Tiến sỹ Phan Việt Hà- Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI): Áp dụng quy trình kỹ thuật mới nhất về tái canh cà phê cải tiến
Là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về cà phê của Việt Nam, chúng tôi được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ NN-PTNT, đã tham gia một cách đầy đủ và ngay từ đầu để hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho chương trình tái canh cà phê bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên, trong khuôn khổ của dự án VnSAT.
Ngoài việc nghiên cứu, hoàn thiện và đưa vào sản xuất các quy trình kỹ thuật mới nhất về tái canh cà phê cải tiến, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, quy trình thu hoạch, chế biến cà phê chất lượng cao, giảm tổn thất sau thu hoạch…, WASI còn trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 2.000 cán bộ và bà con nông dân vùng dự án.
Viện còn trực tiếp chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật tái canh ngay, không luân canh qua 16 mô hình trình diễn. Đối với công tác giống, WASI cũng đã trực tiếp và gián tiếp cung cấp cây giống chất lượng cao cho tái canh hơn 30.000 ha cà phê, chủ yếu là giống TRS1 với mục tiêu giúp bà con nông dân thay thế các giống cũ bằng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị của sản phẩm cà phê Việt Nam.
Có thể nói, WASI đã làm tất cả những gì có thể, với mục tiêu chung là góp phần hoàn thành tốt việc triển khai dự án VnSAT; cải tạo những vườn cà phê già cỗi, kém hiệu quả trở thành những vườn cà phê xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường vốn ngày càng khắt khe; đặc biệt là làm thay đổi thói quen canh tác lạc hậu sang lối canh tác thông minh, bền vững.
Ông Trần Văn Thương- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đăk Nông: Lan tỏa áp dụng tiến bộ canh tác cà phê trong cộng đồng dân tộc
Là một trong những huyện của tỉnh Đăk Nông được triển khai thực hiện dự án VnSAT, trong những năm qua huyện Đăk Mil đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành hàng cà phê, nhờ vậy năng suất, chất lượng cà phê không ngừng được nâng lên.
Huyện Đắk Mil hiện có trên 21.200 ha cà phê, trong đó có 8.100 ha được chuyển đổi theo dự án VnSAT với 10 mô hình, tập trung ở 9/9 xã, thị trấn của huyện. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã tiếp nhận trên 250 ngàn cây cà phê giống từ dự án, với các loại giống cà phê như: TR4, TR5, TR9 và giống Cà Giây đã được khảo nghiệm ở địa phương.
Đến nay, dự án VnSAT đã giúp huyện Đắk Mil thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương; trong đó quan trọng hàng đầu là đã hỗ trợ người dân được tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, bao tiêu sản phẩm.
Năng suất cà phê canh tác theo dự án VnSAT cao hơn cà phê thường ở địa phương từ 5 - 7 tạ nhân khô/ha. Năng suất cà phê bình quân của huyện hằng năm đạt từ 2,9- 3 tấn nhân khô/ha thì năng suất cà phê từ dự án VnSAT đạt từ 3,2- 3,5 tấn nhân khô/ha.
Đặc biệt, từ dự án VnSAT, phong trào tái canh cà phê, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật chuẩn trong cộng đồng đồng báo dân tộc lan tỏa mạnh mẽ. Bà con đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới… nhờ vậy năng suất cà phê cao hơn hẳn trước đây, góp phần phát triển cà phê bền vững.
Ông Phạm Công Phi - Giám đốc HTX Quyết Tiến xã Quảng Hiệp, huyện CưMgar, tỉnh Đăk Lăk.
Với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và cây giống từ dự án VnSAT, năng suất cà phê đã tăng lên so với những năm trước đây. Những vườn cà phê tái canh từ năm 2017 hiện cho năng suất vượt trội, đạt khoảng 4 tấn nhân/ha so với trước đây chỉ đạt khoảng hơn 3 tấn nhân/ha. Quan trọng hơn, cà phê luôn cho năng suất bền vững theo các năm và chất lượng luôn đảm bảo để cung cấp cho thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai): VnSAT thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – xuất khẩu cà phê
Hiện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê cho bà con trong tỉnh Gia Lai với tổng diện tích cà phê liên kết với bà con khoảng 25 nghìn ha (trên 10 nghìn hộ dân), sản lượng thu mua chế biến xuất khẩu cà phê khoảng 70 nghìn tấn cà phê nhân/năm.
Thời gian tới, công ty đã có kế hoạch định hướng nhân rộng các diện tích sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chứng nhận 4C, OTZ..., nâng sản lượng thu mua cà phê nguyên liệu cho bà con lên khoảng 120 nghìn tấn cà phê nhân/năm.
Những năm qua, dự án VnSat triển khai tại các vùng sản xuất cà phê tại tỉnh Gia Lai đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cà phê, nhất là cải thiện trình độ sản xuất cho bà con, qua đó giúp sản xuất cà phê nguyên liệu ngày càng đảm bảo chất lượng tốt để doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường khó tính EU.