| Hotline: 0983.970.780

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Thứ Tư 04/09/2024 , 15:00 (GMT+7)

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920) là Đại sứ đọc trọn đời của TP.HCM.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920) là Đại sứ đọc trọn đời của TP.HCM.

Đại sứ văn hóa đọc là một sáng kiến của ban tổ chức Hội sách TP.HCM để hưởng ứng mạnh mẽ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2023, mỗi năm, TP.HCM chọn lựa 10 nhân vật đảm đương trách nhiệm Đại sứ văn hóa đọc, trong đó có cả chính khách, nhà khoa học, hoa hậu, nhà văn, nhà báo, doanh nhân... Đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920) được tín nhiệm vai trò Đại sứ văn hóa đọc trọn đời.

Trong quá trình cổ vũ đưa sách về nông thôn, chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều tên tuổi tiêu biểu của giới xuất bản và giới viết lách ở cả ba miền đất nước, như nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Dương Hướng, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dịch giả Đào Minh Hiệp… đều nhận được sự phản hồi: “Người truyền cảm hứng rất quan trọng cho việc vun bồi tình yêu sách ở nông thôn lẫn thành thị”.

Vì vậy, chúng tôi thực hiện “Bàn tròn” này, với sự tham gia của ba Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM năm 2024 là nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Phương Huyền, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cùng nhà báo Trung Nghĩa (Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM năm 2023, thành viên Ban điều hành dự án “Đọc sách cùng Xích Lô”).

Đây là một diễn đàn mở, từng câu hỏi được mỗi Đại sứ văn hóa đọc chia sẻ tâm sự cá nhân lẫn góc nhìn cá nhân. Biết đâu, từ sự đồng cảm nào đó, những ai đang thờ ơ với sách sẽ tìm thấy sự thú vị khi được cầm cuốn sách trên tay.

Ấn tượng về cuốn sách đầu tiên mà anh/chị được sở hữu như một tài sản cá nhân?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Thật khó có thể nói cụ thể là quyển sách nào. Vì ba tôi là người rất thích đọc sách, trong nhà có nhiều sách lắm. Ngay từ nhỏ, hễ vớ lấy cuốn nào là tôi đọc cuốn đó, không phân biệt sách dành cho người lớn hay trẻ con nữa. Hễ thấy sách là đọc, bất kể thời gian lẫn không gian. Sau này, tôi nghiệm ra, hãy để cho đứa trẻ tự chọn sách mà đọc, miễn là thích. Có thích thì đọc mới hứng thú.

Khi nói đến cuốn sách đầu tiên mà tôi sở hữu, đó là quyển “Tâm hồn cao thượng”, bản dịch của Hà Mai Anh. Nói hai chữ “sở hữu” vì đây là phần thưởng cuối năm học cấp tiểu học mà tôi nhận được, tại trường Nam Tiểu Học (nay là trường Kim Đồng) ở Đà Nẵng. Tôi thích thú, nâng niu và xem đó là người bạn đồng hành cùng mình suốt năm tháng dài, kể cả sau này lên trung học.

Nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn nhiều công trình về vẻ đẹp tiếng Việt.

Nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn nhiều công trình về vẻ đẹp tiếng Việt.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi vẫn luôn nhớ bộ tiểu thuyết võ hiệp Việt Nam có tựa là “Đường gươm diệt ác”. Đó là 2 cuốn sách cũ, in trên loại giấy ngả vàng được anh hai của tôi mang về nhà, lúc tôi khoảng 9,10 tuổi. Khi anh lên thành phố học đại học, thì tôi nghiễm nhiên xem bộ sách ấy là của mình.

Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, vì thích câu chuyện hành hiệp trượng nghĩa mà cũng vì không có thêm sách khác để đọc. Đó cũng là một trong những tác phẩm khiến tôi cảm thấy yêu thích đọc sách. Ước mơ viết sách, để được tự mình kể những câu chuyện hay, có lẽ cũng đã được ươm mầm trong tâm hồn bé thơ từ thuở ấy.

Nhà văn Phương Huyền: Có lẽ, phải đến khi vào đại học, kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ việc dạy thêm và cộng tác các báo, tôi mới được sở hữu những cuốn sách đúng nghĩa của riêng mình. Tôi bắt đầu đọc từ khi còn bé xíu. Lớp 3, lớp 4 đã bắt đầu đọc tiểu thuyết, bởi đơn giản có gì đọc đó, chứ không có lựa chọn. Vì quá thích đọc nên cứ thấy bố và chị gái đọc gì, tôi đọc nấy. Tất cả đều là sách mượn ở đâu đó. Lên đến cấp 3, tôi được mượn sách thư viện trường và sách của thầy giáo chủ nhiệm.

Khi có tiền riêng, tôi mới lân la đi mua sách cũ. Đó là 2 tập “Thần thoại Hy Lạp” giấy đen thui mà tới giờ tôi vẫn còn giữ lại trong tủ sách. Tôi đã bị mê đắm bởi những câu chuyện của “Nghìn lẻ một đêm” và “Thần thoại Hy Lạp” từ thời học sinh, nhưng chỉ đọc ké. Để rồi, khi có tiền, quyết định mua cho bằng được để làm tài sản riêng đầu tiên trong tủ sách của mình.

Nhà báo Trung Nghĩa: Tôi vẫn luôn nhớ kỷ niệm thuở thiếu thời, cha tôi hay chở tôi đi ra sạp báo nằm trong bưu điện tại Long Khánh (Đồng Nai) để mua sách báo. Cha đã mua và tặng cho tôi những “tài sản” đầu đời chính là quyển sách gối đầu giường “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.

Có cuốn sách nào khiến anh/chị đọc đi đọc lại nhiều lần không? Vì sao?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Đó chính là tác phẩm “Lụa” của tác giả Alessandro Baricco. Nội dung tác phẩm là câu chuyện về nhân vật Hever Joncour từ thị trấn Lavilledieu (miền Nam nước Pháp) đến Nhật Bản tìm mua trứng tằm, nhằm vực dậy ngành công nghiệp dệt lụa của thị trấn. Và từ đất nước được xem là nơi “tận cùng của thế giới”, Hever Joncour đã bị mê hoặc, chìm đắm trong tình yêu với một người con gái phương Đông…

Tôi đọc lần đầu và bị dẫn dụ bởi cách hành văn giàu mỹ cảm của tác giả. Ngôn ngữ đầy chất thơ và tính nhạc, giàu cảm xúc và hình ảnh. Câu chữ đẹp như lụa, mềm mại, tĩnh tại, quyến rũ…Tôi đọc lại để thưởng thức vẻ đẹp quyến dụ ấy và cũng là để hiểu sâu hơn về nội dung. Sau khi xem bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm, tôi lại đọc sách thêm lần nữa. Và khi bản dịch đầy đủ được phát hành sau này, tôi lại đọc.

Một tác phẩm hay, mỗi lần đọc lại đều cho ta một cảm thức khác và càng hiểu sâu sắc hơn những điều mà ta có thể bỏ lỡ trong những lần đọc trước.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên được trao Giải thưởng sách quốc gia năm 2022.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên được trao Giải thưởng sách quốc gia năm 2022.

Nhà văn Phương Huyền: “Tâm hồn cao thượng”, đó là cuốn sách tôi đọc sách in rồi nghe sách nói, rồi thi thoảng lại mở ra đọc một đoạn nào đó. Tôi cũng từng nói ước gì hầu hết gia đình Việt đều có cuốn này, thầy cô đều đọc cuốn này, mỗi đứa trẻ đều được nghe ba mẹ kể rồi tìm đọc cuốn này. Giá mà như thế, cuộc sống sẽ nhiều yêu thương hơn, nhiều lòng trắc ẩn hơn, chúng ta cũng biết trân quý những thứ đẹp đẽ quanh mình.

Nhà báo Trung Nghĩa: Ngoài cuốn truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” thì các tác phẩm khác tôi đọc nhiều lần như “Buratino và chiếc chìa khóa vàng” (Aleksey Tolstoy), “Hoàng tử bé” (Antoine de Saint-Exupéry), “Timua và đồng đội” (Arkady Gaidar), “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” (Jules Verne)… Với tôi, các quyển sách này đều chứa các hành trình phiêu lưu kỳ thú, những tình tiết thú vị, cốt truyện đầy tính nhân văn... đã tác động rất lớn vào tinh thần yêu thích đi đó đi đây, say mê tìm hiểu, khám phá, gặp gỡ, học hỏi của tôi khi trưởng thành.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ông Lâm Ngữ Đường nói đúng lắm, đại khái, đọc sách khi còn trẻ như nhìn trăng qua khe cửa, đọc sách lúc đứng tuổi như nhìn trăng ở ngoài sân, đọc sách lúc về già như nhìn trăng trên sân thượng. Cũng quyển sách đó, lúc nào đọc cũng tìm thấy mới lạ, ngạc nhiên và hào hứng như mới đọc lần đầu.

Với tôi, đó là “Truyện Kiều”, “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Sống mòn” (Nam Cao). Không những thế, các tác phẩm khác của họ, tôi cũng đọc đi đọc lại mà vẫn thích. Sau này, trong danh sách đó, còn có thêm Nguyễn Huy Thiệp. Là dù đã đọc nhưng tôi vẫn thích đọc lại một và nhiều lần nữa. Đơn giản chỉ vì thích, chứ không khác.

Về thơ, tôi thích thả hồn vào thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê và Chế Lan Viên. Tóm lại, một cuốn sách hay, với tôi là bất kỳ lúc nào đọc lại vẫn có cảm giác mới mẻ như đọc lần đầu.

Khi cầm một cuốn sách mới trên tay, anh/chị thường chú ý hay thường suy nghĩ điều gì?

Nhà báo Trung Nghĩa: Đầu tiên là sự băn khoăn của tôi, quyển sách này có nội dung, thông điệp phù hợp với thời điểm/nhu cầu mình cần đọc, tìm hiểu, giải trí không.

Nhà báo Trung Nghĩa, tác giả cuốn sách 'Đọc sách như là yêu'.

Nhà báo Trung Nghĩa, tác giả cuốn sách "Đọc sách như là yêu".

Nhà văn Phương Huyền: Khi cầm một cuốn sách mới trên tay, tôi hay xem số lượng bản in và ước. Tôi ước số lượng bản in của mỗi cuốn sách không phải 1 ngàn bản, 1,5 ngàn bản mà 10 ngàn bản, 15 ngàn bản. Số lượng bản in thấp như thế chứng tỏ sách đến với bạn đọc còn quá ít. Với tác giả, cũng có chút chạnh lòng chứ. Độc giả thì mong chờ những cuốn sách hay, đương nhiên. Nhưng kể cả những cuốn sách hay đó, chưa chắc đến được với đông đảo độc giả. Vậy thì ước gì sách được lan tỏa hơn, có nhiều bạn đọc hơn.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Với sách văn học, tôi luôn nghĩ: Phải xem họ viết cái gì? Nếu không là vấn đề mình quan tâm thì tôi không đọc nữa, và ngược lại. Với sách nghiên cứu, tôi thường tự nhủ, mình sẽ học được cái gì? Gần đây, do quan tâm về tiếng Việt nên bất kỳ cuốn sách nào, trước khi đọc tôi đều tự hỏi trong đó có vốn từ gì mà mình chưa biết, cần phải đọc, phải học?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi sẽ nhìn và cảm nhận bìa sách, đọc giới thiệu trên bìa 4, xem thông tin tác giả cũng như đọc qua lời mở đầu hoặc những trích dẫn nhận xét về tác phẩm trên bìa gấp. Giá trị trọn vẹn của một tác phẩm không nằm ở những thông tin, hình ảnh ban đầu đó nhưng những gì được tiếp nhận ngay khi cầm cuốn sách mới trên tay, ít nhiều để lại ấn tượng trong lòng tôi.

Có không ít bìa sách được trình bày rất đơn giản, nhưng cũng có rất nhiều minh họa bìa được họa sĩ trao gửi vào đó những hình ảnh ẩn dụ, những thông điệp ngầm ẩn. Cảm giác mình nhìn thấy được “sợi chỉ đỏ” của nội dung, tư tưởng tác phẩm được thể hiện sâu sắc trên bìa sách thật sự thú vị và khó quên.

Tủ sách ở nhà riêng của anh/chị có thường xuyên được “thanh lý” không? Nếu “thanh lý” thì cách nào mà anh/chị muốn thực hiện nhất?

Nhà văn Phương Huyền: Tôi có may mắn là thường xuyên đi đến các trường học ở nhiều tỉnh để chia sẻ với các bạn nhỏ việc đọc, nên hầu như lúc nào cũng cần sách. Có những chuyến đi, tôi mang theo cả ngàn cuốn sách được hỗ trợ từ các nhà xuất bản. Mà một năm, tôi ghé qua vài chục trường học, thành ra việc “thanh lý” sách diễn ra ở đó luôn. Nhất là sách thiếu nhi, sau khi hai mẹ con của tôi đọc xong, trừ những cuốn con tôi đặc biệt thích muốn giữ lại, hầu hết tôi đều chia sẻ cho bạn đọc nhỏ khác. Vì vậy mà ở nhà tôi, không bao giờ có sách thiếu nhi tồn kho.

Còn với sách cho người lớn, thi thoảng tôi lại phải sắp xếp tủ sách vì quá đầy, quá lộn xộn. Những lúc ấy có những cuốn mình đọc rồi mà không nhất thiết phải giữ lại, thì chia sẻ cho người khác. Tôi gom lại, đóng thùng tặng các trường cấp 3, hoặc thư viện cộng đồng nào đó. Từ khi mọi người tương tác nhiều trên Facebook, tôi chuyển qua “thanh lý” online kiểu bán rẻ hơn giá bìa chút và lấy kinh phí làm chương trình thiện nguyện. Ngay trong dịp 2/9, tôi đã “thanh lý” theo cách ấy để có thêm kinh phí tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo. Có rất nhiều cách để “thanh lý” tủ sách của mình một cách dễ thương và hữu ích.

Nhà văn Phương Huyền nổi tiếng với vai trò MC các buổi giới thiệu sách.

Nhà văn Phương Huyền nổi tiếng với vai trò MC các buổi giới thiệu sách.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bỏ đi một cuốn sách, với tôi là điều không dễ dàng. Nhưng rồi đến lúc bắt buộc phải chia tay nó. Vậy, phải làm sao? Cuộc “thanh lý” nhiều nhất của tôi vào khoảng 5 năm trước, tôi đã tặng khá nhiều sách cho một thư viện ở vùng cao. Tôi tin rằng, sách của mình sẽ có ích cho bạn đọc, bên cạnh nhiều loại sách khác ở thư viện đó.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi vẫn thường chọn sách phù hợp để gửi tặng các chương trình/dự án thiện nguyện, đặc biệt là các dự án tặng sách cho học trò nghèo vùng sâu vùng xa. Trước đây tôi nghĩ, mình sẽ lưu giữ tất cả sách hay trong tủ sách nhà mình, nhưng sau này tôi lại cảm thấy, sách hay rất nên được trao đi, đến tay những bạn đọc chưa có điều kiện tiếp cận với sách hay, sách mới.

Hồi bé dù chỉ được đọc sách cũ, nhưng mỗi lần được ôm sách mượn từ thư viện về nhà, tôi đã vui mừng lắm. Sau này, tôi hình dung những đứa trẻ quê nghèo có lẽ cũng giống như mình ngày xưa. Những món quà sách trao tay cũng như vòng tròn yêu thương nối dài, cùng nhau gửi trao bao niềm tin yêu và hy vọng. Biết đâu sẽ có những hạt mầm ước mơ được ươm xanh trong lòng trẻ thơ khắp mọi miền, từ những cuốn sách cũ được người lớn chăm chút gửi về.

Nhà báo Trung Nghĩa: Tôi thường tặng sách cho bạn bè và quyên góp sách cho các nơi cần sách, từ trường học đến trẻ em vùng sâu vùng xa thông qua các đơn vị thiện nguyện.

Một buổi giao lưu truyền cảm hứng đọc sách tại trường tiểu học ngoại ô TP.HCM.

Một buổi giao lưu truyền cảm hứng đọc sách tại trường tiểu học ngoại ô TP.HCM.

Nếu gửi tặng một cuốn sách cho bạn đọc nào đó ở vùng sâu vùng xa, anh/chị sẽ nhắn nhủ gì với người nhận?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Có lẽ, lời tôi muốn nói nhất là: “Mong bạn có thể tìm thấy chân trời trong trang sách”. Bởi vì, tôi cũng là một đứa trẻ lớn lên từ những trang sách, thấm thía giá trị mà sách mang lại, nuôi dưỡng và rèn giũa tâm hồn mình từng ngày như thế nào.

Sẽ thật khó để nói với một ai đó không quan tâm/không thích đọc sách rằng: “Bạn hãy/nên/cần đọc sách”. Đó chỉ có thể là sự lựa chọn của riêng mỗi người trên những bước chân đi. Trải qua một hành trình đã dài với cuộc đời, quay đầu nhìn lại, tôi cảm nhận sâu sắc rằng: sách, theo một cách nào đó đã luôn lặng lẽ soi rọi nguồn ánh sáng kỳ vĩ cho tôi bước đến chân trời của đời mình, vạn dặm bình an.

Nhà văn Phương Huyền: Tôi thích gởi tặng sách cho các bạn nhỏ. Tôi muốn ươm những chiếc mầm xanh từ khi các con chập chững đến trường. Vì vậy, lời yêu thương tôi muốn nhắn gửi trong cuốn sách đến với các ban ấy là: “Hãy cùng khám phá những điều thú vị trong cuốn sách nhỏ xinh này để vươn tới những ước mơ thật đẹp đẽ, bạn nhé! Ai đọc sách cũng đều dễ thương”.

Nhà báo Trung Nghĩa: Tôi nhắn nhủ “Hãy chọn và đọc sách theo nhu cầu và sở thích riêng, bạn sẽ yêu thích và cảm nhận đủ đầy giá trị của cuốn sách với bản thân. Từ đó sẽ có nhu cầu và niềm yêu thích đọc những quyển sách khác”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi không nhắn nhủ gì với người nhận sách tặng. Vì đọc sách, tìm đến sách là công việc tự giác. Nếu có ý thức, ắt người đọc khắc biết mình phải đọc, cần đọc cái gì. Bằng không, mọi lời nhắn nhủ cũng chi là nước chảy hoa trôi...

Xin cảm ơn các Đại sứ văn hóa đọc đã tham gia “Bàn tròn” của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Kính chúc các anh, chị nhiều sức khỏe và niềm vui, để tiếp tục truyền cảm hứng đọc sách cho mọi người!

Xem thêm
'Dốc túi' học nghề, đưa mây tre đan ra thị trường thế giới

Bằng nghị lực phi thường, cựu binh Tăng Tiến Huỳnh đã đưa sản phẩm mây tre đan đến với nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa

Doanh nghiệp đã thu mua gần 17 tấn carbon trên cây lúa với giá 20 USD/tấn, trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam bán được tín chỉ carbon.

Quan chức Hungary tổ chức họp dưới lòng sông nhằm cảnh báo hạn hán

Một nhóm các nhà lập pháp Hungary và đại diện của các tổ chức phi chính phủ đã ngồi họp trên một bãi cát dưới lòng sông nhằm cảnh báo về tình trạng hạn hán.

Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa gạo

Chiều 10/9, đại diện Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm truy xuất nguồn gốc lúa gạo tại diễn đàn khu vực 'Canh tác lúa giảm phát thải'.