| Hotline: 0983.970.780

Con hậm hực vì bị cháu 'ghìm chân' trong nước

Thứ Tư 13/01/2021 , 10:13 (GMT+7)

Con trai út của chúng cháu học năm cuối PTHT. Ở trường Quốc tế mà vẫn nhấp nhổm để đi cô ạ. Nhưng bị 'ghìm chân' vì dịch, thế là nó đâm ra hậm hực.

Cô kính mến!

Đứa con trai của cháu du học 5 năm trước, xong đại học cháu ở lại học lên, vừa đi học vừa đi làm. Nếu không có Covid-19 thì cháu đã lấy bằng và có lẽ, rất sán lạn. Bây giờ về cũng dở mà ở cũng không xong, dưới góc nhìn của cháu.

Đứa em của nó, con trai út của chúng cháu đây, năm nay là năm cuối PTHT. Đã học ở trường Quốc tế mà vẫn cứ nhấp nhổm để đi cô ạ. Sướng từ lớp 1 đến giờ. Có nói gì nó cũng không thông.

Chỉ có đại dịch mới khiến nó chùn ý thích lại. Thế là đâm ra hậm hực. Hậm hực với ai mới được chứ? Vợ chồng cháu đến khổ vì thằng bé này.

Nhóm bạn của cháu, bạn thân chỉ có sáu đứa thôi. Thân từ thời cấp 3 đến giờ. Đứa nào cũng có một đứa con mắc kẹt ở nước ngoài vì đại dịch. Có đứa con mới được một học kỳ lớp 11, rồi học online suốt, nó gần như bị trầm cảm. Nhờ các thầy cô người Việt của nó đi và ở lại bên ấy nên nó dần ổn định, phải đem đi một trường khác, ở nội trú.

Rất khắc khoải cô ạ. Năm nay đứa bé ấy lên 12 rồi, đã quen với cuộc sống một mình rồi. Em gái của nó lớp 10, vẫn nuôi mộng ra đi, bạn của cháu bảo con gái cũng thế huống gì con của cháu là con trai.

Vì sao như thế hở cô? Có tiền, vẫn không thỏa mãn sự học của con ở tại chỗ được, vì sao hở cô? Cháu sẽ không phiêu lưu với đứa thứ hai này, nhưng ghim nó lại, nó hận, khó giải quyết vấn đề tâm lý lắm cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Rất nhiều lần cô đề cập đến vấn đề này bằng các bài báo. Cô từng gọi du học là “tị nạn giáo dục”, gần 20 năm trước và cái cụm từ ấy là thương hiệu báo chí của cô. Bây giờ thì sao? Đúng là sự học trong nước vẫn tệ nhưng phụ huynh có tiền đã nhiều lựa chọn hơn.

Cô nhấn mạnh việc có tiền nhé. Như cháu của cô, cháu ngoại, hai đứa, ba mẹ nó cho học Quốc tế hết, tốn kém khoảng một hoặc hai cái nhà ở Việt Nam. Quá tốn. Nhưng chúng cưng con, chúng bảo, thời thơ ấu, thời niên thiếu của con người là quan trọng, riêng cơ sở vật chất của môi trường ấy đã đáng để đánh đổi rồi. Lên đại học, đứa cháu lớn học trong nước. Ngay cả đại học bây giờ vẫn có nhiều lựa chọn kia mà. Vậy tại sao cánh trẻ vẫn muốn nhao đi?

Thì ra, khát vọng chân trời cũng là khát vọng chính đáng của thanh xuân, mọi người đều muốn đi cho xa, khám phá, trải nghiệm, thu nhận. Vì gia đình cháu và các bạn của cháu có tiền nên con trẻ không ngần ngại kiên định mục tiêu ấy.

Cô nghĩ, nếu là cô, cô cũng sẽ tìm cách đi du học, thử xem nếu điều kiện cho phép. Nhưng đại dịch là một vách tường không dễ vượt qua. Kinh hoàng đấy. Năm 2021 chưa yên, theo cô, về mặt y tế.

Thâm tâm các cô cậu vẫn đinh ninh khó đi được, không ai phiêu lưu nhận học sinh đến nước mình vào năm nay. Hàng không của họ cũng không phiêu lưu, vậy thì đi làm sao? Không đi được nhưng ấm ức, vẫn ấm ức, ấy là người trẻ.

Trẻ người thì non dạ, thế thôi. Phải cầm cương nha cháu. Nhất định không buông. Bởi vì cái trớn khó khăn kinh tế sau đại dịch rất dài. Và có những nước bất ổn thật sự như Mỹ, như Pháp, như Ý, như một số của Bắc Âu, đều là hậu quả của Covid-19.

Hiện đã xuất hiện chủng 3 trong khi thế giới chỉ biết chủng 2 nguy hiểm hơn chủng 1. Một đứa con kẹt ở nước ngoài, đủ rồi, kệ đứa thứ hai hục hặc. Ở ta, đại học ở Việt Nam, RMIT chẳng hạn, đâu tệ. Hàng triệu người vẫn học đại học trong nước đó thôi.

Không quá chiều con trong sự học, cũng như trong cách sống, cách tiêu xài. Để rồi sẽ là những đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết bao cấp và tiêu tiền, nhé. 

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.