Nhiều hộ dân chưa đồng thuận
Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 2663 nhằm điều chỉnh, bổ sung địa danh trong giấy phép khai thác khoáng sản số 622 ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, tại Điều 1 của Giấy phép khai thác khoáng sản số 622 ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt: Cho phép Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường được khai thác làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực xóm Ngoài, xóm Giữa, xã Xuân Phương và xóm Kha Nhi, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Nay điều chỉnh lại là: Cho phép Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường được khai thác làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực xóm Ngoài, xóm Giữa xã Xuân Phương, tổ dân phố Đình Cả 1, thị trấn Hương Sơn và xóm Kha Nhi, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 2663 khiến người dân ở tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình bức xúc. Bởi theo người dân nơi đây diện tích được điều chỉnh nằm trong phạm vi thuộc núi Chùa, trên đó vẫn còn nhiều vết tích của Chùa Tung trước đây.
Tại Quyết định số 1128 ngày 28/12/2020 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt kết quả kiểm kê di tích trên địa bàn huyện Phú Bình năm 2020 thì địa danh Chùa Tung, thuộc tổ dân phố Đình Cả 1 nằm trong số 291 di tích được kiểm kê.
Kết quả kiểm kê được phê duyệt tại quyết định này là cơ sở để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt danh mục di tích kiểm kê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, phục vụ công tác nghiên cứu, quy hoạch cơ chế, chính sách quản lý, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển văn hóa du lịch, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Hay tại văn bản số 2285, ngày 19/11/2021 của UBND huyện Phú Bình về việc trả lời kiến nghị của các hộ dân tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn tại mục 2 có nêu: Trên cơ sở đề nghị của nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn Hương Sơn tiến hành kiểm tra thực địa khu vực núi Chùa Tung tại tổ dân phố Đình Cả 1, thị trấn Hương Sơn cho thấy, tại khu vực đỉnh núi Chùa Tung hiện không còn có chùa mà chỉ còn dấu vết của Chùa Tung trước kia gồm gạch, ngói vỡ… toàn bộ khu vực hiện đã được trồng cây keo, bạch đàn và cây dại. Khu vực đất trên hiện đang do UBND thị trấn Hương Sơn quản lý.
Dù các cơ quan chức năng của huyện Phú Bình đã thừa nhận trên khu vực núi Chùa Tung còn dấu vết của ngôi Chùa Tung xưa và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa địa danh Chùa Tung, thuộc tổ dân phố Đình Cả 1 vào danh sách 291 di tích được kiểm kê thế nhưng không hiểu sao tỉnh vẫn cấp phép cho Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường được khai thác làm vật liệu san lấp.
Chùa Tung là đất văn hóa, cây xanh
Lý do mà các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đưa ra để giải thích việc cấp giấy phép số 622 ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên và Quyết định số 2663 nhằm điều chỉnh, bổ sung địa danh trong giấy phép khai thác khoáng sản số 622 ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường được khai thác làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Chùa Tung là khu vực này không nằm trong di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh.
Theo người dân ở tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình thì lý do trên đưa ra không thỏa đáng. Do đó kể từ năm 2021 đến nay, người dân đã gửi nhiều đơn thư, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền.
Trong đơn đề nghị gửi Thanh tra Chính phủ của người dân tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2 thị trấn Hương sơn ngày 1/6/2023 có nêu: Đề nghị cho dân làng Đình Cả, thị trấn Hương Sơn được giữ lại nguyên trạng núi chùa Tung, nơi có nền móng cũ của ngôi chùa cổ để nhân dân xây dựng lại chùa cũ đúng vị trí vốn có từ xưa.
Cũng trong đơn này người dân tổ dân phố Đình Cả cho biết, khi nhận được thông báo của Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường về việc phối hợp giải phóng mặt bằng để khai thác núi Chùa Tung làm vật liệu san lấp thông thường họ rất bất ngờ. Bởi khi khảo sát quy hoạch mỏ đất, người dân không được cơ quan chức năng thông báo để biết về nội dung này. Trong khi trước đó tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 622, ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên cho Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường được khai thác đất làm vật liệu san lấp thông thường, hoàn toàn không nhắc đến địa danh núi Chùa Tung.
Trước sự kiên trì phản đối quyết liệt của người dân tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2, ngày 26/9/2023 tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Phú Bình với nhân dân tổ dân phố Đình Cả 1, Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn đơn vị này đã ra Kết luận số 1073 ngày 26/9/2023.
Tại mục 1.2 của Kết luận số 1073 có nêu, đối với nội dung đề nghị giữ nguyên hiện trạng núi Chùa Tung, theo quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Bình thời kỳ 2021 - 2030 được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định 1637 QĐ-UBND, ngày 14/7/2023, vị trí núi Chùa Tung được quy hoạch là đất công cộng văn hóa, thể thao cây xanh.
Như vậy giữa Kết luận số 1073 ngày 26/9/2023 của Thường trực Huyện ủy Phú Bình và Quyết định số 2663 cũng như Giấy phép khai thác khoáng sản số 622 ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì văn bản nào mới là đúng quy định? Bởi theo Kết luận 1073 thì theo quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Bình thời kỳ 2021 - 2030 được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định 1637 QĐ-UBND, ngày 14/7/2023, vị trí núi Chùa Tung được quy hoạch là đất công cộng văn hóa, thể thao cây xanh không phải đất quy hoạch vùng mỏ.