| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức vùng ngoại ô [Bài 3]: Thu hoạch 6 sản phẩm trên một diện tích

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:37 (GMT+7)

HÀ TĨNH 20ha đất bạc màu ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh đang dần hình thành một công viên nông nghiệp. Ở đây người dân có thể thu hoạch 6 sản phẩm trên một diện tích.

Công viên nông nghiệp dần hình thành

Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, hai câu thơ trong “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông phần nào như phác họa chân thực vai trò của 10 con người ở Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp Hạ Hoàng, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh trong việc hồi sinh cánh đồng 20ha ở xứ Đồng Ghè vốn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm liền.

Anh Lăng Thiện Phúc, vừa là thành viên THT Hạ Hoàng vừa là kỹ sư NTTS chia sẻ, mong muốn của THT là xây dựng xứ Đồng Ghè thành một công viên nông nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Lăng Thiện Phúc, vừa là thành viên THT Hạ Hoàng vừa là kỹ sư NTTS chia sẻ, mong muốn của THT là xây dựng xứ Đồng Ghè thành một công viên nông nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2022, THT Hạ Hoàng “khai sinh” với 10 thành viên cùng chung chí hướng, xây dựng một công viên nông nghiệp ngay đô thị. Nơi đó sẽ phát triển đa dạng cây, con, từ trồng lúa, dừa, dứa, cau tứ quý, các loại hoa sen đến nuôi tôm, cua, cá… Thậm chí, đầu tư công nghệ sản xuất, ương giống cua, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết nuôi trồng với người dân địa phương nhằm khai thác tiềm năng quỹ đất, nguồn nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Anh Lăng Thiện Phúc (SN 2000), một kỹ sư thủy sản đang rất trẻ tuổi và cũng là thành viên của THT chia sẻ, hơn 2 năm về trước, vùng đất này người dân xã Thạch Hạ chỉ gieo cấy một vụ lúa, nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều người bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm; một số diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát theo kiểu “ăn may”. Sau khi chính quyền thành phố và xã tạo điều kiện về mặt chủ trương, THT đặt vấn đề thuê đất của 200 hộ dân tích tụ thành một vùng tập trung, quy mô lớn.

Có đất trong tay, THT đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc và chỉnh trang các vùng sản xuất theo hướng hữu cơ. Cụ thể, phát triển mô hình lúa ST25 trên diện tích 12ha; trồng dứa trên 5ha; thuần hóa, nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt dưới diện tích trồng dứa, lúa; nuôi cua trong hộp nhựa; trồng cau tứ quý, dừa xiêm, dừa sáp và các loại sen để phát triển du lịch sinh thái.

TP Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng những Công viên nông nghiệp ven Thành phố

TP Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng những Công viên nông nghiệp ven Thành phố

“Đến thời điểm này chúng tôi đã thu hoạch được 1,5 tấn tôm; 2 tấn cá chép, trắm; 1,2 tấn cua/3 lứa. Dự kiến năm 2024 một số diện tích sẽ cho thu hoạch đến 6 sản phẩm. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích chắc chắn sẽ gấp hơn 10 lần so với 2 năm về trước”, anh Phúc nhẩm tính.

Theo anh, để khép kín được diện tích 20ha, THT đang cần thêm nguồn lực đầu tư khá lớn và cũng mong muốn chính quyền các cấp “trợ lực” thêm để THT phát triển mô hình đồng bộ, ra tấm ra món, trở thành điểm nhấn phía Đông thành phố Hà Tĩnh.

Liên kết nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Tham vọng lớn nhất THT Hạ Hoàng đã và đang hướng đến là xây dựng nơi đây thành vùng liên kết NTTS công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng giống đến chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

Để làm được điều này, THT đã quy tụ 4 chuyên gia về môi trường nước, thức ăn, lắp đặt nuôi cua trong hộp nhựa và 1 người chuyên về phòng chống dịch bệnh. Trước tiên, thực hiện mô hình nuôi cua trong hộp nhựa với quy mô hơn 1.000 khay.

Thành công mô hình nuôi cua trong hộp nhựa ở xã Thạch Hạ mở ra hướng đi mới cho người NTTS ở TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thành công mô hình nuôi cua trong hộp nhựa ở xã Thạch Hạ mở ra hướng đi mới cho người NTTS ở TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi đã nuôi được 3 lứa, bình quân mỗi tháng thu hoạch 1 lứa. Về mặt thời gian, nuôi cua trong hộp nhựa rút ngắn được thời gian từ 7 – 8 tháng so với người dân nuôi thông thường. Quan trọng giải pháp này kiểm soát được tỷ lệ sống, dịch bệnh và chất lượng thịt cua”, anh Lăng Thiện Phúc thông tin.

Theo kỹ sư Phúc, khó nhất trong NTTS nói chung, nuôi cua nói riêng cả ngoài trời và trong hộp nựa là xử lý môi trường nước. Tuy nhiên, khi đầu tư công nghệ, bàn tay con người sẽ chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các yếu tố bất lợi. Ví như mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của THT Hạ Hoàng, hiện tại nguồn nước nuôi trồng phải trải qua 9 bước xử lý, nhiều hơn xử lý nguồn nước nuôi cá koy. Đồng thời, phải bổ sung thêm khoáng chất và vi sinh để tạo môi trường phù hợp cho cua phát triển đạt trọng lượng cao nhất, chất lượng ngon nhất.

Hiện, sản phẩm cua (cua thịt, cua cốm, cua lột) của THT được các nhà hàng ở Hà Tĩnh và Quảng Ninh thu mua toàn bộ với giá bình quân 500.000đ/kg. Ước tính, mỗi lứa cua cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/tháng.

Mục tiêu của TP Hà Tĩnh là biến vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ trở thành 'địa chỉ đỏ' tham quan, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hưng Phúc. 

Mục tiêu của TP Hà Tĩnh là biến vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ trở thành "địa chỉ đỏ" tham quan, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hưng Phúc. 

Thành công bước đầu ngoài mong đợi của mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đã tạo động lực cho THT xây dựng phương án, chuẩn bị thành lập HTX Liên kết NTTS công nghệ cao tại xã Thạch Hạ.

Đầu tháng 2/2023, THT đã thỏa thuận, ký Hợp đồng liên kết với 10 hộ dân ươm giống khoảng 10 ha. Các hộ dân liên kết được cung cấp toàn bộ con giống đầu vào, hỗ trợ cải tạo đất, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua. Dự kiến năm 2024 sẽ lắp đặt 5.000 khay cua, diện tích khoảng 1ha, ước thu sản lượng 10 tấn cua/năm.

“Để đảm bảo đủ nguồn giống cung cấp cho bà con, chúng tôi đang xây dựng hệ thống nhà xưởng ương giống cua với công suất khoảng 7 triệu con/lứa. Đồng thời, hoàn thiện phòng thí nghiệm mẫu đất, mẫu nước, mầm bệnh để chủ động phát hiện các yếu tố bất lợi, kịp thời xử lý trong quá trình nuôi trồng”, một thành viên THT Hạ Hoàng thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, nếu thực hiện thành công dự án liên kết NTTS công nghệ cao trên địa bàn sẽ khai thác hợp lý thế mạnh, tiềm năng 126 ha đất NTTS của địa phương, đóng góp một khoản thu đáng kể cho nguồn thu ngân sách; khắc phục, giảm bớt được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát theo quy mô hộ gia đình, cá nhân.

Trong tương lai, THT Hạ Hoàng sẽ là nơi cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân liên kết sản xuất cua. Ảnh: Thanh Nga.

Trong tương lai, THT Hạ Hoàng sẽ là nơi cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân liên kết sản xuất cua. Ảnh: Thanh Nga.

Hơn nữa, việc nuôi trồng theo hướng hàng hóa sẽ tạo động lực khuyến khích các hộ dân, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; định hình và phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt.

Đặc biệt, dự án sử dụng hầu hết nguồn lực của địa phương, không chỉ tăng năng suất, sản lượng, giá thành sản phẩm mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộng sống.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển