Nông dân Anh sẽ không còn được nhận các khoản tiền trợ giá sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thay vào đó, họ sẽ nhận các khoản thanh toán cho những “hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm phục vụ công cộng”, ví dụ như phát triển đồng cỏ hay tăng khả năng tiếp cận tới khu vực nông thôn, theo đề xuất từ Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, BBC đưa tin.
Không ai biết chắc đề xuất trên sẽ được thực hiện ra sao. Tuy nhiên, Thụy Sĩ đã đi trước Anh một bước khi áp dụng chính sách tương tự, trả tiền trực tiếp cho nông dân để họ chăm sóc cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
“Chúng tôi có táo, anh đào và mộc qua”, ông Fritz Bernhard, chủ một trang trại nằm cách thủ đô Berne, Thụy Sĩ, vài km, nói. “Chúng tôi làm nước hoa quả, rượu nhưng chỉ cho nhu cầu cá nhân”.
Tạo dựng cảnh quan
Trang trại của ông Bernhard đang hưởng lợi từ chương trình chi trả trực tiếp mà chính phủ áp dụng. Một vườn cây ăn quả, tất cả đều là các giống cổ xưa, mang đến cho gia đình ông nguồn thu nhập cần thiết nhưng bản thân chúng không phải thứ đem lại giá trị kinh tế chính. Thay vào đó, Fritz được trả tiền vì góp công duy trì đa dạng sinh học: Những loài cây này có thể tuyệt chủng ở Thụy Sĩ nếu người ta trồng chúng dựa theo quy luật thị trường. Bên rìa trang trại, Fritz còn trồng cả những cây hạt dẻ truyền thống. Chúng cũng đem về cho ông một khoản tiền từ chính phủ.
Gia đình ông Fritz Bernhard có 30% thu nhập đến từ các khoản thanh toán hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ (Ảnh: BBC) |
“Chi phí tại Thụy Sĩ rất cao”, ông Beat Roosli từ Hiệp hội Nông dân Thụy Sĩ cho hay. “Nếu bạn muốn sản xuất đáp ứng ít nhất một phần sức tiêu thụ của thị trường thì bạn phải được hỗ trợ bằng cách nào đó”.
Dưới chính sách của chính phủ Thụy Sĩ, nông dân được trả tiền cho công chăm sóc đất đai. “Nếu chúng tôi duy trì một cảnh quan tươi đẹp, chúng tôi có thể yêu cầu một khoản lương, một mức thù lao nhất định”, Roosli cho biết. Theo ông, khách du lịch rất muốn xem những vùng nông thôn ở Thụy Sĩ, cũng như việc họ đến Canada hay Nga để trải nghiệm sự hoang dã. Mặt khác, bảo vệ môi trường cũng là một trụ cột trong hệ thống hỗ trợ trực tiếp của Thụy Sĩ.
Dù vậy, Fritz vẫn sản xuất thực phẩm, không phải sữa như tổ tiên mà là thịt bò, lúa mạch và mạch nha. Ông bán thịt cho những cơ sở kinh doanh ở địa phương và mạch nha, lúa mạch cho một nhà máy ủ bia. “Chúng tôi có một trang trại hỗn hợp, rất điển hình ở Thụy Sĩ hiện nay”, Fritz nói.
Fritz và bà Monika, vợ ông, có 70% thu nhập đến từ sản xuất thực phẩm và 30% còn lại là các khoản thanh toán trực tiếp từ chính phủ. Điều này khiến cuộc sống của họ tốt hơn nhưng cả hai đều lo âu rằng chính phủ Thụy Sĩ có thể đang đi sai hướng. “Đôi khi, tôi thấy dường như chúng tôi được trả tiền chỉ để tạo dựng cảnh quan”, Monika chia sẻ. “Tôi vẫn thích việc họ định giá tốt sản phẩm chúng tôi tạo ra hơn”.
Hệ thống hào phóng ở một quốc gia giàu có
Hệ thống thanh toán trực tiếp, hiện tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD mỗi năm, thực sự cũng hỗ trợ đáng kể cho phần lớn người dân Thụy Sĩ bởi nó nhấn mạnh vào “sản phẩm công cộng”. Theo Roosli, hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ vô cùng cần thiết đối với những cộng đồng nông thôn, nhất là các khu vực trên vùng núi Alps.
“Không có nó, hầu hết các trang trại sẽ phải ngừng sản xuất, đặc biệt là những trang trại ở vùng núi”, ông nói. “Ngày nay, rất nhiều nông dân có 75% nguồn thu nhập đến từ các khoản thanh toán trực tiếp và chỉ có 25% đến từ bán sản phẩm nông nghiệp. Họ không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào bán sản phẩm”.
Với hệ thống trên, Thụy Sĩ giờ đây tự sản xuất đáp ứng được hơn một nửa số thực phẩm họ cần. Nhưng so với các khoản trợ giá nông nghiệp của EU, hệ thống thanh toán trực tiếp ở Thụy Sĩ vẫn chi nhiều hơn. 200.000 nông dân Anh nhận 3,4 tỷ USD tiền hỗ trợ một năm, trong khi 50.000 trang trại Thụy Sĩ nhận tới 2,8 tỷ USD tiền thanh toán trực tiếp mỗi năm.
Mô hình trên đến giờ vẫn phát huy hiệu quả ở Thụy Sĩ, song ông Roosli không chắc nó có khả thi ở các nước khác hay không.
“Thụy Sĩ là một nước nhỏ, chúng tôi có công việc tốt, mức lương cao”, ông cho hay. “Vì thế, người dân có tiền để đầu tư vào những thứ đẹp đẽ như cảnh quan. Tôi không chắc ở những nơi khác, như Anh chẳng hạn, người ta có sẵn sàng dành tiền thuế để chi cho các sản phẩm công cộng không”.
Nông dân Thụy Sĩ, đặc biệt là những người chăn nuôi bò sữa, luôn tự hào về khả năng sản xuất thực phẩm. Không có họ, Thụy Sĩ sẽ rơi vào nạn đói trong thời kỳ Thế chiến II. Trước năm 1945, chính phủ Thụy Sĩ thưởng công cho nông dân bằng cách định giá sữa vô cùng hào phóng, cam kết mua tất cả số pho mát Emmentaler và pho mát Gruyère mà họ sản xuất ra. Thế nhưng, toàn cầu hóa đặt dấu chấm hết cho chính sách trên. 30 năm qua, giá mỗi lít sữa ở Thụy Sĩ đã giảm một nửa. Nông dân Thụy Sĩ, hầu hết làm việc trên những mảnh đất nhỏ, không thuận lợi về mặt địa lý, đã cảm nhận được cơn gió lạnh của thị trường toàn cầu và nhận ra rằng họ không đủ sức cạnh tranh. |