ý nhất là làm cỏ thông thoáng gốc cây, không để sâu bệnh đẻ trứng. Với giá bán củ dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg thu nhập từ trồng khoai môn cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô, trồng sắn. 

Cũng như gia đình chị Vân, chị Vinh, gia đình anh Lý A Cường ở thôn Ná Lùng cũng trồng cây khoai môn từ mấy năm nay phấn khởi chia sẻ: "Cây khoai môn bén rễ ở vùng đất này từ gần chục năm nay, gia đình tôi năm nay cũng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây khoai môn được 0,5ha. Với diện tích này, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được gần 2 tấn củ, giá từ 13 - 20.000 đồng/kg củ loại trắng; loại tím 25 - 30.000 nghìn đồng/kg, thu về hơn 30 triệu đồng. Dự kiến hết vụ năm nay, gia đình tôi sẽ thu được 3 - 4 tấn củ khoai môn trắng, tím".

Cây khoai môn ngày càng được nông dân xã Cốc Mỳ mở rộng diện tích nhờ thu nhập cao. Ảnh: Lưu Hòa.

Cây khoai môn ngày càng được nông dân xã Cốc Mỳ mở rộng diện tích nhờ thu nhập cao. Ảnh: Lưu Hòa.

Ông Phàn A Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Dự kiến năm 2024, xã Cốc Mỳ sẽ mở rộng diện tích trồng khoai môn lên trên 30ha để tạo vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời liên kết với các công ty, hợp tác xã thu mua, tiêu thụ ổn định sản phẩm cho bà con.

Xã cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phấn đấu sản phẩm khoai môn đạt tiêu chuẩn OCOP vào năm 2024.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.