| Hotline: 0983.970.780

Con không được học bán trú, nhiều phụ huynh khốn khổ

Thứ Ba 06/09/2022 , 14:41 (GMT+7)

Các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai tạm ngưng học bán trú đã khiến cho việc giảng dạy gặp khó khăn, cuộc sống của nhiều phụ huynh bị xáo trộn.

Việc tạm ngưng học bán trú, nhiều phụ huynh vất vả đưa đón con.

Việc tạm ngưng học bán trú, nhiều phụ huynh vất vả đưa đón con.

Ngay khi bước vào năm học mới, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu ngành giáo dục tạm dừng các khoản thu ngoài học phí đối với các trường công lập trên địa bàn. Trong số này, có cả khoản thu để phục vụ hoạt động bán trú ở các trường.

Sau khi có văn bản của UBND tỉnh Gia Lai, đồng loạt các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thông báo cho phụ huynh tạm thời chưa tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, ăn uống cho trẻ ăn bán trú tại trường. Nhà trường chỉ thực hiện tổ chức cho học sinh hoạt động 2 buổi/ngày.

Ngay khi có thông báo, hàng ngàn phụ huynh đều tỏ ra lo lắng trong việc gửi con em đến trường. Theo các phụ huynh, trước đây họ chỉ việc sáng đưa con đến trường, chiều đón về, việc ăn sáng và trưa đều có các thầy cô lo hết. Còn hiện tại, sáng sớm phụ huynh đưa con đến trường, 10 giờ 30 phút phải đến đón về. Buổi chiều, 13 giờ 30 phút, phụ huynh lại đưa con đến trường, đến 16 giờ đón về, như vậy rất bất tiện.

Chị P.T.M.D, phụ huynh lớp lá Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) cho biết, khi con không được ở bán trú, công việc của chị đã phần nào bị đảo lộn. “Quá bất tiện, sáng đưa con đến trường, 10 giờ 30 phút lại phải đến đón con, trong khi tôi làm đến 11 giờ mới tan. Chưa kể, về phải cho con ăn uống rồi lại đưa con đến trường, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cũng may nhà tôi gần trường chứ nếu ở xa chắc chắn không có thời gian cho việc đưa đón con”,  chị  D nói và cho biết, hy vọng nhà trường sớm cho con trở lại học bán trú để các phụ huynh đỡ vất vả hơn.

Không chỉ phụ huynh, rất nhiều giáo viên cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giảng dạy cho các em học sinh.

Cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) cho biết, ngay khi nhận được thông báo tạm ngưng học bán trú, nhiều phụ huynh đã không đồng tình việc này. Toàn trường có 900 trẻ theo học thì ngày hôm nay chỉ có khoảng 400 em đến trường.

Cô Thủy cho biết, việc không học bán trú dẫn đến nề nếp sinh hoạt, học tập, vui chơi của trẻ ảnh hưởng rất nhiều. Đồng thời, cuộc sống của phụ huynh cũng bị xáo trộn vì luôn phải lo lắng đến việc đưa đón con.

Trong khi đó, nếu không tổ chức học bán trú, các trường công lập sẽ không duy trì được sỹ số học sinh, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên.

“Trước tình trạng này, nhà trường đã tuyên truyền cho phụ huynh cứ yên tâm đưa các cháu đến lớp, giáo viên sẽ hỗ trợ trong khả năng cho phép. Đối với những phụ huynh đi làm xa không đón đưa được, cứ gửi đồ ăn buổi trưa tại trường, giáo viên sẽ cho các cháu ăn”, cô Thủy nói và cho biết, chúng tôi cũng trấn an phụ huynh yên tâm sẽ cho các cháu học lại bán trú trong thời gian sớm nhất.

Khoảng 10 giờ 30 phút, nhiều phụ huynh đã phải đến đón con về.

Khoảng 10 giờ 30 phút, nhiều phụ huynh đã phải đến đón con về.

Được biết, riêng địa bàn TP. Pleiku có 20 trường mầm non công lập với 5260 trẻ theo học bán trú. Cùng với đó, 21 trường tiểu học với 9.164 học sinh lớp 1,2,3 theo học bán trú.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku cho biết, ngay sau khi tỉnh Gia Lai yêu cầu tạm dừng thu các khoản ngoài học phí nên Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường chưa triển khai thực hiện bán trú. Việc này cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các phụ huynh. Do đó, đơn vị đã có văn bản gửi cấp trên đề nghị sớm được hướng tổ chức các khoản thu ngoài quy định.

Trên địa bàn đa số phu huynh là cán bộ công chức nhà nước nên việc đưa con đi học, đón về gặp nhiều vất vả. Kéo theo đó, chế độ ăn uống, học tập, nghỉ ngơi của các cháu cũng không được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện đã có chỉ đạo như vậy nên chúng tôi phải thực hiện theo”, bà Thoa chia sẻ.

Trước những vướng mắc trên, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai xin chủ trương tạm thu các khoản phục vụ hoạt động bán trú trong các trường mầm non, tiểu học.

Theo lý giải, với quy định tổ chức học 2 buổi/ngày, việc đưa đón trẻ cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn cho phụ huynh khi không tổ chức dịch vụ ăn bán trú cho trẻ tại trường. Qua khảo sát của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh vào đầu năm học 2022-2023, nhu cầu của phụ huynh cho trẻ ăn, ở bán trú tại trường khá cao. Hầu hết phụ huynh muốn gửi con cả ngày để an tâm công tác và lao động sản xuất. Mặt khá, trẻ mầm non được ăn, ở bán trú tại trường theo chế độ sinh hoạt bảo đảm tính khoa học giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Ông Lê Duy Định, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, việc yêu cầu tạm dừng thu các khoản ngoài học phí là để tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, ngoài học phí có rất nhiều khoản, trong đó có khoản phục vụ hoạt động bán trú tại các trường.

“Trước mắt, để đảm bảo cho nhu cầu của phụ huynh học sinh, chất lượng dạy học, chúng tôi sẽ hướng dẫn để các trường có tổ chức bán trú thu theo mức không được vượt quá mức thu của các năm trước đây”, ông Định cho biết.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.