| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về trống thiêng Hgor Knong và những báu vật ở lũng Ayun Pa

Thứ Ba 26/12/2017 , 15:15 (GMT+7)

Ở nơi ấy, có con sông Mẹ tên Ayun và sông Cha tên Pa gặp gỡ, hoà quyện vào nhau, rồi tạo ra những cánh đồng lúa, bắp màu mỡ cho người Jrai. Và ở nơi ấy, còn có những báu vật đã lưu truyền bao đời nay, trở thành biểu tượng tinh thần của người Jrai.

Nơi đó là thung lũng Ayun Pa, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Giữa lúc những báu vật vô giá như cồng chiêng, trống, ché… của Tây Nguyên đang bị những tay săn đồ cổ lùng mua ráo riết, thì ở đây, nhiều người vẫn quyết giữ cho được.
 

Trống thiêng Hgor Knong

Theo chân người bạn đồng nghiệp địa phương, chúng tôi tìm đến nhà bà Rcom H’Kliơng, người Jrai ở buôn Rưng Ma nin xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, người không chỉ am hiểu về những báu vật của tộc người Jrai, mà còn là người có công lưu giữ, bảo vệ chiếc trống thiêng Hgor Knong.

18-22-13_nh_1
18-22-13_nh_2
Bà Rcom H’Kliơng bên chiếc trống thiêng Hgor Knong

Năm nay 68 tuổi, mái tóc trắng như cước nhưng bước chân bà H’Kliơng còn nhẹ nhàng, nhanh nhẹn lắm. Vừa dẫn chúng tôi vào nơi cất giữ chiếc trống thiêng, bà vừa nói: “Bây giờ, những chiếc trống thiêng trong những ngôi nhà dài của người Jrai trong các buôn làng người Jrai ở Tây Nguyên đang ngày càng ít đi. Cho nên, điều làm già sướng cái bụng nhất là ở đây già vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật, linh hồn của dòng tộc, buôn làng”.

Bà H’Kliơng giải thích, theo tiếng Jrai, Hgor Knong có nghĩa là trống lớn, trống đại, trống cha. Tang trống được làm từ thân gỗ H’găi to mấy người ôm khoét rỗng bên trong. Đây là loại gỗ chỉ ở núi rừng Chư Jú của xã Ia Rbol xưa kia mới có. Hai mặt trống bịt bằng da trâu và suốt dọc thân trống cũng vậy. Trống Hgor Knong ở nhà bà H’Kliơng có đường kính mặt trống hơn 1,5m, chiều dài thân trống hơn 2m. Đây là  chiếc trống thuộc vào hàng lớn nhất, hiếm hoi còn lưu giữ được tới ngày nay ở thung lũng Ayun Pa.

Hgor Knong là trống thiêng chỉ dùng vào việc lễ cúng trong nhà như: Cúng mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà; cúng mừng đám hỏi, đám cưới; đặc biệt, trống Hgor Knong đánh lên để báo hiệu khi nhà có người sắp chết… Trống đi kèm với bộ chiêng cúng. Chính vì thế trống và chiêng không thể đưa cho người khác mượn.

“Khi nghe tiếng trống vang lên theo nhịp điệu rộn ràng thì dân làng biết được nhà có việc vui để kéo đến uống rượu mừng. Còn khi nghe tiếng trống giật đứt quãng, âm vang “thùng thịch, thùng thịch!” nghe như đau đớn, ai oán thì dân làng đều biết đấy là báo hiệu nhà có người sắp chết”, bà H’Kliơng lý giải.

18-22-13_nh_3
18-22-13_nh_4
Bà Rcom H’Kliơng bên bộ chiêng, ché quý

Khi rước trống vào nhà, chủ nhà phải đập một con heo và đổ 9 ghè rượu, rồi đốt bếp lửa đỏ ngay giữa nhà ngồi thức để cúng trống suốt 3 ngày 3 đêm. Sau đó mới được chạm vào trống, đánh lên nhịp điệu vui mừng báo hiệu cho dân làng biết để tập trung đến uống rượu mừng cho gia chủ có trống thiêng. Phải dành riêng 1 gian ở trung tâm căn nhà sàn dài để kê trống và từ đó về sau không được dịch chuyển di nơi khác. Hai thanh gỗ làm giá đỡ trống nếu bị mục theo thời gian cũng không được thay.

“Chỉ có đàn ông và đàn bà trên 50 tuổi mới được chạm vào trống. Đặc biệt cấm kỵ những người trong nhà mới có người chết bất đắc kỳ tử hoặc đàn bà đến tháng, kể cả đàn bà trong nhà có trống mới đẻ dậy cũng không được xâm phạm trống. Ngộ nhỡ vi phạm điều kiêng kỵ trên thì gia chủ phải đập một con heo hoặc một con gà, đổ 1 ghè rượu để cúng trống. Nếu không cúng thì trong nhà sẽ luôn bất an, làm ăn không phát triển”, bà H’Kliơng nói.

Chiếc trống H’gor Knong do bà cố nội của bà H’Kliơng dùng 2 con voi đổi lấy rồi truyền lại. “Khi giặc Pháp kéo đến vùng Cheo Reo - Phú Bốn, nghe gia đình có chiếc trống lạ ông quan tư người Pháp rất thèm muốn. Hắn kéo đám lính lê dương xộc vào nhà một mực đòi cướp trống mang đi. Bà nội của tôi đã phải cống nạp 1 con voi và 20 ghè rượu quý, chúng mới chịu thôi”, bà H’Kliơng kể.
 

Và 2 bộ chiêng cổ

Già làng Rô Nang, năm nay đã ngoài 90 tuổi ở buôn Plei Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa là một người không chỉ đam mê, mà còn hiểu rõ giá trị văn hoá của những cổ vật cha ông để lại. Chính vì thế, ông đã dành tâm huyết cả cuộc đời để bảo tồn.

Ông bảo: “Người Jrai coi cồng chiêng, chum ché và những cổ vật khác là báu vật bởi chúng chính là một phần lai lịch của buôn làng, giữ cổ vật chính là giữ hồn làng. Ông nội mình lập ra cái làng này từ lúc chỉ có 3 nóc nhà. Nay đến mình làng có đến 118 hộ. Mình giữ lại đồ của ông cha là giữ cho làng. Khi vào hội hay làng có việc hệ trọng, không có tếng trống, tiếng chiêng, không có cái chum, cái ché của ông cha đem ra dùng, người Jrai không vui bụng được đâu”.

Ông Rô Nang còn giữ được hai bộ chiêng cổ Ka-đơ và A-răp cùng nhiều loại chum ché quý có tuổi hàng trăm năm. Thêm một của hiếm là chiếc khiên gỗ hình nón, vật chắn tên của người Jrai xưa trong giao chiến với kẻ thù. Bộ chiêng cổ kađơ có 8 cái lớn nhỏ, chỉ để đánh khi làm lễ cầu mưa, cúng ăn mừng. Còn bộ arăp có 11 chiếc lớn nhỏ, để đánh trong lễ tang ma.

18-22-13_nh_5
Già làng Rô Nang bên chiếc ché cổ

“Có nhiều người đến năn nỉ mình bán nhưng làm sao mà bán được. Ông bà mình bán cả mấy chục con vừa trâu vừa ngựa mới sắm được những cái chiêng, cái ché quý này mà. Mình biết giờ ít ai còn được hai bộ chiêng cổ to lớn như của mình nên phải quyết giữ lại cho làng...”, già làng Rô Nang trầm giọng như tiếng vọng của những cổ vật đại ngàn.

Ông kể, có lần, con gái ông bị bệnh hiểm nghèo, đã bán hết tài sản mà con chưa hết bệnh, chỉ còn 2 bộ chiêng quý, có người liền đến gạ ông bán để lấy tiền thuốc thang cho con, nhưng ông đã từ chối thẳng thừng. Sau đó không lâu, ông nuốt nước mắt nhìn con gái ra đi mãi mãi. Nhiều người khi đó nói ông gàn, không thương con. Nhưng ông lý giải rằng, con ông bệnh nan y, dù có 100 bộ chiêng quý bán đi cũng chẳng cứu được. Đến lúc con gái không cứu được, bộ chiêng quý cũng mất, chẳng phải là nỗi đau gấp 10 lần sao?

Không chỉ được biết đến là người tâm huyết với cổ vật, già làng Rô Nang còn được bà con trong buôn tôn là “thủ lĩnh” tinh thần, người tài giỏi và uy tín nhất buôn, bởi ông không chỉ làm rẫy giỏi mà chuyện gì cũng giỏi. Đặc biệt, ông giỏi nhất về cồng chiêng. “Để chỉnh chiêng cho hay là điều không dễ, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật am hiểu về cồng chiêng, có thể sử dụng được tất cả các chiêng trong bộ cồng chiêng; từ chỗ sử dụng thành thạo từng chiếc một qua thời gian mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác”, già làng Rô Nang cho hay.  

Vì vậy, mỗi khi lễ hội, thấy bà con mang cồng chiêng ra thử, già Rô Nang nghe có chiếc chiêng nào bị lệch giọng liền gọi thanh niên trong làng quây quần lại để ông chỉnh sửa và “cho tụi nhỏ học từ từ. Chỉ cần chỉnh sai một chút có thể khiến chiếc chiêng bị hỏng. Đây là lý do hiện nay chưa có ai trong buôn dám mang bộ cồng chiêng của mình ra thử nghiệm”, già làng Rô Nang nói.

18-22-13_nh_6
Già làng Rô Nang vẫn thường nhắc nhở mọi người trong buôn phải ghi nhớ tiếng cồng chiêng bằng cách lâu lâu lại mang ra thử âm
"Quả thật là bây giờ những cổ vật của Tây Nguyên đang bị “chảy máu”, những món đồ này không thể làm mới được nữa. Cho nên, chúng là vô giá. Hiện nay, rất nhiều tay săn đồ cổ từ mọi miền đất nước, trong đó không ít thương lái Trung Quốc, sang săn lùng, và mua bằng bất cứ giá nào. Nếu không có chế tài, siết chặt quản lý, bảo vệ, e rằng một ngày nào đó, lên Tây Nguyên sẽ không còn nghe tiếng cồng chiêng, tiếng trống lớn nữa”, ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất