Tại Hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” do Báo Người Lao Động và Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều ngày 4/3 tại TP.HCM, ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết, tỷ lệ cà phê chế biến sâu ở Việt Nam còn rất thấp. Hiện khoảng 90% lượng cà phê xuất khẩu vẫn là dạng cà phê nhân, do đó giá trị xuất khẩu chưa cao.
Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nếu như tỷ lệ xuất khẩu cà phê nhân của cả nước là 90%, thì ở Đắk Nông, tỷ lệ này lên tới 99%. Hết năm 2022, tổng diện tích cà phê ở Đắk Nông ước đạt 139.932 ha, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Như vậy, với chỉ 1% cà phê đã được chế biến sâu, thì lượng cà phê thô của Đắk Nông đưa ra thị trường mỗi năm lên tới trên 300 nghìn tấn.
Làm cách nào để tăng giá trị cà phê Việt Nam? Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, trước hết phải đẩy mạnh sản xuất cà phê bền vững, có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rainforest & UTZ, Organic … Thông tin từ các Sở NN-PTNT của các tỉnh có diện tích cà phê lớn cho thấy, diện tích cà phê bền vững hiện đã chiếm tỷ trọng đáng kể: Lâm Đồng 41,88%; Gia Lai 40,17%; Đắk Lắk 22,85% … Đặc biệt ở tỉnh Sơn La hiện có tới 99,1% diện tích cà phê đã sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững.
Gia tăng tỷ lệ chế biến sâu cũng là một giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kế thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê Meet More), chia sẻ, mỗi container cà phê trái cây mà Meet More xuất khẩu ra nước ngoài, có giá trị gấp 5-6 lần 1 container cà phê nhân.
Đây là một minh chứng cho thấy cà phê chế biến sâu sẽ nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt Nam như thế nào. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu cà phê chế biến sâu, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được cà phê có thương hiệu ra thị trường thế giới.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đưa thêm dẫn chứng về cách nâng cao giá trị cà phê của một thương hiệu hàng đầu thế giới “Khi Starbucks vào Việt Nam, nhiều nghi vấn họ có thành công hay không nhưng thực tế đến nay cho thấy họ đang phát triển khá tốt. Họ xuất khẩu cả quy trình làm, kinh doanh cà phê chứ không chỉ xuất khẩu hạt cà phê. Trong khi chúng ta đang nhập khẩu cả 1 chuỗi giá trị sản phẩm thì ở chiều xuất khẩu, Việt Nam chưa làm được như vậy”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là 1 loại thức uống. Rất nhiều mặt hàng có sử dụng nguyên liệu cà phê hay có liên quan tới cây cà phê như mật ong hoa cà phê, phân bón làm từ bã cà phê; thuốc nhuộm vải làm từ cà phê, các loại bánh ngọt có hương vị cà phê. Thế giới đã làm được rất nhiều thứ từ cà phê nhưng chúng ta vẫn đang chủ yếu xuất khẩu cà phê thô. Như vậy, đang còn một không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này hiện chúng ta đang bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới manh nha khai thác.