| Hotline: 0983.970.780

Đi bằng đôi chân mình: Lấy đức làm đầu

Thứ Tư 21/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

“Tôi rút ra, chính bố mẹ là tấm gương soi cho con cái. Có thể nói dối người ngoài được nhưng bố mẹ không thể nói dối con cái trong nhà...”. Đó là chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Bích Thuận./ Cha con cùng cố gắng

Bà là người bạn đời của ông Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Vị Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an, năm nay 94 tuổi song trò chuyện vẫn cứ sang sảng và đầy dí dỏm.

Không cậy thế cán bộ cao cấp

Khi còn công tác, bà luôn bận rộn, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Đảng và Nhà nước, bà vừa dành thời gian chăm sóc con cái. Còn ông, toàn bộ thời gian dành cho công tác chuyên môn, không biết việc nhà.

Khi tôi hỏi, bà có khi nào phải can thiệp vào việc học hành của các con hay không? Bà Bích Thuận dứt khoát: “Cả đời tôi lẫn đời các con, tôi chưa bao giờ đến nói với thầy xin điểm. Các con tôi ở lớp đã học giỏi rồi, thi điểm lại cao. Đến nỗi Bộ Giáo dục họ còn nói rằng các cháu muốn ở bên quân đội hay sang học ở Đại học Bách khoa, đi đâu cũng được”.

Bà Bích Thuận kể lại, chăm chỉ học tập là truyền thống của gia đình, của dòng họ cả hai bên. Bản thân bà, làm đến Cục phó vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị. Vừa nuôi con, vừa đi làm, bà vẫn theo học tại trường cán bộ Bổ túc Công nông. Tối về, bên ngọn đèn dầu, người mẹ ấy lại ngồi vào bàn học bài như bao học trò khác, khi giường bên, các con đã yên giấc ngủ.

Trong ký ức của bà, tự lập, tự học là đức tính từ nhỏ. Đến nay bà Bích Thuận vẫn nhớ lời cha dạy: “Con chịu khó học đi, bố sẽ lo cho con học. Con gái cũng phải học, phải có kiến thức thì sau này chồng nó khỏi khinh”.

Học xong trường Lò Đúc, thi vào trường Đồng Khánh, cụ thân sinh sợ sức học của con không thi nổi, đã có ý muốn nhờ người tác động. “Bố đừng nói gì cả, cứ để con thi”. Thương con, cụ mắng: “Mày giỏi, mày tự ái, mày không cần nhờ ai”. Tư tưởng và suy nghĩ tự lập ấy của người mẹ đã truyền lại cho các con sau này.

Nhớ lại những năm tháng đất nước khó khăn, trong gia đình đã có hai người con được cử đi học ở nước ngoài, một người do quân đội cử đi và một người do Bộ Giáo dục cử. Mấy năm sau, người con trai thứ của bà, thi đỗ điểm cao, tới 27 điểm, vượt chỉ tiêu đi học nước ngoài. “Có người đi tố giác con tôi đi học nước ngoài ngoài vượt tiêu chuẩn, yêu cầu Bộ Giáo dục rút hồ sơ của cháu về”.

img-5879174550379
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận

Ông Lê Văn Lương (1912-1995), quê xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1948 đến khi nghỉ hưu, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội… Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và đặt tên đường phố tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Lần đầu tiên bà đến gặp lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục để hỏi tiêu chuẩn đi nước ngoài của sinh viên là như thế nào? Khi biết tiêu chuẩn của quân đội riêng và tiêu chuẩn của hệ dân sự riêng, bà để nghị ai đã rút hồ sơ thì hoàn trả trở lại để con mình tiếp tục đi học.

“Vì sao vậy? Vì tôi có thế. Thế của tôi không phải thế của cán bộ cao cấp đâu mà thế của tôi là lực học của các con và thế nằm trong tiêu chuẩn được phép của Nhà nước dành cho mọi sinh viên chứ không phải cậy cục ai”.

Dạy con lấy đức làm đầu

Bà Bích Thuận luôn quan tâm đến con dù con không ở trước mặt mình nhưng đường đi nước bước của các con bà đều theo dõi. “Tôi theo dõi để hướng dẫn, dìu dắt cho con. Tôi muốn xem con làm tốt hay con làm chưa tốt. Có người con lâu không được vào Đảng, tôi hỏi, tại sao chưa được vào? Tôi hỏi xong, rồi động viên con tiếp tục phấn đấu, chứ tôi cũng không can thiệp với tổ chức”.

Được nuôi dạy trong một gia đình giáo dục phong kiến nền nếp gia phong, và lại được gần Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, bà Bích Thuận chia sẻ rằng phải hết sức giữ gìn uy tín của người cán bộ cách mạng.

Bà kể lại rằng, khi có đợt tuyển quân ở miền Bắc vào miền Nam đánh Mỹ, các con bà xung phong đăng ký. Ông bà đều đồng ý. Ông Lê Văn Lương chỉ dặn con một câu: Bố đồng ý để con đi. Nhưng con đừng làm “Hà chuồn” nhé. Kể ra xa con như thế thì tôi cũng buồn, nhưng tôi vẫn tự động viên con: Thôi con cứ đi đi”.

17-36-16_nh-1
Gia đình ông Lê Văn Lương vào thăm nhà sàn Bác Hồ (1980)

Động viên con như vậy mà trong lòng bà cũng lo sợ bom đạn ngoài chiến trường đâu có kiêng nể gì ai. “Người mẹ nào cũng lo lắng cho con như vậy. Song anh Lương vận động thêm công tác tư tưởng với tôi: Mình có 3 con trai, nếu mình không cho con đi bộ đội thì ai cho con đi?”.

Đất nước thống nhất, dù là cán bộ cao cấp của Đảng, thấy con cái đi làm vất vả, tuy nhiên không khi nào ông bà tác động để luân chuyển công việc cho con.

“Tôi không cậy mình dễ quen, dễ gặp với các anh lãnh đạo cao cấp, còn nhà tôi, không bao giờ anh Lương nói một câu nào. Anh Lương không bao giờ xin cho bất cứ người con nào hết. Tổ chức phân đâu thì con cái đi đấy. Rất thương con nhưng một điều đặc biệt mà tôi hiểu anh. Trong đầu anh luôn nghĩ tới công việc của đất nước mà không hề biết vun vén cá nhân. Có những bữa cơm gia đình, các con tôi hỏi một đằng, anh trả lời một nẻo, khiến cả nhà cười ồ lên.

Còn tôi, giữa hai khía cạnh đức với tài thì tôi lại dạy các con sống lấy đức làm đầu, rồi mới đến tài, có như thế, trong đời sống mới vững bền. Tôi tự giác ngộ cách mạng nên cũng có được ý thức tự thâm tâm chứ không phải theo trào lưu. Nhờ đó, con cái tôi cũng theo gương cha mẹ”.

Năm người con của ông bà Lê Văn Lương, mỗi người một công việc khác nhau nhưng đúng như bà tự hào về đạo đức “Cha nào con đấy”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm