| Hotline: 0983.970.780

Con phố Sài Gòn bị Covid-19 tàn phá nặng nề nhất năm 2021

Chủ Nhật 02/01/2022 , 12:51 (GMT+7)

Con phố Sài Gòn từng là trung tâm áo cưới cực kỳ nhộn nhịp đã trở nên hoang vắng sau một năm 2021 căng thẳng giãn cách kéo dài vì đại dịch Covid-19.

Một cửa hàng áo cưới còn sót lại trên đường Hồ Văn Huê.

Một cửa hàng áo cưới còn sót lại trên đường Hồ Văn Huê.

Con phố Sài Gòn mang tên bác sĩ quân y Hồ Văn Huê (1917-1976) từng được mệnh danh là “trung tâm áo cưới” của đô thị phương Nam, đã thực sự đìu hiu vì Covid-19. Con phố Sài Gòn chỉ dài khoảng 500 mét, nối từ đường Đào Duy Anh đến đường Hoàng Văn Thụ, thuộc địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận là nơi có nhiều cửa hàng áo cưới nhất TP.HCM.

Bên này cửa đóng...

Bên này cửa đóng...

Con phố Sài Gòn này trước khi virus corona xuất hiện, từng quy tụ hơn 100 cửa hàng áo cưới và kéo theo nhiều đơn vị dịch vụ đáp ứng nhu cầu kết nối tơ duyên như tiệm ảnh cưới, tiệm nhẫn cưới, tiệm thiệp cưới, tiệm hoa cưới... Tuy là đường một chiều, nhưng con phố Sài Gòn này có giá thuê đắt đỏ hàng đầu ở quận Phú Nhuận. Mặt tiền đẹp thì có giá thuê từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng mỗi tháng.

Bên kia then cài...

Bên kia then cài...

Không chỉ nổi tiếng với người dân TP.HCM, mà đường Hồ Văn Huê còn là địa chỉ quen thuộc đối với khách hàng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An... khi muốn mua hoặc thuê váy cưới ưng ý.

Giảm giá cũng vắng hoe.

Giảm giá cũng vắng hoe.

Thế nhưng, sự sầm uất của con phố áo cưới lừng danh ấy, đã bị cơn bão Covid-19 tàn phá nặng nề. Những con phố ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3 hoặc quận 5 cũng bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng sự “thê thảm” không thể hiện rõ ràng bằng đường Hồ Văn Huê.

Địa chỉ áo cưới nổi tiếng trước Covid-19.

Địa chỉ áo cưới nổi tiếng trước Covid-19.

Những thương hiệu áo cưới lâu đời trên đường Hồ Văn Huê lần lượt đóng cửa trong năm 2021. Giãn cách triền miên vì đai dịch, có ai tổ chức đám cưới đâu mà tìm đến đây. Sáng 2/1/2022, chúng tôi đi dọc đường Hồ Văn Huê và đếm số cửa hàng áo cưới còn mở cửa chưa hết mười đầu ngón tay. Phần lớn đã gỡ bảng hiệu và treo dòng chữ “cho thuê mặt bằng”.

Tiệm nhẫn cưới chịu chung số phận.

Tiệm nhẫn cưới chịu chung số phận.

Một chủ cửa hàng áo cưới đang gắng gượng tồn tại, chia sẻ: “Cửa hàng của chúng tôi đã ăn nên làm ra hơn một thập niên. Năm 2020, chúng tôi giảm 40% doanh thu. Năm 2021 thì thua lỗ hoàn toàn. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn 2 nhân viên và cố gắng thương lượng giá mặt bằng thấp nhất, để hy vọng có thể phục hồi trong bối cảnh bình thường mới”.

Tiện thiệp cưới đành ngậm ngùi.

Tiện thiệp cưới đành ngậm ngùi.

Hơn 100 cửa hàng áo cưới từng chen nhau ở đường Hồ Văn Huê và kiến tạo liên minh “buôn có bạn, bán có phường” để hình thành “trung tâm áo cưới” của TP.HCM. Thế nhưng, bây giờ thì chịu chung số phận tan tác bỏ cuộc. Áo cưới không ai ngó đến thì ảnh cưới, nhẫn cưới, thiệp cưới, hoa cưới cũng hắt hiu theo.

Cửa hàng trang sức cũng không còn cơ hội ở 'trung tâm áo cưới'.

Cửa hàng trang sức cũng không còn cơ hội ở "trung tâm áo cưới".

Một chủ nhà trên đường Hồ Văn Huê bày tỏ: “Nhà tôi cho thuê làm cửa hàng áo cưới với giá 120 triệu đồng/ tháng. Khi Covid-19 xảy ra, nhà tôi giảm giá 50%, thậm chí đã không thu tiền thuê từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2021. Thế nhưng, người thuê vẫn không gồng gánh nổi bao nhiêu chí phí khác. Con đường Hồ Văn Huê đã được mặc định làm dịch vụ áo cưới, nên hầu như các ngành nghề khác ít thuê mặt bằng ở đây”.

Bao giờ 'tình duyên' trở lại con phố áo cưới bậc nhất Sài Gòn?

Bao giờ "tình duyên" trở lại con phố áo cưới bậc nhất Sài Gòn?

Bao giờ con phố Sài Gòn rực rỡ áo cưới sẽ tưng bừng trở lại? Câu hỏi ấy, không chỉ là sự chờ đợi của những chủ cửa hàng áo cưới, mà còn là niềm mong mỏi của nhiều đôi lứa yêu nhau tại đô thị phương Nam đang chuẩn bị thề nguyền gắn bó trăm năm.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?