| Hotline: 0983.970.780

Nạn tham nhũng dưới triều Nguyễn

Đại án 17 quan lại bị xử thắt cổ

Thứ Ba 10/11/2020 , 09:45 (GMT+7)

Các vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm và sử dụng nhiều 'phương thuật' khác nhau để an dân trị quốc, đồng thời cũng hết sức thận trọng trong việc dùng người, đặt quan…

Đút lót, nhận hối lộ thời xưa (tranh minh họa)

Đút lót, nhận hối lộ thời xưa (tranh minh họa)

Tuy nhiên, với điều kiện lúc bấy giờ, thỉnh thoảng nhà vua mới có dịp tuần du hoặc đặc phái các viên Kinh lược sứ đi kinh lý xem xét tình hình địa phương. Vì vậy, nhiều quan lại, chức dịch địa phương lợi dụng tình hình này để cấu kết, tự tung tự tác, tham nhũng, nhận hối lộ, bớt xén công quỹ, tư lợi cá nhân…

Án chồng án

Triều vua Tự Đức, vụ án tham nhũng của Thự Tuần phủ Hưng Yên Tôn Thất Đản được coi là vụ án “khoản đa chỉ phồn” (nhiều khoản lắm giấy) và xét xử trong thời gian dài (từ năm Tự Đức thứ 24 (1871) đến năm Tự Đức thứ 27 (1874)). Châu bản triều Nguyễn có tới gần 20 văn bản liên quan, có tới vài trăm trang tài liệu ghi chép về vụ án. Các văn bản này như một bộ hồ sơ của vụ án.

Tôn Thất Đản quê ở xã Hương Cần, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, là con trai trưởng của nguyên Lãnh binh Tôn Thất Tự và bà Nguyễn Thị Thành. Mùa thu năm Tự Đức thứ 21 (1868), Tôn Thất Đản làm Hộ lý Tuần phủ Hưng Yên. Mùa xuân năm Tự Đức thứ 24 (1871), Tôn Thất Đản được thăng làm Thự Tuần phủ Hưng Yên. Trong quá trình làm quan ở tỉnh Hưng Yên, Tôn Thất Đản đã nhũng lạm, làm nhiều điều phi pháp.

Bản tấu ngày 10 tháng 5 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của Bộ Hình (dài gần 70 trang) lần lượt chỉ ra 8 tội trạng của Tôn Thất Đản gồm: xây nhà riêng, dung túng gia thuộc, cho lính sách nhiễu, đánh bạc lấy tiền, sớm đêm có trống đánh cấm người đi đứng, ngày sinh nhật bắt ngoài phố treo đèn chúc mừng, tìm được nhà có cổ vật thì dùng trăm kế mưu cầu lấy được và đòi Suất đội Tân hối lộ tiền bạc.

Ngày 1 tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 (1874), Bộ Hình tiếp tục dâng tấu về bản án này. Bản tấu dài hơn 40 trang cho biết số tiền Tôn Thất Đản tham nhũng rất lớn. Từ tháng 7/1868 đến năm 1871 đã sức lấy tiền bạc, gạo và mua sắm các vật hạng cùng chi việc công ở tỉnh là 8.405 quan tiền, 56 hốt 5 lượng bạc. Từ tháng 8/1868 đến tháng 7/1871 sức lấy tiền gạo trong kho là 4.830 quan tiền, 910 phương gạo trắng; 4 vụ lúa năm Tự Đức thứ 22 (1869), Tự Đức thứ  23 (1870) bắt dân “cứ trăm hộc thóc phải nộp thêm 4 quan tiền, cộng là 8.000 quan”.…

Đặc biệt trong bản tấu ngày 08 tháng 7 năm Tự Đức thứ27 (1874) của Bộ Hình về việc kết án các vụ án ở tỉnh Hưng Yên thì Tôn Thất Đản liên quan tới 3 án. Bản tấu trình bày: “Tôn Thất Đản tham nhũng do nguyên Khâm sai Trần Văn Tuy đệ trình và các án do tỉnh thần tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đức Đạt đệ trình về bọn lại tư, coi kho của tỉnh ấy cùng bọn quan lại ngầm đục khoét… Ba án này chi tiết nhiều phiền toái, tựu trung Tôn Thất Đản can tội xử tử hình, theo lệ phải đổi theo họ mẹ”.

Bản phúc ngày 9 tháng 8 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của Bộ Hình, Phủ Tôn nhân, phủ Thừa Thiên cho biết thêm, sau khi tịch biên hết số gia sản, Tôn Thất Đản vẫn còn thiếu của công khố 405 lạng bạc, 17.277 quan 1 mạch 54 văn.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn làm quan ở tỉnh Hưng Yên, Tôn Thất Đản đã tìm đủ cách tham ô, tham nhũng một số lượng tiền gạo lớn, khi tịch biên toàn bộ gia sản vẫn không đủ bù. Những tình tệ như vậy không phải chỉ xảy ra ở riêng tỉnh Hưng Yên mà ở các tỉnh, phủ khác khi phát hiện ra quan lại tham nhũng bắt bồi thường thì số thu được đều bị thiếu.

Đại án tham nhũng ở tỉnh Quảng Nam: Hơn 70 quan lại bị kết án

Đại án quan lại tỉnh Quảng Nam tham nhũng xảy ra dưới triều vua Tự Đức là vụ án điển hình về tình trạng quan lại câu kết tham nhũng ở chính quyền địa phương.

Theo sử liệu Châu bản triều Nguyễn thì vụ án bắt đầu từ việc Chu Trung Lập tố cáo tình tệ quan tham lại nhũng ở tỉnh Quảng Nam: “thuyền buôn hối lộ tiền bạc; quan tỉnh ẩn lậu thuế buôn, thuế quế; tỉnh lại thu tiền cho ứng dịch và Bạch Doãn Lân, Nguyễn Chiêm Lượng đục khoét, gian dối, xấu xa; Nguyễn Tường Vĩnh mua chịu điền trạch”.

Bản tấu của Bộ lại về việc Thống đốc Hoàng Kế Viêm tố cáo nguyên Thự tuần phủ Hưng Yên Tôn Thất Đản kiêu căng, xa xỉ, nhận hối lộ (Nguồn: TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn).

Bản tấu của Bộ lại về việc Thống đốc Hoàng Kế Viêm tố cáo nguyên Thự tuần phủ Hưng Yên Tôn Thất Đản kiêu căng, xa xỉ, nhận hối lộ (Nguồn: TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn).

Sau đó, vua Tự Đức phái “Hữu tham tri Bộ Binh kiêm quản Viện Đô sát là Trương Văn Uyển cùng với Khoa đạo là Nguyễn Vĩnh, Viên ngoại lang ty Hình là Phạm Công Đề đến nơi tra xét”. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vụ án được đưa ra nghị xử. Ngay trong năm đó, Nội các xin xét xử: “các viên hiện tại làm Thông phán, Kinh lịch, Chánh bát phẩm, Vị nhập lưu Thư lại và đã thăng, điều bổ nơi khác, về hưu xin cách chức, tra xét, tịch biên gia sản, thu hồi của cải. Các tên đã sung Chủ thủ Nội vụ hoặc can án giam ở trấn xin do bộ lấy cung quy án”.

Tiếp đó, Nội các lại đề nghị xử hơn 70 quan lại liên quan: “ Nguyên Án sát Phan Tĩnh đã tra tỉnh lại khai ra lần trước nhận bạc bất chính. Đốc học Trịnh Xuân Thưởng, Tri phủ Nguyễn Bá Đôn hoặc lấy của cải, hoặc nhận hối lộ, cho cách chức, tra xét. Nguyên Án sát hiện nay giữ chức Hữu Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh đã can án nhận bạc bất chính thuộc khoản tội nặng, há cho lưu chức? Phan Tĩnh cho cách chức ngay…Đốc học Trịnh Xuân Thưởng, Tri phủ Nguyễn Bá Đôn tham nhũng, rất đáng ghét. Hai viên đó cách chức do Khâm sai công minh tra xét, nghị xử. Đến như hiện giữ chức tại tỉnh, từ Thông phán Bạch Doãn Lân cho đến bọn Cửu phẩm Nguyễn Đức Minh và Vị nhập lưu Thư lại cùng người đã bị cách chức gồm 59 viên. Các tên đã được thăng bổ, điều bổ, hoặc về quê tới nguyên Thông phán, Kinh lịch từ Vũ Văn Thường đến Lê Xuân Loan tổng 12 người đều xin tịch biên gia sản, cho đòi đến tra xét”.

Đề cập đến việc kết án vụ tham nhũng này, Đại Nam thực lục cho biết: có 17 người bị xử giảo giam hậu: “xử tội giảo giam hậu có 17 người (nguyên Thông phán 4, Kinh lịch 2, Bát phẩm 8, Cửu phẩm 2, Vị nhập lưu 1); tội lưu 25 người (nguyên Bát phẩm 2, Cửu phẩm 10, Vị nhập lưu 13); tội đồ 12 người (nguyên cửu phẩm 3, vị nhập lưu 9); tội trượng và cách chức 8 người;...”

Ngay cả trường hợp phạm tội đã chết cũng không thoát tội, bản án cho biết: “tước bỏ tên trong sổ làm quan 1 người (nguyên Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn); truy thu lại bằng sắc, xoá tên trong sổ làm quan 1 người (viên Án sát đã chết là Đặng Kham)”...

Với việc nghị xử hơn 70 quan lại cho thấy đây thực sự là một vụ án lớn. Đặc biệt, những quan viên đưa ra xét xử có cả các quan Bố chánh, Án sát, Lãnh binh cho tới Đốc học, Tri phủ đến Thông phán, Kinh lịch, Thư lại. Điều này khẳng định đây là một vụ án có tổ chức, có sự câu kết, thông đồng từ trên xuống dưới. Và chính điều này phần nào cho chúng ta thấy được những tình tệ tham nhũng của quan lại địa phương thời bấy giờ.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.