| Hotline: 0983.970.780

Con riêng của vợ, niềm riêng của chồng

Chủ Nhật 14/01/2018 , 09:29 (GMT+7)

Người đời vẫn thường nói “mẹ ghẻ con chồng”, chứ ít ai đề cập đến chuyện “cha dượng con ghẻ”, song trong thực tế, vấn đề này cũng không kém phần rắc rối, phiền toái.

Anh Bảo, sau một lần dang dở, ở tuổi gần tứ tuần, đã làm quen với chị Cúc trên mạng và tiến đến hôn nhân. Tuy chỉ là một mối tình qua mạng nhưng tình cảm của anh chị lại rất chân thật và không có gì đáng nói, ngoài chuyện phức tạp từ đứa con riêng của chị.

Ảnh minh họa

Chẳng là chị Cúc cũng đã qua một lần đò, đang nuôi một đứa con trai tuổi hai mươi. Do thằng bé mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ nên chị Cúc quý con như vàng. Tất nhiên là thằng bé muốn gì được nấy. Kinh tế nhà chị Cúc tuy không thuộc diện giàu có nhưng cơ bản ổn định, với mức thu nhập từ cửa hiệu buôn bán hàng nội thất. Anh Bảo thì gần như hoàn toàn tay trắng khi gặp chị Cúc. Anh về sống luôn ở nhà chị. Vì vậy, trong tư tưởng thằng bé luôn nghĩ cha dượng chỉ dựa dẫm mẹ nó, mặc dù anh Bảo luôn ra sức làm việc để chứng tỏ mình không sống nhờ vợ.

Đã quen được nuông chiều, giờ có cha dượng, thằng bé tận dụng ngay những ưu thế của mình để vòi vĩnh mẹ. Nếu muốn gì mà không được đáp ứng, thằng bé liền mặt nặng mày nhẹ với cha dượng một cách vô cớ. Chị Cúc thấy vậy, đành phải chiều theo ý con để nó vui vẻ, đỡ phiền lòng chồng. Phần anh Bảo cũng hiểu điều đó nên cũng ra sức lấy lòng con trẻ. Thằng bé được thể càng làm tới. Vừa đòi mua điện thoại sang hàng chục triệu xong, nó lại đòi mẹ mua xe máy cả trăm triệu đồng. Chị Cúc la rầy thì nó xị mặt, hoạnh họe với cha dượng. Anh Bảo liền chạy đôn đáo vay mượn tiền mua xe cho nó.

Đã học xong lớp 12 nhưng thằng bé chẳng chịu đi làm gì cả. Bây giờ nó lại có thêm lập luận, kiểu như “mẹ nuôi cha dượng được, tại sao nó phải đi làm”. Khổ nhất là anh Bảo, cứ hôm nào thằng bé vui vẻ, anh mới ăn được một bữa cơm trọn vẹn, còn nếu nó mặt mày cau có thì anh chỉ nuốt qua loa một chén rồi đứng dậy cho xong. Mà xem ra thì những ngày nó cau có nhiều hơn vui vẻ vì nó cứ liên tục đòi hỏi hết món nọ đến vật kia.

Nếu chị Cúc la rầy thì thằng bé dọa sẽ bỏ nhà đi bụi đời nên chị không dám lớn tiếng với con, chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ, nhưng thằng bé nào có nghe. Anh Bảo quá búc xúc, đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn. Song anh lại không muốn cứ tiếp tục dang dở cho mình và cả chị Cúc nên đành cắn răng chịu đựng. Thế nhưng, không biết anh chịu đựng dược đến bao giờ!

Khác với anh Bảo, anh Tân đến với chị Ly khi chị mới mang thai đứa con đầu lòng nhưng bị người yêu (cha của đứa bé) từ chối. Là người cùng xóm, đã có cảm tình với chị Ly từ trước, nhân dịp này anh Tân đã không bỏ lỡ cơ hội. Và anh đã trở thành chồng chị Ly, cha của đứa bé. Chị Ly sinh con trai, anh Tân thương nuôi dưỡng, thương yêu thằng bé như con ruột. Cả khi hai người có thêm một đứa con chung, tình thương anh Tân dành cho đứa con riêng của vợ vẫn không có gì thay đổi. Vậy mà, càng lớn, đứa con riêng của chị Ly càng có những suy nghĩ rằng anh Tân chỉ là cha dượng. Việc gì anh chiều theo nó thì thôi, còn hễ trái ý thì nói liền nói với mẹ: “Ổng không phải là ba ruột nên không thương con”.

Là con nhà nghèo, nó không có những đòi hỏi như con trai chị Cúc nhưng lại lười học. Học lớp 9, là năm thi cuối cấp nhưng nó suốt ngày trốn học, đi chơi game, nhà trường phải mời phụ huynh lên làm việc. Anh Tân la rầy thì nó bảo anh không thương, còn nếu anh không nhắc nhở, thì chị Ly lại cho rằng anh muốn nó nghỉ học, ở nhà phụ việc gia đình. Ở cái tuổi “không lớn, không nhỏ” của thằng bé, là cha mẹ ruột còn rất khó dạy dỗ, huống chi nó cứ nghĩ anh là cha dượng không thương, mà nó cũng chẳng nể nang, sợ sệt gì anh, nên anh Tân có khuyên răn, la mắng nó cũng bằng thừa. Riết rồi, anh đành chọn giải pháp “im lặng”, để mặc chị Ly tính sao thì tính, dù trong lòng anh vô cùng buồn chán, bất mãn.

Mới biết, dù không “ầm ĩ” như cảnh "mẹ ghẻ con chồng", thế nhưng tình trạng "cha dượng con ghẻ" cũng không kém phần “sóng ngầm”. Vấn đề đặt ra ở đây là cách cư xử khéo léo của người mẹ. Đây là điều rất quan trọng, và cũng vô cùng nan giải cho người phụ nữ. Phải làm sao để vừa ý chồng, thuận lòng con mới mong giữ được êm ấm gia đình.

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm