| Hotline: 0983.970.780

Đạo diễn Hữu Mười: Mình tốt, nó xấu mãi thì khán giả sẽ chán

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:35 (GMT+7)

Bộ phim “Mùi cỏ cháy” đã đoạt giải Bông Sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17. Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ với NNVN sau khi "Mùi cỏ cháy" được tôn vinh...

Đạo diễn Hữu Mười chỉ đạo ở trường quay
Bộ phim “Mùi cỏ cháy” đã đoạt giải Bông Sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17 vừa được tổ chức tại Phú Yên vừa qua. Bộ phim đã nhận được nhiều tình cảm và cả nước mắt của khán giả.

Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ với NNVN sau khi "Mùi cỏ cháy" được tôn vinh: "Tôi cũng không ngờ là một bộ phim chiến tranh, quay lại câu chuyện của gần 40 năm trước, về 81 ngày đêm hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vẫn cuốn hút người xem đến thế. Không phải chỉ thế hệ người xem lớn tuổi đã đi qua cuộc chiến đó mới cảm nhận ra mà trong những buổi chiếu, tôi đã để ý, thế hệ các em nhỏ, chưa đến 20 tuổi có cảm nhận được không thì hóa ra đề tài về người lính, đề tài về chiến tranh giải phóng đất nước vẫn làm các em yêu quý, làm các em hiểu được giá trị lịch sử mà thế hệ cha anh đã làm nên.

Phải thừa nhận, bộ phim được giải cao là niềm vui rất lớn của chúng tôi, của ê kíp làm phim. Nhưng giải thưởng này là thuộc về những liệt sỹ đã ngã xuống vì cuộc chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, vinh quang này thuộc về các anh, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh".

Tại sao anh lại chọn bộ phim về đề tài chiến tranh, một đề tài được xem là khó thành công ở giai đoạn hiện nay?

Nói đúng ra là tôi được Hãng phim truyện Việt Nam giao thực hiện bộ phim này. Kịch bản “Mùi cỏ cháy” của anh Hoàng Nhuận Cầm có số phận khá lận đận. Viết về thế hệ cầm súng những năm 1970 với nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

 Là một trong những người thuộc thế hệ sinh viên Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ” của một thời lửa đạn như những nhân vật trong phim, nên nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã dành nhiều công sức và tâm huyết cho kịch bản cũng như dự án phim "Mùi cỏ cháy". Nhưng vì hãng phim của gia đình Hoàng Nhuận Cầm chưa đủ điều kiện để nhận phim theo quy định của Luật Điện ảnh nên dự án đành dang dở.

Phim là câu chuyện về 4 chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long, họ đều là tân sinh viên khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ cùng nhập ngũ trong một ngày, hành trang tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ của những chàng trai trẻ đầy lý tưởng và trong sáng. Nhưng rồi trong cuộc trường chinh ấy, 3 người đã ngã xuống trên mặt trận Quảng Trị năm 1972, chỉ một người trở về là Hoàng. Với kịch bản tốt như vậy, tôi chỉ nghĩ làm sao khi bắt tay vào làm phim thì phải làm hết mình, làm trong điều kiện có thể nhưng vẫn tìm được những gì hấp dẫn nhất và sinh động nhất để khán giả đồng cảm với mình.

Kịch bản lận đận như vậy, khi làm phim anh gặp khó khăn gì không?

"Dù là phim thì cũng phải như thật, tôn trọng sự thật. Những bộ phim chiến tranh nước ngoài dựng theo sự thật của chiến tranh nên được mọi người chào đón. Nó không đi vào tâm lý một chiều như phần nhiều phim của chúng ta: Anh tốt thì tốt mãi, kẻ xấu là xấu mãi. Chúng ta chưa nói được những góc khuất trong mỗi con người với những mâu thuẫn riêng, chưa nói được trong con người tốt vẫn tồn tại những cái xấu. Vì thế khán giả chán", Hữu Mười.

Ra trường quay với kinh phí hơn 5 tỉ đồng, đoàn làm phim “Mùi cỏ cháy” buộc phải “cắt” kịch bản, thu nhỏ quy mô phim. Nhiều cảnh ấn tượng trong kịch bản buộc phải thay đổi như: Cảnh tàu hỏa chuyển thư đoàn phim phải thay thế bằng cảnh ô tô nổ tung khi chuyển thư... Bởi nếu thực hiện cảnh quay trên, ê-kíp thực hiện phải có trên một tỷ đồng để giải tỏa toàn bộ ki-ốt trong phạm vi bối cảnh.

Chiến tranh là đề tài không còn được mấy đạo diễn làm phim lựa chọn, theo anh, vì sao?

Tôi lại nghĩ chiến tranh luôn là đề tài hấp dẫn không những cho khán giả, mà còn cả của người làm phim. Nhưng ở Việt Nam, hầu như đạo diễn nào cũng “sợ” đề tài này.

Vì sao ư? Lại trở về vấn đề kinh phí, lực, tài, và độ chuyên nghiệp. Như việc đánh quả nổ trong phim “Mùi cỏ cháy” sao cho gần giống như thật. Riêng chuyện đó đã là khó, bởi trình độ của người phụ trách khói lửa nước mình không thể bằng nước ngoài. Rồi thì tính toán đến độ chính xác, hiệu quả, độ an toàn… Rồi đạo cụ, hóa trang, võ thuật… những cái đó là của chuyên gia, chứ không phải của đạo diễn.

Làm một bộ phim chiến tranh, từ xe tăng, máy bay, khẩu pháo, khí tài quân sự… của ngày hôm nay đã khó, huống chi là của ngày xưa. Trong khi đó, kinh phí làm phim lại thấp. Khó đạt được độ khốc liệt. Mà chiến tranh không làm ra được sự khốc liệt thì đâu còn là chiến tranh.

Xin cám ơn anh!

Xem thêm
‘Giao hưởng Điện Biên’ ngân nga tiếng lòng văn nghệ sĩ

‘Giao hưởng Điện Biên’ là trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, ra mắt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có nhiều hình ảnh văn nghệ sĩ tham gia cách mạng.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.