| Hotline: 0983.970.780

Dân rủ nhau trồng chè làm 'mồi câu' doanh nghiệp chế biến

Thứ Hai 04/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

LÀO CAI Người dân huyện Mường Khương xác định, chỉ khi xây dựng được vùng nguyên liệu chè lớn mạnh thì mới 'câu' được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến về địa phương.

Chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc trồng chè của bà con trên địa bàn. Ảnh: Hải Đăng.

Chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc trồng chè của bà con trên địa bàn. Ảnh: Hải Đăng.

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè

Những nương chè xanh ngắt giờ đã trở thành một phần gắn liền với cuộc sống người dân ở Nấm Lư (huyện Mường Khương, Lào Cai). 

Ông Lùng Văn Thưởng ở thôn Nấm Ọoc, xã Nấm Lư chia sẻ, trước đây, gia đình ông rất khó khăn. Cây ngô, cây sắn trồng ra có năng suất rất kém. Từ ngày chuyển đổi sang trồng chè mới có thu nhập tích lũy. Hiện nay, gia đình ông mỗi năm thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng từ việc bán chè búp tươi. Thương lái, nhà máy chế biến đến tận xã gom hàng, với giá trung bình 7 - 8 nghìn đồng/kg. “So với cây ngô, cây lúa, tính ra trồng chè hiệu quả gấp 10 lần”, ông Lùng Văn Thưởng nói.

Từ những nương ruộng khô cằn, gia đình ông phát dọn rồi đào rạch, lên luống từ 1,5 - 1,7m, cây cách cây 45 - 50cm. Tùy thuộc từng khu vực mà chăm sóc cho cây, nếu không mưa phải tưới nước chè mới xanh tốt. 

Để đảm bảo kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, chính quyền địa phương đã phối hợp cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn cho người dân. Vừa học, vừa áp dụng trên chính nương chè của mình nên các phương pháp, kỹ thuật mới bà con đều nắm bắt được ngay. 

Ông Lù Văn Thòn cùng thôn Nấm Ọoc trồng hơn 1,8 vạn gốc chè. “Những tháng đầu năm, một tháng có thể thu hái 3 lần, còn cuối năm, mỗi tháng được thu hoạch 2 lần. Khi màu xanh của lá chè không đảm bảo, không còn xanh đậm thì phải bón thêm phân kali hoặc phân đạm. Khi phát hiện sâu bệnh thì phải phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”, ông Lù Văn Thôn nói. 

Quá trình trồng chè, 1 - 2 năm đầu phải chú trọng chăm sóc, làm cỏ. Khi chè có tán rộng, cỏ ít mọc hơn nhưng vẫn phải làm cỏ 1 - 2 lần trong năm. Sau thu hoạch, cuối tháng 12 phải đốn tỉa để chuẩn bị cho vụ chè xuân. 

Những nương chè xanh mướt của người dân Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Những nương chè xanh mướt của người dân Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Thu hút đầu tư, tránh tình trạng nguồn nguyên liệu dư thừa

Ông Lù Tờ Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Lư (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho hay, thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, xã Nấm Lư của huyện Mường Khương xác định chè là cây chủ lực; khuyến khích chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè. 

Tuy vậy, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn do người dân trên địa bàn chưa am hiểu về cây chè, chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc.

"Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, các hộ dân ở thôn Sao Cô Sỉn tiến hành trồng những luống chè đầu tiên. Quá trình triển khai, xã đã mở rộng được diện tích trồng chè tại 9/9 thôn. Đến nay, toàn xã có gần 400ha chè, trong đó 220ha đang cho thu hoạch”, ông Lù Tờ Hùng nói. 

Đến thời điểm này, tổng diện tích chè toàn huyện Mường Khương lên tới 6.000ha; vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Nghị quyết 10 của tỉnh Lào Cai giao cho địa phương 600ha.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai) cho hay, Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết tiêu thụ chè búp tươi cho người dân, với tổng sản lượng năm 2024 là khoảng 35.000 tấn. 

Dự kiến năm 2024 - 2025, địa phương tiếp tục thu hút 2 doanh nghiệp xây dựng thêm 2 nhà máy tại thị trấn Mường Khương và xã Lùng Khấu Nhin để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. “Tới năm 2030, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn ước đạt 60.000 - 70.000 tấn, tăng gấp đôi sản lượng hiện tại. Do đó, việc thu hút, xây dựng thêm nhà máy vào thời điểm này rất hợp lý, tránh tình trạng nguồn nguyên liệu dư thừa mà không có nhà máy để chế biến”, ông Lê Thanh Hoa nhấn mạnh. 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.