Thần mai mối Nguyệt Lão
Nguyệt Lão là một trong những vị thần se duyên cho các đôi nam nữ trong truyền thuyết Trung Quốc. Ông buộc sợi chỉ đỏ vào chân ai thì hai người đó sẽ nên vợ nên chồng. Thời xa xưa, nam nữ đến tuổi cập kê thường tới Đền Nguyệt Lão để cầu duyên. Tuy nhiên, ngày nay, thanh niên Trung Quốc chủ động tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Nửa kia của họ có thể là bạn học, đồng nghiệp, bạn quen qua Internet hay thậm chí một tri kỷ mà họ mới gặp không lâu.
Sính lễ và của hồi môn
Theo truyền thống, gia đình nhà trai phải đưa sính lễ lớn qua nhà gái để hỏi vợ và bày tỏ sự trân trọng với công dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Sau đó, nhà gái cũng tặng cô dâu quà hồi môn để tiễn con gái về nhà chồng. Một khi sính lễ đã trao tay, hai bên được xem đã chính thức đính hôn.
Cô dâu, chú rể tham gia đám cưới truyền thống tập thể ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua) |
Sính lễ nhiều hay ít, giá trị thế nào tùy thuộc vào độ khá giả và vị thế xã hội của hai gia đình. Những năm 1970, sính lễ thường là xe đạp, đồng hồ, máy may. Những năm 1980 là tủ lạnh, máy ghi âm và máy giặt. Đến những năm 1990, đó là điều hòa nhiệt độ, xe máy và TV màu.
Ngày nay, khi một cặp đôi chuẩn bị kết hôn, cha mẹ chú rể thường phải chuẩn bị sẵn nhà và xe. Phần sính lễ còn lại hầu như được thay bằng tiền mặt, đặc biệt là con số phải đẹp để tượng trưng cho sức khỏe, giàu sang và vĩnh cửu như 6999, 9999, 98888 hay thậm chí 1000001, có nghĩa cô dâu là ý trung nhân duy nhất giữa một triệu người mà chú rể lựa chọn.
Vào ngày cưới, chú rể và các phù rể sẽ phải vượt qua những thử thách của phía nhà gái mới được vào nhà rước dâu. Sau lễ rước dâu và mời trà cha mẹ chồng, hai gia đình cùng tham dự tiệc cưới. Quá trình này nghe có vẻ giản đơn nhưng thực ra gồm nhiều lễ nghi và phong tục độc đáo.
Làm đẹp cho cô dâu
Vào buổi sáng ngày trọng đại, sau khi ăn vận xong xuôi, một người em gái thân thiết chưa kết hôn sẽ dùng một sợi dây 5 màu để tạo hình chữ thập trước mặt của cô dâu. Hành động này được cho là giúp cô xinh đẹp hơn và khởi đầu cho một cuộc sống mới.
Ngồi trên tấm chăn thêu
Khi cô dâu chờ chú rể đến, cô sẽ ngồi trên giường với hai tấm chăn thêu bên dưới. Với mong ước cuộc sống hôn nhân hòa thuận và phú quý, một tấm chăn được thêu hình rồng phượng, tấm kia thêu hình những đứa trẻ.
Trò chơi giấu và tìm giày của cô dâu
Sau khi chú rể và các phù rể vào phòng cô dâu, bạn bè của cô gái sẽ giấu giày của cô thật kỹ. Đây là một cách nhắc nhở rằng không dễ dàng gì để có được cô dâu và chú rể cần phải trân quý vợ của mình trong tương lai. Sau khi chú rể tìm ra giày và đi vào chân cho cô dâu, anh ta sẽ cõng cô gái lên xe rước đi để chân cô dâu không chạm đất, tránh xui xẻo.
Bắn pháo bông và cung tên
Để xóa bỏ những vận rủi, cả hai gia đình sẽ bắn pháo bông để chào mừng cô dâu hoặc chú rể đến nhà, và mẹ chồng phải dẫn con dâu mới bước qua một cung tên lửa.
Chú rể bắn mũi tên trong đám cưới của tộc người Yugur, Trung Quốc. (Ảnh:Northwoodrings) |
Với tộc người Yugur, chú rể sẽ là người bắn mũi tên vào cô dâu của mình, dù đầu nhọn của mũi tên đã được loại bỏ để tránh nguy hiểm. Chú rể sau đó sẽ bẻ gãy các mũi tên để cặp đôi bên nhau trọn đời.
Cô dâu khóc
Các cô dâu thuộc tộc người Thổ Gia phải khóc mỗi ngày một tiếng, suốt một tháng trước đám cưới. Đến ngày thứ 10, mẹ cô dâu cũng khóc cùng con gái, rồi đến bà cô dâu. Những người phụ nữ càng khóc theo nhiều tông khác nhau thì càng được xem là một cách biểu hiện niềm vui.
Những nghi lễ cưới vào ban đêm và hậu đám cưới
Vào buổi tối diễn ra hôn lễ, phòng tân hôn sẽ thắp nến hình rồng phượng để tránh ma quỷ và đôi tân lang, tân nương cùng uống rượu giao bôi.
Cô dâu, chú rể đổ rượu ra đất để tạ ơn tổ tiên trong đám cưới. (Ảnh: China Daily) |
Tối hôm đó, cô dâu và chú rể cũng sẽ cắt một lọn tóc và thắt nút. Nghi lễ này biểu trưng cho sự gắn bó về cả thể xác và tâm hồn của đôi trai gái, cũng như sự quyết tâm chia sẻ cuộc đời cùng nhau dù vui hay buồn.
Vào ngày thứ ba sau đám cưới, chú rể sẽ đưa vợ mới cưới quay về nhà bố mẹ đẻ và tặng quà cho họ để bày tỏ tấm lòng với gia đình cô gái và chứng minh rằng con gái của họ được đối xử tử tế.