| Hotline: 0983.970.780

Phát khiếp vì về quê chồng ăn tết

Thứ Tư 27/01/2021 , 08:41 (GMT+7)

Cháu nhớ hồi cưới, thôi, họ mạc đông, khỏi bàn, năm sau Tết ngoại, năm cháu có bầu, Tết nội, phát khiếp vì rét mướt, cúng bái, dọn dẹp rửa ráy cô ạ.

Cô kính mến!

Cháu là con gái miền Nam, chồng là trai Bắc. Ở quê cháu, đất đai bạt ngàn, ba mẹ cháu nhà xưởng mênh mông. Nhưng chồng cháu rất trọng bên nhà anh ấy, một vùng có tiếng về lúa nhưng đời sống của nông thôn vẫn xập xệ trong mắt cháu.

Ba mẹ cháu giao hẹn với cả thông gia khi họ vào Nam làm lễ cưới bọn cháu trong thành phố nơi cả hai làm việc. Giao ước là: cách năm, cháu theo chồng về quê ăn Tết.

Cũng có nghĩa là nội một năm, ngoại một năm. Bây giờ máy bay giá rẻ, việc đi lại nhẹ nhàng, mua vé sớm thì không có gì phải lo cô ạ. Nhưng, khi hai đứa con lần lượt ra đời, giao kèo ấy khó thực hiện. Thôi thì cháu để chồng ra, cháu và các con nhỏ ăn Tết với ngoại.

Chồng ban đầu thương con nhỏ, cũng ậm ừ đi, năm ngoái con gái nhỏ mới 2 tuổi, anh chép miệng, thôi, em và con cứ Tết với ông bà ngoại như cũ. Năm nay, anh háo hức tự đặt vé cho cả nhà từ sớm, rất sớm cô ạ.

Sau 5 năm cháu không ra, nghe anh tả, cháu cũng náo nức lắm. Anh nói anh cả, chị dâu, chị gái anh rể và cả anh nữa đã hùn nhau đầu tư cho bếp, cho máy bơm nước giếng, cho nhà vệ sinh, em không phải lo nghĩ gì cả. Còn phòng ốc sao, cháu hỏi, anh ấy chỉ nói qua, nhà ba gian, mọi người về đông thì càng ấm, ngủ dồn, càng vui.

Dồn là sao cô? Cháu hai con, thì cũng đủ cho một cái giường, bố chúng nữa, đã chật nhưng giường đâu? Anh cả chị dâu, không biết chị gái và anh rể về lúc nào, nhét làm sao.

Riêng việc ngủ đã thấy vẫn như cũ. Cháu nhớ hồi cưới, thôi, họ mạc đông, khỏi bàn, năm sau Tết ngoại, năm cháu có bầu, Tết nội, phát khiếp vì rét mướt, cúng bái, dọn dẹp rửa ráy cô ạ.

Mà nhìn đâu cũng cứt gà, cứt vịt nuôi thả, chuồng heo gần nhà thúi um, hố xí khi ấy còn đi trên mô lỗ, bếp thì tối và nấu cả rơm, cháu đếm từng ngày đó cô.

Viết thư than thở chứ vợ chồng là duyên nợ. Cháu ráng chịu mà thôi.

---------------------

Cháu thân mến!

Có một sự khác biệt tí chút về văn hóa ở của hai miền. Tự nhiên thôi. Miền Nam đất rộng, thời tiết dễ chịu, hai ưu thế trời cho đấy. Lại nữa, thời 100 năm Pháp thuộc, miền Nam là thuộc địa, dưới sự cai quản trực tiếp của người Pháp trong khi Bắc và Trung là bảo hộ.

Nghĩa là gì? Nghĩa là, nền tảng sự học, là lối sống nữa. Vì vậy mà miền Nam ít có bếp xổm, người Pháp cố gắng thay đổi thói quen ngồi xổm kiểu nô lệ cho người mình. Và bếp đứng, bếp bằng bệ gỗ, hay bệ xi măng, sau này còn ốp gạch men nữa.

Cô đâu lạ gì bếp và chuồng trại, nhà vệ sinh ở Bắc hay ở quê chồng cô, Hà Tĩnh. Đun nấu rơm rạ, củi cành, lồm xồm, bừa bộn, mái thấp, khói lưu cữu âm u. Chuồng trại khỏi nói, quá gần nhà, do thổ cư hẹp, mái chuồng thấp do mùa đông khắc nghiệt, vì vậy mà mùi chuồng trại lẩn quẩn.

Họ có giếng nước nhưng ở Bắc vẫn ao làng hay ao nhà, nước đọng. Khu vệ sinh thì quá xập xệ, tỷ lệ nhà có khu vệ sinh văn minh hiện giờ vẫn rất thấp nếu nhà ấy không có nhiều người ở thành giúp, họ vẫn đi vào lỗ, rồi rải tro, rồi lấp. Phòng tắm nếu có rất qua loa, dây phơi loạn xị.

Mỗi khi cô về quê ở lại nhà thờ Họ, cô chuẩn bị mang đi khăn tắm khăn mặt, xà phòng thơm, kem đánh răng cho mình cho người thân của mình.

Cô không quên biếu xà phòng thơm những người ở quê. Và cả họ nhà cô hè nhau, lo cho người ở quê thiệt thòi, lo từ cái máy bơm, cái hố xí tự hoại, cái mái sân, những chiếc bàn chiếc ghế để ăn tiệc…Vậy đó.

Có ghê thì vẫn cứ là nơi chồng mình lớn lên, máu thịt, kỷ niệm, thiêng liêng. Là quê nội của con mình, hai đứa con. Chúng xem cách hành xử của mình với người thân, với chữ hiếu mà chúng hình thành nhân cách.

Cho dẫu có ngủ chen chúc, vợ chồng phải nằm riêng, hề gì. Xem drap, xem áo gối, xem chăn màn, mua sắm được gì thì cứ giúp, cho tiền ông bà nội sắm trước Tết đi. Dần dần, đóng góp và thay đổi. Có tiền mới thay đổi được, nếu con cái không giúp thì ai giúp?

Mười năm, ấy là cái mốc cô ước tính cho sự chuyển đổi ở nông thôn sau bao nhiêu tàn phá, đói nghèo. Mười năm một nhịp, con của cháu đã 5 tuổi đứa đầu, từ sau khi cưới đến giờ, đã hơn nửa cái nhịp ấy rồi.

Phải chung tay cháu nhé, để thay đổi. Không nên ỉ eo nhà thế nọ thế kia, ấy là lòng nhân, chữ hiếu và cả sự lịch sự vợ chồng để có hạnh phúc nữa, nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm