| Hotline: 0983.970.780

Đâu là giải pháp căn cơ đối phó khô hạn Tây Nguyên

Thứ Sáu 21/04/2017 , 09:30 (GMT+7)

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết...

Một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn. Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình hình khô hạn mới diễn ra cục bộ, chưa đến mức báo động như các năm trước, nhất là 2016. Đây là quy luật thường diễn ra ở Tây Nguyên vào thời gian cuối mùa khô.

17-20-56_ong-nguyen-vn-tinh
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT)

Đề cập đến một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên, ông Tỉnh cho biết: Ở khu vực này, diện tích cây trồng được tưới chủ động từ các hệ thống công trình thủy lợi chỉ khoảng hơn 30% diện tích, 70% diện tích còn lại sử dụng nguồn nước từ sông, suối tự nhiên, nước ngầm..., nguồn nước này phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa.

Trong khu vực, mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Do vậy, những năm lượng mưa mùa khô thấp, hạn hán thường xuất hiện vào thời điểm cuối mùa khô (tháng 3, tháng 4). Năm 2017, một số nơi ở phía bắc Tây Nguyên có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40% nên đã xảy ra hạn hán.

Đặc biệt lưu ý trong năm 2017, hiện tượng El Nino khả năng quay lại, có thể gây thiếu hụt lượng mưa ở giai đoạn cuối mùa, lượng nước đến hồ bị thiếu hụt.

Vấn đề lúc này là giải pháp. Theo ông, ngành Thủy lợi sẽ tham mưu như thế nào cho Bộ NN-PTNT trong các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất cũng như đời sống người dân vùng này?

Đó là tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Bám sát địa bàn, tham mưu văn bản kịp thời để Bộ và Chính phủ có chỉ thị, chỉ đạo. Với tinh thần đặt ra cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo sớm là yếu tố quan trọng giúp cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp có hiệu quả. Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên “Dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước các lưu vực sông”. Trong đó có khu vực Tây Nguyên, thông tin dự báo được cập nhật liên tục ít nhất mỗi tuần 1 lần.

Tăng cường tích nước tối đa ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đồng thời các khu vực có thể bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cần phối hợp xây dựng kế hoạch điều tiết hợp lý, bảo đảm nguồn nước cung cấp cho các vụ sản xuất trong năm.

Trên cơ sở việc kiểm đếm nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng cần được bố trí phù hợp với điều kiện nguồn nước. Trong đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn. Giải pháp này giúp giảm thiệt hại cho người dân do không phải chi phí sản xuất.

Thực hiện các giải pháp dẫn nước, trữ nước, tiết kiệm nước và ưu tiên phân phối nước, tăng cường nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước. Tăng cường các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (ướt - khô xen kẽ, nông - lộ - phơi, phun mưa, nhỏ giọt...). Tính toán nâng giá nước phù hợp để xã hội hóa sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt và chống thất thoát, lãng phí nước.

Năm 2017, một số nơi ở phía bắc Tây Nguyên có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40% nên đã xảy ra hạn hán. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi được biết, mạch nước ngầm của Tây Nguyên có xu hướng xuống thấp, trong khi lượng mưa dự báo sẽ giảm và nguy cơ El Nino sẽ tái xuất hiện. Vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ có khả thi và bền vững để giải quyết vấn đề khô hạn ở Tây Nguyên?

Theo tôi để phát triển bền vững, việc khai thác nước ngầm phục vụ SXNN cần được hạn chế. Trong đó giải pháp căn cơ lâu dài chính là cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước... Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước.

“Tưới nhỏ giọt là một hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, có thể tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống, đồng thời giúp giảm lượng phân bón, công lao động và tăng năng suất cây trồng. Do vậy, đây là giải pháp được khuyến khích áp dụng trên diện rộng”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.

Trong quy hoạch thủy lợi, cần tính đến giải pháp chuyển nước đến các khu vực khan hiếm nguồn. Đồng thời, cần ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước.

Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng hiện tượng El Nino quay lại và ảnh hưởng đến nước ta, ông có khuyến cáo gì đặc biệt trong việc phòng, chống hạn hán thời gian tới?

Hầu hết các Trung tâm khí hậu lớn trên thế giới đánh giá hiện tượng ENSO đang có xu hướng chuyển từ pha lạnh sang pha nóng, xác suất xuất hiện El Nino trong mùa hè năm 2017 trên 50%. Nếu vậy, đây là El Nino xuất hiện liên tiếp ở chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện hiện tượng La Nina.

Nếu El Nino xuất hiện, khả năng sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta từ cuối năm 2017, gây trình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên từ năm 2018. Để chủ động đối phó, cần thực hiện các giải pháp đối phó ngay từ mùa mưa năm 2017, trong đó, lưu ý chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT và Bộ, ngành liên quan về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.