| Hotline: 0983.970.780

Đời mà, buồn nhiều hơn vui, để các con lớn lên bình thường!

Thứ Tư 08/08/2018 , 06:50 (GMT+7)

Đàn ông Việt Nam nói riêng, đàn ông châu Á (hệ văn hóa Trung Hoa) nói chung hay có máu đỏ đen. Cô thậm ghét loại này nhưng nhìn quanh, vẫn thấy có quá nhiều người tai vạ...

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là độc giả lâu năm của Báo NNVN. Nhờ những câu chuyện và tư vấn của cô trong chuyên mục mà cháu hiểu hơn về cuộc sống. Giờ đến lượt cháu.

Thứ nhất về chồng cháu. Chúng cháu lấy nhau được 7 năm, có 2 con gái. Vợ chồng cùng đi làm, lương phập phù, nhưng nhờ tiết kiệm (của cháu) và sự giúp đỡ của bên ngoại mà chúng cháu đã có nhà đất. Anh là người chồng, người cha cơ bản tốt nhưng có tật bài bạc, tuy không phải đánh lớn nhưng số tiền cộng dồn thành ra nhiều.

Anh làm lái xe, hàng tháng ứng tiền xăng xe của công ty rồi số tiền ứng vượt khả năng thanh toán. Lần thứ nhất cháu đã bỏ 30 triệu để hoàn nợ cho anh. Tiếc đứt ruột cô ơi. Đợt đó cháu đã làm căng với anh và chồng đã hứa thay đổi.

Rồi công ty thu gọn, thắt chặt, anh kiêm luôn bảo vệ, lương thấp còn thường xuyên bị trừ lương. Rồi anh bàn với cháu vay mượn ngân hàng mua chung với người anh họ xe tải loại lớn chạy hàng. Thấy anh tha thiết cháu đồng ý, bởi anh chuẩn bị xin nghỉ việc ở công ty.

Cháu kiểm tra công nợ của anh thì phát hiện khoảng 20 triệu anh không có khả năng hoàn ứng. Nghĩa là chúng cháu lại phải bỏ ra chừng ấy tiền để trả nợ nữa. Ngoài những khoản ấy, anh còn làm mất lặt vặt, gom lại thì cũng không nhỏ. Cháu buồn, thất vọng và chán cô ơi.

Thứ hai là về mẹ chồng. Bố chồng mất đã 21 năm qua, sau chồng cháu còn 3 em (đứa có gia đình, đứa làm ăn xa). Mẹ ở nhà một mình, còn trẻ khỏe, bà chủ yếu trồng rau bán. Cháu chưa thấy ai như mẹ chồng cháu. Một người ít nói nhưng lại khó chịu, vô tâm.

Quan điểm của bà là đứa nào thì tự đứa nấy lo thân. Nhưng cách bà thể hiện quan điểm cháu hãi. Từ khi chúng cháu cưới nhau, sinh con và mua đất xây nhà bà không hề hỏi han, chứ nói gì chuyện giúp đỡ. Cháu biết bà vất vả, không có tài chính và cháu cũng không mong gì.

Hai đứa con của cháu đều phải thuê người trông, thỉnh thoảng có bà ngoại phụ. Nhưng bà nội không bao giờ hỏi han con cháu sống thế nào, ra sao, mà lại rất hay trách móc cháu chuyện tiền nong.

Giờ chúng cháu đang nợ số tiền lớn để mua xe, chồng đi vắng suốt theo những chuyến hàng. Cháu muốn bà xuống giúp trông đứa nhỏ ít tháng rồi mới gửi trẻ nhưng nghe chừng khó quá. Trước, phải năn nỉ năm lần bảy lượt bà mới xuống, ít bữa đã muốn về, lần sau mà nhờ là nhất định bà không đi nữa.

---------------------

Cháu thân mến!

Đàn ông Việt Nam nói riêng, đàn ông châu Á (hệ văn hóa Trung Hoa) nói chung hay có máu đỏ đen. Cô thậm ghét loại này nhưng nhìn quanh, vẫn thấy có quá nhiều người tai vạ vì lỡ dính đỏ đen. Những người trong gia tộc vẫn không thoát.

Ban đầu cô cũng cho họ là người tốt, sau nghĩ lại, tốt mà vậy ư, rồi lại nghĩ tốt mà, cơ bản tốt, âu cũng là khiếm khuyết trong di truyền, trong máu, trong mặt tối của văn hóa cũ mà thôi.

Với một người chồng bấp bênh, cháu phải luôn chắt lót là đúng. Mà với ai thì người vợ cũng phải cần kiệm chắt lót. Kinh nghiệm của cô, đồng lương dù thấp vẫn không nên xài đến đồng cuối cùng, vẫn phải có chút để dành khi đau ốm, khách khứa, tết nhất lễ lạt…

Nghe cháu xót mấy chục triệu đồng hoàn ứng cho chồng mà thương, mà nhớ lại thời trẻ mình phải giật gấu vá vai. Ai cũng vậy thôi cháu, bi kịch của con người là lúc ăn được thì không có mà ăn, lúc già thì có nhưng ăn không được nữa.

Và trẻ thì luôn phải thiếu nợ, do con nhỏ, do mình mới độc lập tự chủ, do xây nhà và mua sắm, lo mở mang làm ăn…Các cháu vậy là giỏi, cưới mới 7 năm, mua được đất, xây được nhà, có tiền thuê người trông con…

Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Giờ chồng đã làm ăn riêng được chứ không gắn với công ty nữa, xe hùn hạp, cậu ấy lái, hy vọng sẽ hoàn vốn nhanh và sẽ khá nhanh.

Mẹ chồng là số của mình, không thoát được, do mình chọn chồng và bà ấy sinh ra người mình chọn. Cô nghĩ bà ấy khắc khổ, lam lũ, làm rau bán thì vất vả hơn mẹ cháu, môi trường và nghề nghiệp không khiến bà ấy cởi mở, hào phóng được.

Và con đông, 4 đứa, góa sớm, quá đơn độc và khó khăn. Cộng với tính trời sinh nữa thì theo cô, hãy quên bà ấy đi, làm nghĩa vụ bình thường và không kỳ vọng. Bà ấy ngại hay không muốn lên chỗ cháu chắc cũng vì sinh hoạt của bà ấy vậy vậy, tính khí của bà vậy, khó hòa đồng, kém thoải mái, tự nhiên. Tốt nhất đừng viện bà ấy giúp, thế thôi.

Chồng và mẹ chồng làm cho sự chán của cháu ngày mỗi ứ lên. Đó là quy luật từ hy vọng chuyển sang thất vọng. Vấn đề là còn yêu nhau không, yêu thì vượt qua được, sẽ yên, sẽ bền, sẽ vững.

Bây giờ con còn quá nhỏ, để yên mọi thứ vậy đã, chồng là lái xe, xê dịch và cánh tài xế cũng hay bài bạc nọ kia. Nhà ngoại đã giúp, phải giúp nữa, có khi giúp mãi, có sao đâu, mẹ nào chả mẹ, đừng so nội ngoại mãi, rối mù ra. Vậy đi, bình tâm, hạnh phúc vừa vừa hoặc tạm chấp nhận nhau, đời mà, buồn nhiều hơn vui, để các con lớn lên bình thường.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm