Dịch vụ xét nghiệm nhanh mỗi nơi một giá khiến dư luận bất bình, từng bước được các cơ quan quản lý nghiêm túc chấn chỉnh. Dịch vụ xét nghiệm nhanh được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt bảng giá công khai từ cuối tháng 10/2021, nhằm ổn định thị trường khá nóng bỏng này. Thế nhưng, tại Bệnh viện Gò Vấp – TP.HCM vẫn sử dụng nhiều chiêu trò để thu thêm phí cao hơn bảng giá niêm yết.
Liên tục những đầu tháng 11/2021, chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ người dân bức xúc về giá thu phí dịch vụ xét nghiệm nhanh của Bệnh viện quận Gò Vấp. Theo bảng giá do Sở Y tế TP.HCM phê duyệt dành cho 52 cơ sở y tế công lập được thực hiện dịch vụ xét nghiệm nhanh, thì Bệnh viện quận Gò Vấp thu phí 99, 750 nghìn đồng cho mỗi trường hợp. Cái giá của Bệnh viện quận Gò Vấp đã cao hơn so với Bệnh viện Nhân dân115 (60, 345 nghìn đồng) Bệnh viện Nhân dân Gia Định (73 nghìn đồng) hoặc Bệnh viện Quận 1 (83 nghìn đồng).
Vậy mà, Bệnh viện quận Gò Vấp lại thu phí 206 nghìn đồng cho mỗi dịch vụ xét nghiệm nhanh. Ở một địa bàn dân cư chủ yếu là người lao động đang gặp khó khăn vì Covid-19, vì sao Bệnh viện quận Gò Vấp lại thản nhiên thu phí xét nghiệm nhanh gấp đôi bảng giá phê duyệt của Sở Y tế TP.HCM?
Sáng 4/11, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện quận Gò Vấp để đăng ký dịch vụ xét nghiệm nhanh. Nhân viên y tế hỏi: “Để đi lại hay khám bệnh?”. Tò mò: “Có khác nhau về mức phí không?”. Trả lời: “Không”.
Không cần thăm khám gì, nhân viên y tế phát cho một “Phiếu yêu cầu xét nghiệm”. Phần chẩn đoán, ghi: Covid-19 nghi ngờ hoặc có thể (chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định SARS- CoV-2). Phần dịch vụ, ghi: Xét nghiệm vi khuẩn/virus/ vi nấm/ ký sinh trùng.
Thủ tục tiếp theo, dĩ nhiên là nộp tiền. Nhân viên thu ngân in hai tờ hóa đơn. Một tờ hóa đơn ghi “Thu phí xét nghiệm 125 nghìn đồng” và một tờ hóa đơn ghi “Thu phí dịch vụ 81 nghìn đồng”.
Chúng tôi thắc mắc: Bảng giá do Sở Y tế TP.HCM phê duyệt thì ở đây thu phí dịch vụ xét nghiệm nhanh chỉ 99, 750 nghìn đồng. Trong phí xét nghiệm thì đã có phí của kit test nhanh và phí dịch vụ, tại sao còn thu thêm phí dịch vụ 81 nghìn đồng? Nhân viên thu ngân không giải thích, chỉ sẵn giọng: “Đồng ý giá này thì làm, không thì thôi”.
Ở hàng ghế ngồi chờ lấy mẫu xét nghiệm nhanh, nhiều khách hàng cũng bày tỏ bất bình với mức thu phí dịch vụ của Bệnh viện quận Gò Vấp. Một bà cụ tay xách túi quà cứu trợ dành cho người nghèo bị ảnh hưởng Covid-19 vừa đi nhận ở Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp gần đó, sẵn tiện qua đây làm dịch vụ xét nghiệm nhanh, thổ lộ: “Ngày mai tui đi nhận công việc o-sin, chủ nhà đòi có kết quả âm tính. Sao mà phí xét nghiệm đắt dữ, bằng giá trị cả túi quà mà Nhà nước cứu trợ cho tui”.
Còn một ông cụ cho biết đang cư ngụ ở quận Tân Bình, nhưng thấy niêm yết dịch vụ xét nghiệm nhanh của Bệnh viện quận Gò Vấp rẻ hơn 35 nghìn đồng so với Bệnh viện quận Tân Bình, nên lặn lội sang đây với mong muốn tiết kiệm chút tiền mua quà để ngày mai về quê Sóc Trăng thăm cháu. Ông cụ thở dài ngao ngán: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Khi đại dịch toàn cầu xuất hiện tại Việt Nam, Bệnh viện quận Gò Vấp từng xảy ra sự cố chấn động dư luận là ông Phạm Hữu Quốc --Giám đốc đơn vị, đã bị phanh phui hành vi thu gom số lượng lớn khẩu trang y tế để bán ra nước ngoài. Ngày 18/5/2020, ông Phạm Hữu Quốc đã bị cách chức Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp. Suốt một năm, Bệnh viện quận Gò Vấp không có giám đốc. Ngày 20/5/2021, bác sĩ chuyên khoa 2 – Hồ Văn Hân từ vị trí Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp.
Chúng tôi gọi điện thoại cho ông Hồ Văn Hân, để tìm hiểu nguyên nhân Bệnh viện quận Gò Vấp thu phí cao hơn bảng giá phê duyệt của Sở Y tế TP.HCM, nhưng không liên lạc được.
Chúng tôi vào trang web của Bệnh viện quận Gò Vấp. Dù mã vùng điện thoại của TP.HCM đã chuyển thành (028) từ lâu nhưng họ vẫn để nguyên (08) và cả hai số đường dây nóng 35891799 và 38942641 đều... nguội, vì không có ai bắt máy.
Như vậy, băn khoăn về chiêu trò công khai nâng mức giá dịch vụ xét nghiệm nhanh ở Bệnh viện quận Gò Vấp, xin nhường cho sự giám sát và kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM. Không lẽ cái bảng giá phê duyệt của Sở Y tế TP.HCM để áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, chỉ là chuyện “thừa giấy vẽ voi”?