| Hotline: 0983.970.780

Có sự khác nhau rất nhiều ở nhà chồng Nam và nhà chồng Bắc

Thứ Tư 03/12/2014 , 10:30 (GMT+7)

Mình bước vào đâu cũng phải bằng tấm lòng, công sở cũng vậy, với dân phố cũng vậy, với nhà chồng, càng phải như vậy. Rồi tấm lòng ấy sẽ lan tỏa, thẩm thấu. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu bế tắc và bối rối quá cô ơi. Chúng cháu yêu nhau đã 5 năm, giờ đến thời điểm phải tính tới thì cháu muốn dừng lại.

Tốt nghiệp đại học xong, không bao lâu cháu có việc làm ở ngay thị xã tỉnh nhà. Cháu được mọi người khen là ngoan và xinh. Nhưng gia đình cháu không bình thường, nếu ai có ý phân hạng thì rõ ràng thuộc giai tầng quá thấp.

Ba cháu học vấn không đến đâu, hiện làm phụ hồ nhưng ông có cái tật không bỏ được là nhậu chết thôi. Má cháu là y tá tự học của một thầy đông y, có uy tín trong châm cứu chăm sóc bệnh nhân nhưng tính tình hơi thất thường. Dưới cháu còn hai em trai nữa đó cô.

Cháu quen N hồi còn là sinh viên năm thứ hai. 20 tuổi, không ngờ nghệch quá nhưng cũng không thể nói là sét đánh. Nhưng mà N bảo anh đã chấm cháu ngay từ phút giây đầu tiên, bất chấp gia đình cháu như thế nào.

Anh nói vậy thì cháu tin vậy nhưng anh là người Bắc, quê ở NĐ. Bố mẹ anh vào Nam đã lâu, ở chung thị xã chỗ cháu làm. Anh là con út trong gia đình chỉ có hai anh em. Anh cả cũng lấy vợ người trong này, cũng sống cùng thị xã này.

N là một người rất đáng tự hào. Anh ấy học giỏi, tự lập cao, con nhà nề nếp. N còn nói bố anh rất nghiêm khắc, mẹ thì rất cần cù. Vào Nam mới mấy chục năm mà ông bà đã mua đất xây nhà cho anh cả, cũng đã mua sẵn cho N một mảnh đất.

Vấn đề của cháu là bao nhiêu năm yêu nhau mà N không đưa cháu về nhà N. Cháu chỉ được đi qua, nhìn ngôi nhà của bố mẹ N từ ngoài mà thôi. Cháu tự biết bố mẹ N đang cân nhắc, không duyệt khi nghe về ba má cháu và mưu sinh của nhà cháu. Cháu thật sự không tự tin về gia đình và về chính mình cô ơi.

Cô biết không, ba cháu như vậy nhưng má cháu cũng không phải người phụ nữ biết hướng con mình nữ công gia chánh ra sao. Cháu thấy mình quá thiệt thòi. N đã về nhà cháu nhiều lần, có lẽ vậy mà anh chưa muốn cháu xuất hiện ở nhà anh. Sao lại ngang trái, kỳ quặc vậy cô?

Thời hạn để yêu nhau đã cạn, yêu mãi như vầy sao? Nhiều người khuyên cháu dừng lại nhưng cháu không thể. Còn chờ N bật đèn xanh để bước vào nhà anh thì đến bao giờ. Cháu mắc kẹt ở chính cuộc tình này sao cô? Cô cứu cháu với.

---------------------

Cháu thân mến!

Cô ở Bắc 15 năm, cô là dâu Nghệ Tĩnh, cô biết có sự khác nhau rất nhiều ở nhà chồng Nam và nhà chồng Bắc. Đành rằng văn hóa người Việt (chủ yếu là người Kinh ta) thống nhất, nhưng miền Nam là đất của di dân, đất mở và thực sự thời Trịnh- Nguyễn phân tranh mấy trăm năm khiến từng khúc của nước ta có khác đi, lâu dần thành khác biệt, xung khắc cục bộ.

Người Bắc văn hóa cổ và văn hóa gốc, đòi hỏi ở nàng dâu nhiều “dâu là con rể là khách”. Anh và chị dâu cả coi như “lãnh đủ”, từ chăm sóc tổ tiên, ông bà, bố mẹ, cúng bái, nghĩa vụ…Gì nữa? Vô số thứ, như lời ăn tiếng nói, mồm miệng (thăm hỏi, ân cần, giao đãi giỏi), như sự chăm chỉ, thu vén…

Người Nam văn hóa của giao thoa, với người Tàu, người Khmer, người Chăm, sau nữa là người Pháp, người Mỹ, nên ngay cả ẩm thực cũng ít bảo thủ rồi. Từ đó mà nhà chồng với nàng dâu ở Nam khoan hòa hơn, dân chủ hơn.

Cô hiểu nhưng vẫn lấy làm lạ sao 5 năm trời, cháu không lọt vào được nhà người ta mà cháu vẫn “cố thủ” với cuộc tình này. Phải nhích lên chứ. Nếu không thì tháo ra, nhà anh khó tính quá, xét nét quá, nhà tôi không môn đăng hộ đối đâu. Biết người biết ta là giữ được tự trọng. Cháu phải biết hình dung, cháu có bị xúc phạm, bị tổn thương không khi chính thức thành dâu con nhà họ? Nói chính xác, cháu là dâu út, ôm bố mẹ chồng để chăm lo, cháu làm dâu nổi không?

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Mình bước vào đâu cũng phải bằng tấm lòng, công sở cũng vậy, với dân phố cũng vậy, với nhà chồng, càng phải như vậy. Rồi tấm lòng ấy sẽ lan tỏa, thẩm thấu. Nghĩa là sao? Không biết thì phải hỏi để làm cho đúng, sai thì phải xin lỗi, có công xá, lại có mồm miệng nữa thì sẽ thành đứa dễ thương, dễ bảo, ngoan hiền. Cháu có học nữa, có bằng cấp hẳn hoi để minh chứng bố mê rượu nhưng con gái mê học hành, mê kiến thức, giống như “cha mẹ cú đẻ con tiên” rồi, khinh chỗ nào?

Tiếc là má cháu đã quá khinh suất khi để con vào đời mà công dung ngôn hạnh thiếu hụt như vậy. Âu cũng là nếp nhà, nếu cháu thấy kém thì phải tự sửa mình và sẽ không làm vậy với con cái mình nữa. Yêu nhau thì trái núi cũng nhẹ, sông sâu cũng dễ. Hãy đối thoại rốt ráo với N rồi tự mình biết là nên rút lui hay ở lại với nhau và đi tiếp.

Nói vậy chứ 5 năm yêu thì bỏ có dễ dâu, đúng không? Vậy thì cố lên, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm