| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng đến tận thôn, xóm

Thứ Hai 14/03/2022 , 15:39 (GMT+7)

Ngư dân học chứng chỉ thuyền trưởng không chỉ được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, các giảng viên còn đến tận thôn, xóm để giảng dạy.

Thông qua việc đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, ngư dân Hà Tĩnh nắm chắc Luật Thủy sản. Ảnh: Thanh Nga.

Thông qua việc đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, ngư dân Hà Tĩnh nắm chắc Luật Thủy sản. Ảnh: Thanh Nga.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 3.600 tàu thuyền đăng ký hoạt động. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15 m trở lên 115 chiếc; tàu từ 12 m – 15 m có 636 chiếc; số còn lại là tàu có chiều dài dưới 12 m. Với đội tàu chủ yếu công suất nhỏ như trên, ngư trường khai thác hầu hết là vùng lộng, gần bờ.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ trước đến nay, ngư dân địa phương quen với việc đi biển theo kiểu “cha truyền con nối”, không chú trọng đến công tác đào tạo chứng chỉ, đăng ký giấy phép hay ghi nhật ký khai thác.

Sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vào tháng 10/2017, cơ quản lý nhà nước ở Hà Tĩnh đã “mạnh tay” triển khai nhiều giải pháp khắc phục tồn tại nhằm chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”.

Cụ thể, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2017 – 2020 theo Nghị quyết 32 và Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Thủy sản phối hợp các huyện, thị xã, thành phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động ngư dân hoàn thiện chứng chỉ thuyền trưởng.

Các lớp học đều thu hút được đông đảo ngư dân tham gia. Ảnh: Thanh Nga.

Các lớp học đều thu hút được đông đảo ngư dân tham gia. Ảnh: Thanh Nga.

Chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết để được cấp giấy phép khai thác. Hơn nữa thông qua khóa học, ngư dân nắm rõ các  quy định của Việt Nam, các nước trong khu vực về ngư trường khai thác; cách nhận biết tàu cá vi phạm thông qua màu sơn… từ đó phối hợp cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm kịp thời.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân, Chi cục Thủy sản đã mời giảng viên về tận thôn, xóm tổ chức giảng dạy, thời gian học vào những ngày biển động hoặc mùa mưa bão, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

“Trước đây ngư dân phải khăn đùm khăn gói lên tỉnh học nhưng 3 năm qua không chỉ được nhà nước hỗ trợ học phí 100% (từ 4 – 5 triệu đồng) mà còn tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở nhờ việc đào tạo ngay tại địa phương”, ông Hoàng nói.

Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 32 và Nghị quyết 123, từ năm 2012 – 2018 Hà Tĩnh cũng lồng ghép một số chính sách, hỗ trợ đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho khoảng 1.100 ngư dân.

Hiện việc đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng không chỉ học viên lớn tuổi tham gia mà còn thu hút nhiều thuyền viên trẻ đăng ký. Tại một số xã, ban đầu đơn vị dự định mở một lớp nhưng số lượng ngư dân đăng ký lớn nên phải tăng lên 2 – 3 lớp.

Về kết quả đào tạo, năm 2019 có 453 ngư dân ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, thị xã Kỳ Anh được đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng.

Năm 2020 đào tạo được 350 ngư dân ở các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, với số tiền gần 870 triệu đồng. Năm 2021 tổ chức 3 lớp ở huyện Kỳ Anh, đào tạo cho 105 ngư dân, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 320 triệu đồng.

Ngư dân Nguyễn Tuyến (SN 1990), xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân chia sẻ, từ đời cha ông đi biển đều không có chứng chỉ thuyền trưởng, tàu cá cũng không xin cấp phép khai thác vì chỉ đánh gần bờ. Năm 2021, sau khi tham gia khóa học chứng chỉ thuyền trưởng bản thân anh mới nhận thức rõ lâu nay cha ông vươn khơi là sai quy định, thiếu nhiều điều kiện bắt buộc.

Chứng chỉ thuyền trưởng là điều kiện tiên quyết để tàu cá được cấp giấy phép khai thác. Ảnh: Thanh Nga.

Chứng chỉ thuyền trưởng là điều kiện tiên quyết để tàu cá được cấp giấy phép khai thác. Ảnh: Thanh Nga.

“Sau 15 ngày chăm chú nghe giảng tôi được cấp chứng chỉ thuyền trưởng. Hiện tại tôi vẫn đi biển cùng người thân nhưng về lâu dài tôi tính làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Nếu trúng đơn, tôi nghĩ với chứng chỉ này mức thu nhập của tôi sẽ cao hơn so với người không có chứng chỉ”, anh Tuyến nói thêm.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.