Điển hình của việc “trốn“ lên sàn chứng khoán là Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI). Theo Bộ Tài chính, hiện có gần 800 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định. Tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán đã xảy ra từ nhiều năm qua. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ mang lại hệ lụy xấu cho quá trình cổ phần hóa, đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tổng Công ty TEDI thực hiện cổ phần hóa từ năm 2014, thoái hết vốn nhà nước vào năm 2016. Ngày 20/12/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 8396/UBCK-GSĐC chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của công ty này, đồng thời yêu cầu đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (ngày 24/3/2021), công ty chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, vi phạm Khoản 1, Điều 34 Luật Chứng khoán và Điều 133 Nghị định số 155/2020/ NĐ-CP. Ngày 26/4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 248/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải. Với các lỗi báo cáo không đúng thời hạn, báo không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật và không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, tổng cộng số tiền bị phạt lên tới 450 triệu đồng. Đồng thời UBCKNN yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục sau thanh tra, trong thời hạn 30 ngày.
Vi phạm chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của Tổng Công ty TEDI đã làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, đồng thời dẫn đến việc chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo quy định, cũng như hoạt động không đúng chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, làm hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp này.
Một nhà đầu tư tại Tổng Công ty TEDI, cho biết: Khi chưa lên sàn không biết hoạt động công ty có minh bạch hay không, nếu để lâu sẽ gây hệ lụy xấu cho cả nhà đầu tư: '"Muốn đăng ký mua thêm, hay bán đi cổ phần của mình cũng không biết như thế nào. Nếu lên sàn thì công khai mọi người đều có thể mua bán khách quan".
Lý giải cho việc chậm lên sàn của mình, lãnh đạo Tổng Công ty TEDI cho rằng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thì chưa có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TEDI nói: "Việc chưa lên sàn là để duy trì, bảo vệ cổ đông là người lao động để tránh chảy máu chất xám. Bây giờ tôi phải thực hiện theo Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông. Đây là xử phạt hành chính chứ không như vi phạm thuế, hình sự. Cái việc này đại cổ đông quyết, tôi cũng muốn ra sàn nhưng việc này phải do ý chí của hội đồng cổ đông."
Nói như ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải thì cái gọi là ý chí của hội đồng cổ đông chắc là to hơn cả luật và chỉ đạo của chính phủ?! Việc các doanh nghiệp vi phạm quy định thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung trước tiên là trách nhiệm của người quản trị điều hành doanh nghiệp không tuân thủ các quy định đưa cổ phiếu lên sàn. Cùng với đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt như hiện nay còn chưa quyết liệt, nghiêm khắc, mức xử phạt thấp, nên đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để không phải lên sàn chứng khoán thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng. Điều này đang gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Luật sư Tạ Trường Sơn, Hội Luật gia thành phố Hà Nội, cho biết: Theo quy định thì Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải có vốn điều lệ trên 125 tỷ, có 323 cổ đông là quá đủ điều kiện buộc phải đăng ký giao dịch trên thị trường chúng khoán. " Công ty cố tình chậm lên sàn là vì quy định hiện tại xử phạt là chưa đủ răn đe bởi hậu quả rất nặng nề. Sự việc công ty này đã kéo dài 5 năm rồi nên thiệt hại là rất lớn đối với cổ đông khác. Câu chuyện này là chuyện dây dưa không chịu lên sàn niêm yết để nhằm mục đích nào đó để chi phối cổ phần khi mà nhà nước đã thoái vốn. Cần phải có chế tài nghiêm khắc để thúc đẩy niêm yết nhanh hơn nữa để đảm bảo quyền lợi ích của các cổ đông nhỏ."
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa... Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Theo Bộ Tài chính, hiện có gần 800 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định. Tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán đã xảy ra từ nhiều năm qua. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ mang lại hệ lụy xấu cho quá trình cổ phần hóa, đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.