| Hotline: 0983.970.780

'Nỗi khổ của người già là phải thận trọng với con'

Thứ Sáu 02/10/2020 , 06:40 (GMT+7)

Có một câu mà tôi thấy thấm: Nỗi khổ của người già là phải thận trọng với con. Thận trọng là văn minh,...

Chị kính mến!

Tôi có thể xấp xỉ hoặc cũng đã già hơn chị chút ít. Chồng tôi đã mất cách đây 5 năm và tôi đang sống gần con gái. Sống gần chứ không sống chung chị ạ. Là vì tôi có nhà cửa, có tiền dự trữ, có bảo hiểm y tế, tôi độc lập với con. Nhưng quan sát nhiều người tôi thấy thế này chị ạ.

Như bà chị cả của tôi năm nay 79 tuổi. Trước kia chị ấy oai phong với cả họ, miệng nói tay làm, nói được làm được.

Chúng tôi có ba chị em thôi, anh trai thứ mất sớm, tôi là gái út nên việc họ mạc hầu như chị tôi chu tất hết. Đến khi bố mẹ già, đau ốm, tang tế cũng một tay chị. Góa sớm, anh rể tôi hy sinh ở chiến trường biên giới, chị ở vậy nuôi hai con trưởng thành.

Mẹ và con trai con gái đều gần nhau, ở quê, giờ là ven thị trấn. Đất có giá, nhà cửa khang trang, chị sống kẹp giữa hai con.

Rồi chị già yếu khi vào thất thập, yếu vừa theo tuổi tác thôi. Tôi thấy chị xuống thế, các con hay lớn tiếng, hay can thiệp mẹ phải thế nọ thế kia. Nhà mình, cơm mình ăn mà nhiều lúc chị như người làm của chúng ấy chị.

Một người hôm nay ít lời, giữ ý, sao có thể hình dung ngày xưa, mấy thập niên trước là nói ai cũng phải nghe, chỉ huy nhà này, ôm đồm nhà kia, cắt đặt mọi việc đâu ra đấy.

Khi vào tám mươi, con người ta cực kỳ yếu đuối và cần nương tựa vào con, đúng không chị? Nhưng mọi thứ nên làm sao từ sớm để khỏi phải rơi vào cảnh chị cả tôi, chị nhỉ? Đất đai chuyển đổi tên, đứa món này, đứa món kia, chúng bắt đầu gầm ghè nhau.

Tiền tiết kiệm tin giao con gái thì con dâu hậm hực. Thế đấy. Chị biết hết nhưng im lặng, tự lo cho mình, trong căn nhà trở nên thênh thang mà lại u buồn, ẩm mốc chị ạ.

Tôi ở thành phố, thi thoảng về. Các con ở gần vừa đủ để đi bộ đến thăm mẹ chứ không “kẹp nách” mẹ như chị cả tôi. Nhưng rồi cũng đến lúc trao các thứ cho con, tiền bạc và di chúc sẵn nữa. Nhưng ấy là nói khỏe mạnh, nếu đau yếu nhiều hoặc gì gì đó không tự lực được nữa thì khổ thân lắm đúng không chị?

------------------

Chị thân mến!

Người già là vấn đề lớn hiện nay của xã hội loài người nói chung. Vì sao? Vì tuổi thọ con người được nâng lên rất nhiều, người trẻ ngại lập gia đình và sinh con nên nước giàu vẫn thấy người già quá đông. Họ có văn hóa dưỡng lão, ai ai hầu như cũng sống ở nhà dưỡng lão. Văn hóa của ta khác, ở bên cạnh người thân.

Bề nào rồi cũng khó. Vậy bao nhiêu tuổi thì coi như già, các con các cháu phải quan tâm? Theo tôi, chắc là 70 trở lên, tầm của chị và tôi đây. Chúng ta nên chuẩn bị gì? Sức khỏe đầu tiên chị ạ. Tập luyện và tập luyện. Để chúng ta “khỏe mạnh cho đến chết”.

Chết, theo quan niệm truyền thống, là có số, tới số, cạn số. Nhưng cái quãng từ 70 đến khi ông bà tổ tiên gọi đi, là chúng ta phải khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời. Nghĩ và làm như vậy thì sẽ thong dong, mạnh mẽ mới dám quan niệm mạnh mẽ, không thì ngồi rên, ai cũng chán, mình cũng chán cả mình nữa là.

Tôi cũng như chị. Góa bụa và ở không gần con, chỉ gần các cháu của chồng. Hình dung như thế nào mà khi vào tám mươi tuổi, ta có thể thu xếp khác, để không mất thế với con? Theo tôi, khỏe mạnh là lộc của trời, thứ nhì nữa, phải sống riêng được, bếp riêng, túi tiền riêng. Đó là mơ ước không chỉ của chị và tôi, đúng không? Còn giải pháp nữa là thuê người chăm sóc mình, được không?

Hoàn cảnh chị cả của chị là còn may. Hai con ở cạnh, dù chúng hục hặc nhưng tài sản đã chia thì không cớ gì chúng dằn thúc mẹ được nữa. Cố gắng và cố gắng giữ sức khỏe, giữ thể diện với con, nhất là chuyện tiền nong.

Để chi, để mình không phải cho hết và ngửa tay xin lại. Dĩ nhiên, mẹ yếu, uy hết, như vua mất ngai, con thì già đi, chúng là những ông những bà đang phong độ và oai vệ. Không sao, cầm cự với thời gian, miễn là đừng hoàn toàn trắng tay, thất thế.

Có một câu mà tôi thấy thấm. Cho chị nhé: Nỗi khổ của người già là phải thận trọng với con. Thận trọng là văn minh, dù là con thì chúng cũng là những người đang già, khoảng cách rộng ra, ăn nói giữ gìn, hành xử thấu đáo, chính kiến rõ ràng, tôi nghĩ, bấy nhiêu là đủ.

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.