| Hotline: 0983.970.780

Giống nhiễm khảm lá sắn:

Cơ quan chức năng TT - Huế có lươn lẹo đẩy đói nghèo về phía dân

Chủ Nhật 25/07/2021 , 08:51 (GMT+7)

Doanh nghiệp bán giống nhiễm khảm lá sắn. Chính quyền, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế không kiểm tra hồ sơ kiểm dịch thực vật mà chỉ... 'đá bóng' trách nhiệm.

Giới thiệu giống KM95, bán giống KM94: Có lừa dân?

Sau khi nhận được thông tin giống bị nhiễm khảm lá sắn, ngày 24/2/2021, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm việc với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên – Huế thuộc Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy.

Không kiểm tra hồ sơ kiểm dịch thực vật nội địa, giống sắn đưa về từ vùng dịch, không đúng giống đăng ký ban đầu nhưng chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn để 'lọt' vào vùng trồng sắn. Ảnh: VD.

Không kiểm tra hồ sơ kiểm dịch thực vật nội địa, giống sắn đưa về từ vùng dịch, không đúng giống đăng ký ban đầu nhưng chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn để "lọt" vào vùng trồng sắn. Ảnh: VD.

8/9 mẫu nhiễm khảm lá sắn

Ngày 12/3/2021, Viện Bảo vệ thực vật trả lời kết quả giám định mẫu bệnh hại đối với 9 mẫu lấy từ giống sắn do Công ty Hoàng Huy cung cấp cho người dân Thừa Thiên - Huế. Theo đó, các mẫu trên đã được phân tích và giám định bằng phương pháp công nghệ sinh học với kỹ thuật PCR sử dụng cặp mồi SLCMV CP-F2/SLCMV CP-R3. Kết quả giám định cho thấy, 8/9 mẫu hom sắn trên có phản ứng dương tính với chủng virus Sri Lankan cassava mosaic virus. Kết quả này đã đến tay Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng đến nay người dân và UBND huyện Phong Điền, UBND xã Phong Hiền vẫn chưa được thông báo kết quả.    

Tại buổi làm việc này, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế lấy mẫu để giám định virus khảm lá sắn và yêu cầu Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) không được bán, không trao đổi, không cho biếu các tổ chức, cá nhân để làm giống. Tuy nhiên, đến ngày 26/2/2021, cơ quan chức năng phát hiện người dân chở sắn giống từ công ty này đi ra.

Tiếp đó, ngày 18/3/2021, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra lô hàng sắn giống của Công ty Hoàng Huy. Kết quả cho thấy, lô sắn này thu gom tại tỉnh Tây Ninh – địa phương trước đó có dịch bệnh khảm lá sắn. Mẫu giám định trước đó cũng cho thấy, lô hàng nhiễm khảm lá sắn và việc Công ty Hoàng Huy đưa sắn giống về đã không tuân thủ các quy định kiểm dịch thực vật.

Ngày 22/3, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên – Huế (Công ty Hoàng Huy) số tiền 6 triệu đồng và yêu cầu công ty này tiêu hủy lô hàng vi phạm.

Tiến hành các bước trên, theo ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế, đơn vị đã làm hết trách nhiệm. Ông Anh cho rằng, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ có “một phần trách nhiệm”. Ông Anh đổ lỗi cho chính quyền các cấp.

“Để xẩy ra sự việc này là do chính quyền các địa phương (huyện và xã – PV), phòng nông nghiệp (các huyện - PV), các hợp tác xã không kịp thời phối hợp, giám sát theo dõi. Đứng về góc độ quản lý Nhà nước, Chi cục TT&BVTV cũng có một phần trách nhiệm” – ông Anh phân trần.

Còn ông Nguyễn Văn Phước, Phó phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho rằng, do tin tưởng vào lời giới thiệu từ Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế về giống sắn sạch bệnh nên địa phương đã không kiểm tra hồ sơ kiểm dịch thực vật lô sắn Công ty Hoàng Huy đưa về địa phương(?).

Ai chịu trách nhiệm để xẩy ra hậu quả này khi có trên 1 nghìn ha nhiễm khảm lá sắn?. Ảnh: VD.

Ai chịu trách nhiệm để xẩy ra hậu quả này khi có trên 1 nghìn ha nhiễm khảm lá sắn?. Ảnh: VD.

“Một giống sắn đưa về từ tỉnh khác thì phải kiểm dịch thực vật nội địa nhưng ở huyện không làm được. Ở huyện có cái bất cập, đáng lẽ huyện phải yêu cầu đơn vị cung ứng cung cấp hồ sơ. Đây là lỗ hổng, sơ suất ở huyện. Công ty họ cũng biết điều này (yêu cầu hồ sơ kiểm dịch – PV) nhưng họ bỏ qua. Trong khi đó, thời điểm trồng người dân rất cần giống”.

Trước câu hỏi, vì sao khi Chi cục TT&BVTV giới thiệu giống KM 95 trong khi công ty cung ứng giống KM 94 dù trước đó giống sắn KM 94 đã bị khảm lá sắn nhưng huyện Phong Điền vẫn chấp nhận, ông Phước cho rằng, vì trước đến nay giống KM 94 trồng ở địa phương rất phù hợp nên huyện cũng không phản ứng gì(?).

Trước 1 sự việc nghiêm trọng khiến trên 1.000 ha nhiễm khảm lá sắn nhưng nửa năm sau khi sự việc xẩy ra, Chi cục TT&BVTV và UBND huyện Phong Điền nắm rất lơ mơ về tình hình cung ứng sắn giống của Công ty Hoàng Huy.

Đền bù bao nhiêu cho đủ?

Theo tìm hiểu của PV, niên vụ 2020-2021, toàn huyện Phong Điền trồng được 1.015 ha, trong đó, trên 80% lấy giống sắn KM 94 từ phía Công ty Hoàng Huy.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, hiện nay toàn huyện có gần 618 ha nhiễm khảm lá sắn, trong đó có trên 422 ha trồng từ nguồn giống Công ty Hoàng Huy cung ứng.

Đền bù bao nhiêu cho đủ khi dịch khảm lá sắn bùng phát từ nguồn giống do Công ty Hoàng Huy mang về bán cho người dân? Ảnh: VD.

Đền bù bao nhiêu cho đủ khi dịch khảm lá sắn bùng phát từ nguồn giống do Công ty Hoàng Huy mang về bán cho người dân? Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết thêm, trước tháng 4/2021, UBND huyện có vận động, yêu cầu người dân tiêu hủy sắn nhiễm bệnh nhưng đến nay toàn huyện mới nhổ bỏ, tiêu hủy... 5ha.

Hiện nay, UBND huyện Phong Điền cũng đã liên hệ với Công ty Hoàng Huy để bàn giải pháp tháo gỡ nhưng do dịch bệnh covid-19 nên hai bên chưa ngồi lại được với nhau.

Trao đổi qua điện thoại, ông Cao Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty Hoàng Huy cho biết, khi đưa sắn giống từ vùng nguyên liệu của công ty từ Tây Ninh về, do thấy sắn phát triển bình thường nên công ty không lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.

Bài liên quan

Cũng theo ông Nguyên, những năm trước giá sắn dao động từ 800 đồng – 1,2 nghìn đồng/kg. Để hỗ trợ người dân, niên vụ 2020-2021 sẽ ưu tiên thu mua sắn với giá 1,6 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, niên vụ 2019-2020, có thời điểm giá sắn nguyên liệu nhập tại các nhà máy lên đến 2,6 nghìn đồng/kg. Vậy phương án Công ty Hoàng Huy đưa ra liệu đã hợp tình hợp lý?

Về phương án này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cũng chưa phân định được đây có phải là phương án hợp lý không. Tuy nhiên, ông Phước cũng nêu quan điểm, nếu hỗ trợ bằng cách này thì cũng phải “có hướng hỗ trợ gì thêm”.

Những người có kinh nghiệm trong ngành sản xuất, cung ứng giống cây trồng cho rằng, nếu chứng minh được nguồn giống gây giảm sút năng suất mùa màng thì doanh nghiệp và đơn vị quản lý Nhà nước, người dân cùng ngồi lại để bàn phương án và nên bù năng suất, sản lượng cho người dân là hợp lý nhất.

Trước 1 sự việc nghiêm trọng khiến trên 1.000 ha nhiễm khảm lá sắn nhưng nửa năm sau khi sự việc xẩy ra, Chi cục TT&BVTV và UBND huyện Phong Điền nắm rất lơ mơ về tình hình cung ứng sắn giống của Công ty Hoàng Huy.

Đại diện Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Công ty Hoàng Huy cung ứng giống đủ trồng 500 ha trên địa bàn nhưng chưa thống kê được diện tích nhiễm bệnh do trồng giống sắn công ty. Còn UBND huyện Phong Điền thậm chí không nắm được cụ thể có bao nhiêu sắn giống Công ty Hoàng Huy đã cung ứng cho người dân trên địa bàn.

Lấy cơ sở đâu để nói hỗ trợ 50% giá giống?

Theo ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế,  Tây Ninh là vùng dịch khảm lá sắn nên việc Công ty Hoàng Huy nhập sắn từ đây về là vi phạm. Ông Anh cũng cho rằng UBND huyện Phong Điền không đủ cơ sở để nói là huyện hỗ trợ 50% giá giống tương đương số tiền 9 nghìn đồng/bó. Nếu là hỗ trợ thì phải trên cơ sở định giá, phải có hợp đồng hẳn hoi trong việc mua bán sắn giống.

    Tags:
Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.