| Hotline: 0983.970.780

Cứ tưởng khen…

Thứ Bảy 23/11/2019 , 08:40 (GMT+7)

Chiều hôm trước, theo lời vợ dặn, tôi xin phép sếp ở cơ quan cho về sớm để đón thằng cu đang học mẫu giáo.

Hình mang tính minh họa.

Mới vừa bước đến cửa lớp, cô giáo trẻ có đôi má ửng hồng đã chạy ra mách: “Anh ơi, hôm nay cu nhà anh tè dầm anh ạ! Lúc sáng chị lại quên không mang thêm quần thay cho cháu nên chúng em phải mượn quần của bạn thay đấy”.

Nghe cô giáo nói vậy, tôi ngượng quá. Nói gì thì nói, trông mình thế này mà lại có con tè dầm để cô giáo mách thì cũng ngượng phết chứ đùa. Nhưng, ngẫm lại, thấy có gì đó vô lý. Vì rõ ràng ở nhà vợ chồng tôi đã huấn luyện cho cu cậu biết gọi: “Vệ sinh, vệ sinh” mỗi khi muốn đi nặng, đi nhẹ rồi mà?

Không tâm phục khẩu phục lắm, tôi bèn kéo cu cậu ra một chỗ, hỏi nhỏ: “Ở nhà bố mẹ đã dặn con khi nào buồn vệ sinh con phải gọi người lớn. Thế hôm nay con có gọi cô không mà lại tè ra quần vậy?”.

Thấy bố hỏi vậy, cậu con trai đang ở độ tuổi tập nói của tôi cúi mặt, nói bằng giọng buồn buồn: “Có ạ. Gọi “sinh, sinh””. Cu cậu cơ bản mới nói sõi được 1 từ, thỉnh thoảng mới nói được từ đôi, từ ba trả lời.

Để chắc ăn, tôi hỏi lại: “Con gọi cô thế nào? Nhắc lại cho bố nghe xem nào?”. Cu cậu lại lấy hơi: “Sinh, sinh” nghe đến vất vả.

Nghe vậy, tôi yên tâm dắt cu cậu lại chỗ cô, thẽ thọt: “Báo cáo cô, bình thường ở nhà bố mẹ đã luyện cho cháu khi buồn đi vệ sinh là phải gọi “sinh sinh” rồi đấy ạ. Chắc hôm nay cu cậu quên mất hoặc mải chơi quá nên...”.

Mới nói đến đây, cô giáo trẻ có đôi má ửng hồng, môi đỏ mọng, mắt long lanh đen láy đã e lệ cúi xuống: “Chết thật. Vậy là..”. Vậy là sao hả cô giáo? Tôi vội hỏi lại. Cô giáo lấy tay vân vê vạt áo, thẹn thùng: “Lúc đó em thấy cu cậu cứ túm lấy em tíu tít: “Sinh… sinh. Em lại cứ tưởng cháu nó.. .khen... nên… Nào ngờ...”.

Nghe cô kể, tôi đã hiểu ra vấn đề. Hóa ra cu cậu báo là muốn đi tè, nhưng cô lại tưởng cu cậu khen cô “xinh” nên thành ra cứ lịm đi trong sung sướng.

Nhận thấy cái sự hiểu lầm của cô cũng đáng yêu, tôi thông cảm với cô, khẽ khàng: “Khổ, cái từ khen nhan sắc phụ nữ thì bố cháu chưa dạy cháu. Mới chỉ dạy cháu đến món ị tè này thôi. Còn cái khoản xinh đẹp kia hiện tại chỉ đích thân bố cháu khen thôi. Chứ cháu nó đã biết gì đâu cơ chứ…”.

Tôi thật thà nói vậy mà cô giáo cứ thèn thẹn, hai tay đan xoắn vào nhau. Má đã hồng sẵn nay lại càng ửng lên, ửng lên… Thằng cu đứng giữa cứ nhìn sang cô lại nhìn sang bố, mắt mở to ngơ ngác…!

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm