Ngày 15/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ "Sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu".
Theo thống kê sơ bộ năm 2023, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt 10.309ha, tăng 4.170ha so với năm 2022; diện tích cho sản phẩm năm 2023 ước khoảng 4.105ha.
Nguyên nhân diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông tăng nhanh trong thời gian gần đây là do sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; giá sầu riêng năm 2023 ở mức cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác đã thúc đẩy người dân chủ động chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp.
Ông Phan Viết Cường (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) cho biết, hiện nay năng lực chuyên môn về mã số vùng trồng của một số cán bộ địa phương còn hạn chế nên việc cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói còn gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm đến cấp mã mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp.
Theo ông Cường, yêu cầu của mã số vùng trồng sầu riêng là diện tích đủ 10ha trồng thuần trở lên, nhưng thực tế hiện nay diện tích trồng của hộ dân nhỏ lẻ, manh mún nên việc liên kết trong sản xuất tạo thành vùng nguyên liệu lớn còn hạn chế.
“Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân và doanh nghiệp còn chưa bền, không chặt chẽ, hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Giữa người dân và doanh nghiệp ít có sự ràng buộc nên việc bẻ cọc, phá hợp đồng còn xẩy ra phổ biến. Việc này ảnh hưởng đến cả người dân và doanh nghiệp. Do đó cơ quan chức năng cần có những biện pháp để xử lý triệt để”, ông Cường nói.