| Hotline: 0983.970.780

Có những điều đặc biệt ở vùng biên Lào Cai

Thứ Hai 04/10/2021 , 10:23 (GMT+7)

Lào Cai giao thoa văn hoá nhiều vùng miền, tạo cơ hội cho những người đến mảnh đất biên cương lập nghiệp… Và nó đã tạo ra một tính cách rất riêng của Lào Cai.

Con người Lào Cai luôn thân thiện và mến khách. Ảnh: T.L.

Con người Lào Cai luôn thân thiện và mến khách. Ảnh: T.L.

Đón nhận 

Nhà văn Mã A Lềnh đã ở tuổi xưa nay hiếm. Sinh ra, lớn lên, gắn bó với vùng đất biên cương phía Bắc của tổ quốc, ông cảm nhận, “tính cách người Lào Cai rất là Lào Cai, hào sảng và giúp đỡ người khác, nó không giống như nơi nào khác. Con người Lào Cai rất đáng yêu, rất mến khách, ai đến cũng yêu cũng quý. Xưa kia ở Lào Cai, người Mông là chủ yếu cho đến thời kỳ những năm 1960 - 1970. Sau dần dần những người ở các nơi đến và tất cả đều được đón nhận”. 

Lào Cai được hình thành từ tàn dư của biển Đông, ba lần biển tiến, thiên nhiên đã kiến tạo vùng đất này trở thành nơi có nhiều núi đá vôi cao sừng sững. Có người đã nhặt được vỏ ốc biển ở Mường Khương. 

Từ trước những năm đầu thế kỷ 20, Lào Cai đã là nơi có nhiều người nhập cư, nhưng có lẽ đầu tiên phải là những người đến Lào Cai để buôn bán. Nói như thế để thấy rằng những người lên Lào Cai từ xa xưa, họ giỏi buôn bán. Họ đi bằng ngựa, đi bằng gùi, đi bằng quang gánh... họ đi đến đâu thì lập ra phố chợ ở đấy thành ra Lào Cai đầu thế kỷ 20 đã có chợ Cốc Lếu, chợ Mường Hum (Bát Xát), chợ Bản Lầu, chợ Trẩu, chợ Pha Long (Mường Khương), chợ Bảo Nhai (Bắc Hà),  chợ Cũ (Si Ma Cai)… 

Ở chợ người ta có thể ăn ở đấy, ngủ ở đấy, chuyện trò tâm giao tâm sự, mua bán chỉ là một phần trong cái chợ đó mà thôi. Họ ăn với nhau, uống chén rượu cần mua bán gì thì mua sau đó hẹn gặp ở phiên chợ sau. Chợ là nơi giao lưu văn hoá các vùng miền và ở Lào Cai cửa khẩu nằm trong thành phố nên có nhiều điều rất thú vị, đặc biệt.

“Sau từng ấy thời gian sống ở đây, tôi cảm thấy hài lòng nhất là tình người Lào Cai. Tất nhiên ở trong thôn quê, chỗ này chỗ kia cũng có chuyện này chuyện kia, đã là xã hội con người thì không thể tránh được những chuyện ấm ớ.

Cái hơn là con người tôn trọng nhau, tôi đến nhà anh chắc chắn là anh không để tôi ra về không. Ít nhất anh phải mời tôi một bữa cơm, mời tôi ngủ làm khách một đêm để chuyện trò tâm sự…

Lào Cai đã tạo ra và có nhiều cơ hội để mọi người tìm đến nắm bắt lấy nó. Lào Cai có đồi, có núi, song so với những nơi khác thì đất đai không phì nhiêu nhưng lại có mỏ, có không khí thoáng đãng, có cây, có rừng tạo cảnh quan đẹp nên mọi người thích ở nơi này”, nhà văn Mã A Lềnh nói.

Du khách nước ngoài ấn tượng ngay lần đầu đặt chân đến Lào Cai. Ảnh: T.L

Du khách nước ngoài ấn tượng ngay lần đầu đặt chân đến Lào Cai. Ảnh: T.L

So với trước đây, Lào Cai đã thay đổi vượt bậc. Ở Lào Cai không có chuyện xung khắc, đấu đá tơi bời, đó là cái nhất. Họ hỗ trợ nhau để phát triển còn đời sống thì đương nhiên khấm khá hơn trước nhiều lắm rồi. Lào Cai và những khúc đường, sau 30 năm tái lập, toàn bộ diện mạo của các thiết chế văn hoá, xã hội, cơ sở hạ tầng đã thay đổi nhanh chóng, có tính bước ngoặt và bền vững.

Nhà văn Mã A Lềnh

Cả thế giới biết đến Sa Pa

Ông Đỗ Trọng Nguyên quê gốc Hà Nam lên Sa Pa (Lào Cai) từ năm 2002 với hai bàn tay trắng. Khi đó, Sa Pa còn chưa có cáp treo, chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ông cũng như bao người khác từ Thái Bình, Nam Định, Yên Bái… chọn lập nghiệp ở Lào Cai.

Ông học sư phạm song lại chọn công việc làm hướng dẫn viên, bán tour du lịch ở Hà Nội. Một lần tình cờ sau khi đặt chân Sa Pa, ông quyết định gắn bó với nơi này từ ngày đó đến nay. 

“Khi lên Sa Pa, tôi mới 23 tuổi, chưa lập gia đình và xin vào làm Công ty Du lịch Lào Cai của tỉnh, lương 500 nghìn đồng một tháng. Sau một thời gian, tôi ra ngoài làm riêng từ con số không rồi mở nhà hàng, quán cà phê… Khi quyết định ở lại Sa Pa, tôi nghĩ đó không phải để kiếm tiền mà để ở và làm việc ở đây vì tôi cảm thấy yêu nơi này. Khi đó, du lịch Sa Pa còn rất kém, chỉ có khách đầu tuần và cuối tuần. Chưa có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lên Sa Pa đi lại rất khó khăn. Số ít nhà khách và khách sạn hoạt động đón du khách”, ông Nguyên nói. 

Sau những năm gắn bó lập nghiệp tại đây, ông Đỗ Trọng Nguyên sở hữu nhà hàng VietDiscovery, Lá Dao Spa, cà phê Lá Dao có tiếng ở Lào Cai và trong lòng du khách.

Ông cho biết, Sa Pa như một ngôi làng nhỏ, con người thân thiện tuyệt vời. Ở Sa Pa mỗi một bản làng là một sắc thái khác nhau. Sa Pa có 6 dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó và Kinh, họ đều có bản sắc riêng, đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và đem lại sự trải nghiệm tuyệt vời, sự trải nghiệm cuộc sống và cho du khách.

Biệt thự Sapa Garden Bed and Breakfast ở Sa Pa là một nơi đón nhiều du khách là yếu nhân nổi tiếng, những đại sứ, doanh nhân… trên thế giới. Ông Phạm Nam Hồng, chủ căn biệt thự cho biết, mảnh đất này được bố mẹ ông (ở Thái Bình) lên khai hoang từ những năm 1976. Sau 4 năm lên ý tưởng tới năm 2009, nó mới được xây dựng theo mô hình nhà chia sẻ nhà kiểu Mỹ, du khách ở cùng chủ nhà.

Biệt thự thiết kế theo kiến trúc Đông Dương với nhà xây tường dày ấm, mái ngói nghiêng, lò sưởi bếp củi, có thảm cỏ sân vườn… Đó là thiết kế mà khi Pháp mang đến Sa Pa vào thế kỷ 19 và biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng.

Do đó bên cạnh các yếu tố làm nên sự khác biệt của Sa Pa như thời tiết, con người, sự đa dạng văn hoá dân tộc thiểu số thì kiến trúc cũng là điểm nhấn của Sa Pa, ông Hồng nói về sức hấp dẫn của Sa Pa đối với du khách quốc tế…

Khi có đường cao tốc dài nhất Tây Bắc, cáp treo lên Fansipan đạt kỷ lục thế giới, cùng sức hấp dẫn được tạo ra bởi những con người Lào Cai, hàng triệu du khách đã đến với Sa Pa, Lào Cai mỗi năm. Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung giờ đây thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư. Các tập đoàn này đã kéo theo một lượng khách lớn đến du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa… 

Khí hậu Lào Cai tạo ra những sản phẩm đặc hữu mang đậm chất vùng miền không đâu có được. Ảnh: T.L

Khí hậu Lào Cai tạo ra những sản phẩm đặc hữu mang đậm chất vùng miền không đâu có được. Ảnh: T.L

Ở Lào Cai không phải gửi xe ô tô, xe hạng sang hay bất kỳ xe nào cũng có thể để qua đêm tại vị trí đỗ mà không bị mất cắp phụ tùng. Đường giao thông đi lại thuận lợi, rất hiếm nhà trong ngõ. Nếu bạn bị hỏng xe, người dân có thể giúp đỡ sửa hộ xe hoặc bơm xe miễn phí…

Đặc sản Lào Cai đi khắp cả nước 

Ở Lào Cai còn có những điều đặc biệt nhất Tây Bắc đó là các sản vật. 

Các diện tích trồng lúa trước đây giúp an sinh xã hội, để người dân không bị đói khát thì nay thì nay nó trở thành đặc sản đi khắp cả nước. 

Bà Phạm Thị Hảo là người con của Mường Vi (huyện Bát Xát, Lào Cai) nên hiểu được giá trị của hạt lúa Séng Cù do bà con trồng ra. Khi lớn lên, phải xa quê hương nhưng luôn thôi thúc một ngày nào đó có thể làm được việc nhỏ bé cho những người xung quanh mình. 

Lúa Séng Cù được bà con gieo trồng ở dọc thung lũng Mường Vi nhưng mỗi mùa gặt đầu ra rất khó khăn. Trong khi, với phương thức canh tác cổ truyền có từ ngàn xưa đã tạo nên hương vị đặc trưng của gạo Séng Cù Mường Vi mà không loại gạo nào sánh được. Quá trình nghiên cứu về các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh Lào Cai, bà nhận thấy rằng gạo Séng Cù là sản phẩm có chất lượng vượt trội, hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường kiểm chứng và đón nhận.

Do đó, bà đã lập ra HTX nông nghiệp Hảo Anh trực tiếp tổ chức xã viên sản xuất, canh tác theo quy trình sản xuất hướng tới hữu cơ. HTX phân phối lợi nhuận bình đẳng, công khai theo sự đóng góp của từng xã viên và đây là yếu tố để HTX phát triển bền vững và mở rộng sản xuất…

“HTX tạo công ăn việc làm, hỗ trợ, giúp đỡ 60 chị em phụ nữ tại địa phương; góp phần hỗ trợ chị em phụ nữ làm kinh tế, nâng cao vị thế, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới nhất là đối với người phụ nữ dân tộc thiểu số”, bà Hảo nói…

HTX Hảo Anh là số ít trong các ví dụ sản xuất nông nghiệp của Lào Cai đã dịch chuyển theo hướng tích cực, ngày càng phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và cây trồng, từng bước gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững. Các sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai như chuối, dứa, quế, tam thất, cá hồi… gắn với du lịch bước đầu khẳng định được thương hiệu với du khách trong và ngoài nước…

Lào Cai cũng là tỉnh đầu tiên nghiên cứu và chọn tạo được giống lúa lai mới để cung cấp cho các viện nghiên cứu và các tỉnh dòng lúa bố mẹ có chất lượng tốt giúp Việt Nam chủ động sản xuất được giống lúa lai.

Có thể thấy rằng, mỗi con người ở đây đang từng bước đóng góp xây dựng Lào Cai ngày một to đẹp hơn, đàng hoàng hơn và được nhiều người biết đến với con người thân thiện, nhiệt huyết. Lào Cai không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi đến để thể hiện mình, để được ghi nhận và làm nên những điều tốt đẹp và tạo ra một tính cách rất riêng của người Lào Cai.

  • Tags:
Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất