Theo đó, trong số 197 TTT, có 65 TTT (đợt 1) đã kết thúc hợp đồng lao động (HĐLĐ). Trong số này, hiện có 44 TTT được Sở Nội vụ đề xuất BQL Đề án 01 giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, số còn lại đã trúng tuyển công chức cấp xã.
Quyết định tuyển dụng trí thức trẻ |
Được biết, theo HĐLĐ thì thời gian công tác của TTT đợt 1 tại cơ sở đã kết thúc từ 30/4 vừa qua. Nhưng đến nay, tương lai của TTT vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi Sở Nội vụ chưa có thông báo bằng văn bản cho TTT biết về tương lai của họ.
Chị Phạm Thảo Nguyên, công tác tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết, hiện Sở Nội vụ vẫn chưa mời chị đến bàn bạc. “Nếu có chấm dứt HĐLĐ thì phải giải quyết chế độ, chính sách cho em theo quy định. Đã 3 tháng, kể từ ngày kết thúc HĐLĐ nhưng em vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp nào”, chị cho biết.
Ngoài các khoản phụ cấp mà chị được hưởng theo HĐLĐ sau khi kết thúc, thì Sở Nội vụ còn nợ chị, cũng như nhiều TTT khác một năm chế độ phụ cấp dành cho người công tác tại xã khó khăn, bãi ngang, ven biển năm 2016.
Chị Trần Thị Xa, TTT công tác tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, cho rằng, sở dĩ đề án không mang lại hiệu quả là do một phần từ cơ sở. Khi đăng ký danh mục các vị trí còn thiếu để bổ sung TTT thì cơ sở tưởng rằng TTT về giúp việc mà không cần trả lương. Mục đích của đề án, ban đầu là tăng cường TTT về những vị trí còn thiếu. Từ đó, sẽ tạo điều kiện để họ phấn đấu vào biên chế.
Chị Trần Thị Xa (trái) trong chuyến đi thiện nguyện |
“Nhưng thục tế có xã không hề thiếu cán bộ. Nhiều TTT khi về nhận nhiệm vụ, không được phân công đúng chuyên môn, nên không có cơ hội để chứng minh năng lực”, chị Xa nói.
Khi tham gia đề án, thông qua giới thiệu của cán bộ đề án về một tương lai tốt đẹp, nên các TTT đã đặt niềm tin. Thậm chí, có người nói, TTT sẽ là cán bộ kế thừa, tạo nguồn sau này. Giờ thì các TTT đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Mất thời gian, giờ họ lại tìm kiếm việc làm từ đầu.
Anh Nguyễn Văn Miên, TTT công tác tại xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, cho biết, Đề án 01 được tỉnh bỏ ra số tiền rất lớn đầu tư, nghiên cứu và vạch ra mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không như mong đợi.
Anh Miên đánh giá, BQL đề án đã thiếu sự quan tâm, sâu sát đối với TTT. Lẽ ra, việc bố trí, sắp xếp TTT sau khi kết thúc HĐLĐ phải được họ bàn bạc, đưa ra quyết định trước đó. Nhưng đến giờ đề án kết thúc gần 3 tháng mà vẫn chưa tìm ra giải pháp là quá lúng túng.
Anh Nguyễn Văn Miên (thứ 4, từ phải sang) đi tặng quà cho hộ nghèo |
Một số TTT băn khoăn về cơ chế chính sách. Theo họ, TTT dù có phấn đấu hay không thì cũng được kết thúc hợp đồng. Ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những ai còn hạn chế năng lực, cuối cùng đều như nhau là cào bằng. Được biết, dù đã kết thúc HĐLĐ nhưng một số TTT vẫn bám trụ với cơ sở, để làm việc và hưởng lương bán chuyên trách, nhưng các bạn vẫn làm.
“Hiện tại, đợt 1 của đề án đã kết thúc, nhưng các TTT ở giai đoạn 2, 3 vẫn đang công tác. Việc kết thúc hợp đồng, sẽ gây ra nhiều bất lợi cho số TTT còn lại. Họ sẽ giao động, không tiếp tục phấn đấu. Vì theo họ, có phấn đấu, có cống hiến thì cuối cùng cũng phải thôi việc sau 5 năm công tác”, anh Miên nói.
Ông Huỳnh Ngọc Sang, PGĐ Sở Nội vụ Cà Mau: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp và mời các TTT cùng ngồi với BQL Đề án trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ. Qua đó, tìm ra hướng giải quyết”. |