| Hotline: 0983.970.780

Đầu nguồn biên giới, nông dân thu 1 triệu đồng/ngày từ đánh bắt cá linh

Thứ Bảy 08/10/2022 , 15:11 (GMT+7)

An Giang Vùng đầu nguồn biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang người dân nhộn nhịp đánh bắt cá linh, mang lại nguồn thu nhập 1 triệu đồng mỗi ngày.

Nằm ở khu vực vành đai biên giới, bao đời nay mưu sinh mùa nước nổi, đặc biệt là đánh bắt cá linh đã trở thành một nghề chính trong năm của người dân xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Ngã tư Kinh Ruột trở thành địa điểm tụ tập quen thuộc của người dân vùng biên vào mùa nước nổi. Ảnh: Minh Đảm.

Ngã tư Kinh Ruột trở thành địa điểm tụ tập quen thuộc của người dân vùng biên vào mùa nước nổi. Ảnh: Minh Đảm.

Theo quy luật, hàng năm cứ vào tháng 7 âm lịch, khi nước từ đầu nguồn đổ về, bà con xã Phú Hội bắt đầu chuẩn bị lưới, dớn, xuồng ghe để bắt đầu hành trình đánh bắt cá linh và các loài thủy sản khác. Mùa nước nổi năm nay có phần đặc biệt hơn, khi nước lũ về sớm, từ giữa tháng 6 âm lịch nước đã mấp mé các cánh đồng rồi dâng lên dần, việc giăng lưới, đặt dớn cũng mang lại nhiều nguồn lợi hơn.

Nông dân Nguyễn Văn Phương phấn khởi chia sẻ, chỉ trong một tuần trở lại đây, ngày nào xuồng của ông cũng thu được từ 70 – 80 kg cá linh, những ngày nước thấp sản lượng đánh bắt cá linh cũng đạt từ 40 – 50 kg/ngày, với giá cá linh hiện nay được thương lái thu mua ở mức 20.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày bà con thu được trên dưới 1 triệu đồng.

Theo lời một thương lái chuyên thu mua cá linh đã hơn chục năm ở xã Phú Hội, nhờ những “đặc sản trời cho” này đã mang lại cuộc sống ổn định, thu nhập bền cho bà con trong vùng. Mùa nước nổi năm nay bà con thu lời cao, mỗi ngày trung bình anh thu mua cả tấn cá linh để bán cho các vùng miệt dưới như TP Long Xuyên, các chợ ở tỉnh Vĩnh Long hay TP Cần Thơ. Nói về cái nghề “khi không mà có” này, thương lái này khẳng định chắc nịch đó là do “yêu đồng”, nên cứ vào mùa nước nổi, bà con nông dân đổ xô đi làm, làm nghề đồng vui lắm.

Trung bình mỗi ngày, mỗi ghe đánh bắt từ 70 – 80 kg cá linh, thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Ảnh: Kim Anh.

Trung bình mỗi ngày, mỗi ghe đánh bắt từ 70 – 80 kg cá linh, thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Ảnh: Kim Anh.

Thời tiết những ngày gần đây ở ĐBSCL mưa liên tục, nhưng tại ngã tư Kinh Ruột của ấp Phú Thuận lại khá sôi động, bà con tập trung lại để mua bán các mặt hàng thủy sản thu được sau một ngày lao động. Địa điểm này đơn thuần chỉ là nơi bà con tụ lại với nhau trong mùa nước nổi, không phải chợ, nhưng tuổi đời của nó lại không thua kém gì những ngôi chợ truyền thống lâu đời, lên tới gần 30 năm.

Không chỉ người dân địa phương, nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận vào mùa nước nổi cũng đưa xuồng ghe lên tận vùng biên giới này để mưu sinh. Cần mẫn hơn có nông dân từ 12 giờ sáng đã thức dậy đi dỡ dớn cho kịp giờ thương lái tới mua, thậm chí còn ngủ lại trên xuồng, trên đồng nước mênh mông để canh dớn.

Trung bình mỗi năm, mùa nước nổi mang lại thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng cho mỗi hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Trung bình mỗi năm, mùa nước nổi mang lại thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng cho mỗi hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Gàng, Phó Trưởng ấp Phú Thuận, xã Phú Hội bộc bạch, toàn ấp hiện có hơn 650 hộ dân, trong đó có tới 170 hộ do không có ruộng đất canh tác nên phải đi làm ăn xa ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Tới mùa nước nổi bà con lại quay về để bắt đầu sinh kế, kiếm thêm thu nhập trong 6 tháng mùa nước nổi. Trung bình mỗi năm, lợi nhuận bà con thu được từ mùa nước từ 50 triệu đồng, thậm chí trên cả trăm triệu đồng.

Ngoài giăng lưới, đặt dớn, người dân vùng biên còn kiếm thu nhập từ việc hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước hay làm khô, làm mắm để tăng thêm nguồn thu nhập. “Nhờ mùa nước nổi, nếu không cuộc sống của bà con khó khăn lắm, nước lũ về sớm bà con rất phấn khởi. Hàng năm nước lũ về thấp, thu nhập không cao, bà con phải đi làm ăn xa để trang trải cuộc sống”, ông Gàng chia sẻ.

Ngoài cá linh, mùa nước nổi cũng mang đến cho xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang nhiều nguồn lợi thủy sản khác. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài cá linh, mùa nước nổi cũng mang đến cho xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang nhiều nguồn lợi thủy sản khác. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê, toàn xã Phú Hội hiện có trên 2.600 hộ dân, khoảng 40% trong tổng số hộ chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi. Chính quyền xã Phú Hội cũng triển khai một số chương trình hỗ trợ tín dụng, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang bị phương tiện, ngư cụ đánh bắt thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN-PTNT), nhận định lũ năm 2022 ở khu vực ĐBSCL, đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào trung tuần tháng 10, tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 - 3,7 m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 0,7 - 0,9 m. Còn đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 3,0 - 3,2 m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,4 - 0,6 m. Tại các huyện đầu nguồn như: An Phú, Phú Tân, TX Tân Châu của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, mực nước lớn nhất dự báo từ 3,0 – 4,2 m.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.