Thóc chật nhà, tràn sân, đầy đường…
Vụ gặt đã kết thúc nửa tháng nay nhưng hiện nhiều nông dân ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn chưa bán được thóc. Ông Nguyễn Ngọc Lanh, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Ngũ (xã Gia Ninh) than thở: “Năm ngoái, thóc chỉ một nắng là người ta chen nhau mua rồi. Năm nay thật lạ, chẳng có ai đến hỏi mua. Có gọi điện thoại nhắc thì họ cũng nói chưa mua được chứ không cho biết lý do vì sao”.
Chúng tôi về thôn Bắc Ngũ, đâu đâu cũng thấy thóc lúa tràn đầy. Ông Nguyễn Ngọc Lanh giải thích: Thóc sau khi thu hoạch được phơi trọn 1 ngày thì gọi “một nắng”, hai ngày là “hai nắng”, phơi được 3 ngày là đã khô khén cho vào bao cất cả năm không sợ bị hư. Trước đây, khi còn thiếu đói, vào mùa, thóc phơi “hai nắng” là đã có thể xay giã lấy gạo được rồi. Năm nay, lúa không bán được, đi đâu cũng thấy thóc lúa chật nhà.
Nhà bà Nguyễn Thị Dựa có tiếng làm nhiều ruộng. Nhà bà và nhà con trai liền sân. Từ ngoài ngõ đã thấy phơi đầy thóc. Trong nhà, thóc đóng bao chất có ngọn. Ở sân nhà, một dãy dài bao thóc xếp chồng như con đê chạy hết mái lộ. Chị Nguyễn Thị Hiền (con dâu bà Dựa) bê chồng bao thóc cho ngay ngắn rồi nói: “Nhà cháu có hơn 17 tấn thóc. Thêm số đang phơi ngoài sân, ngoài đường và chưa gặt cũng thêm vài tấn nữa. Như năm ngoái là đã bán hết rồi. Năm nay, chưa ai mua nên phải chất đầy nhà”.
Trên sân nhà lóa nắng, bà Dựa tranh thủ cào trở thóc đang phơi. Nghỉ tay lau mồ hôi ròng trên mặt, bà bảo năm ngoái, thương lái đánh cả ô tô lớn đến mua. Họ mua thóc một nắng, thóc tươi vừa gặt xong. Thậm chí, có người còn tự xúc lúa đổ vào bao để cân chứ không đợi được.
“Sốt ruột, tui gọi cho mấy người mua thóc năm ngoái hỏi. Họ bảo là chưa mở kho nên không mua được. Không biết mở kho gì mà lâu vậy, bà con như muốn đứt hơi rồi. Nếu hanh thông như năm ngoái thôi, tui bán giá 7,4 triệu đồng/tấn thì đã thu về hơn 120 triệu đồng. Trả được nợ nần mà người khỏe nhẹ ra để còn sức cho vụ hè thu”, bà Dựa mệt nhọc nói.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Lanh, mấy năm trước, sau khi thu hoạch lúa, bà con chỉ để dành lại thóc dự trữ lương thực đến vụ sau, thóc cho chăn nuôi. Còn lại bao nhiêu là bán hết, thu tiền về trả nợ giống má, phân bón. “Thông thường, lúa má bán xong trước Tết Đoan ngọ (5/5 Âm lịch). Năm nay lúa chưa ai mua nên vừa chật nhà, vừa nợ réo. Thật khổ hết biết”, ông Lanh bộc bạch thêm.
Vì không bán được thóc nên nhà nào cũng đang bị dồn ứ từ vài tấn đến vài chục tấn. Tranh thủ nắng, bà con đổ ra phơi cho thóc không bị hỏng. Thôi thì đường ngang, đường dọc, ngõ tắt…, đâu đâu cũng thành sân phơi. Xe máy chạy lên thóc nghe ràn rạt, thật xót lòng. Đám trẻ con hết đường, đuổi nhau chạy trên thóc. Cũng chẳng ai buồn mắng mỏ chúng làm gì. Còn hơi sức đâu nữa mà mắng. Đêm xuống, nóng nực, nhà chất đầy thóc lúa nên lại càng ngột ngạt thêm. Đám trẻ con, người già nực quá, không ngủ được cứ rấm rức, oải người.
Trời nắng khét, anh Mai Văn Song ở xóm Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, Quảng Ninh) tranh thủ cào trở lúa phơi trên đường bê tông của xóm. Nhà làm hơn 3 ha lúa, nhưng vì vụ xuân năm nay mất mùa nên cũng chỉ thu được trên chục tấn. Lúa không ai mua nên phải phơi cho kịp nắng.
“Năm ngoái, năng suất đạt gần 72 tạ/ha. Năm nay thiên tai dữ quá nên năng suất chỉ còn khoảng 40 tạ/ha. Đã mất mùa mà thóc cũng không bán được. Mấy hôm nay, đại lý gọi nhắc trả nợ giống, lân, đạm rồi nhưng biết lấy tiền đâu ra để trả. Rõ là đã khó còn gặp thêm khó”, anh Song ngán ngẩm.
Anh Mai Luật ở cùng xóm cũng trong cái khó như mọi người. Lúa đầy đường, đầy sân. May nhờ có nhà anh cu Cưng mới làm chưa dọn vào ở, cho mượn chứa thóc. Trong phòng khách, chân cầu thang, thóc đóng bao chất hết lối đi.
Anh Luật kêu trời: “Trong nhà, sau bếp cũng trên chục tấn thóc rồi. Không bán được thì nai công ra phơi hết số thóc này cũng còng lưng luôn. Rồi còn mấy đám ruộng chưa gặt. Nếu gặt thì không biết chứa đâu cho hết thóc đây. Mà mắc kẹt cái vụ thóc lúa như này thì cũng chưa thể triển khai làm vụ hè thu được. Không khéo lại chậm mùa”.