| Hotline: 0983.970.780

Đôi vợ chồng không bao giờ cãi nhau

Chủ Nhật 22/09/2019 , 07:30 (GMT+7)

Trong đời sống hôn nhân, ít nhiều cũng có những lúc vợ chồng tranh cãi với nhau. Đôi khi những vụ xung khắc như vậy cũng là một cách để đấu tranh, giúp cân bằng lại cuộc sống lứa đôi.

Nhưng cũng có trường hợp hai vợ chồng dường như chẳng cãi nhau bao giờ...

Ảnh mang tính minh họa.

Từ ngày lấy Đạt cho đến nay, đã gần sáu năm qua giữa Lan và anh chỉ xảy ra cãi nhau một lần duy nhất, nhưng lần xung khắc đó không kéo dài lâu, chỉ khoảng độ vài phút và kết quả, Đạt đã toan giơ tay lên sắp sửa như muốn tát vào mặt cô.

Thấy vậy, Lan đã chủ động ngưng lại cuộc tranh cãi và vụ bạo hành ấy đã không xảy ra. Nhưng Lan biết rằng nếu cô vẫn tiếp tục không chịu thua chồng vào lúc đó, chắc chắn Đạt sẽ không nương tay. Cũng chính vì hiểu được như vậy, nên Lan cũng tính như Đạt đã từng đánh cô rồi.

Từ thuở còn ở với bố mẹ, Lan là con gái duy nhất trong gia đình có năm người con, bốn nam một nữ, chính vì vậy cô được mọi người trong nhà chiều chuộng, mấy ai dám làm phật ý cô. Ấy vậy mà bây giờ ngược lại, Đạt đối xử với cô chẳng ra gì mà cô không dám chống cự. Sở dĩ cô không dám chống lại Đạt đơn giản là vì cô sợ bị đánh. Từ bé đến lớn, Lan chưa bị roi vọt bao giờ.

Chính Đạt cũng không ngờ rằng vợ đã mau xuống nước như thế, trong khi mình chỉ mới dọa mà thôi, anh chưa toan đánh thật. Tuy nhiên, chính vì cái sợ của Lan đó, mà Đạt tự nhủ ‘lần sau sẽ đánh thật cho biết’. Kể từ đó anh hay tìm cách gây hấn với Lan, chỉ đợi cô phản kháng lại là sẽ đánh. Nhưng chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra nữa. Nhiều lần Đạt to tiếng, nhưng Lan luôn đấu dịu, nhường nhịn, nên anh ta không có cớ để gây sự.

Con hẻm nhà của Đạt và Lan bề ngang chỉ có ba mét. Hẻm nhỏ thì hầu như chuyện gì của hàng xóm đều dễ ảnh hưởng và lan tràn thông tin nhanh chóng. Trong khi ở các gia đình khác kề bên, những chuyện cơm không lành canh không ngọt hay xảy ra, có lắm chuyện và đề tài để cho mọi người đàm tiếu, nhưng nói đến nhà của Đạt thì tuyệt nhiên là không. Ban đầu Đạt còn to tiếng, nhưng sau thấy Lan không nói gì, Đạt cũng không dám lớn tiếng nữa, y sợ mang tiếng với hàng xóm. Y chỉ lầm lì tự động làm việc, tự quyết định hết mọi việc lớn nhỏ, và gạt Lan qua một bên, không cần hỏi ý kiến lấy một câu.

Vì thế hai vợ chồng được tiếng là hòa thuận, hôm bà tổ trưởng đến trao cho Lan bằng khen gia đình văn hóa, bà ta đã hết lời khen gia đình của cô xứng đáng là mái ấm mẫu mực điển hình, có lúc lại còn vui miệng hỏi thăm xem bao giờ vợ chồng cô có tin vui.

Tính ra điều đó cũng là nỗi ưu tư của Đạt và Lan trước kia, nhưng bây giờ đối với cô đã không còn quan trọng nữa. Đạt đã từng đưa cô đi bác sĩ sản khoa khám bệnh, bác sĩ nói lỗi hiếm muộn có thể là về phía Lan, bảo rằng vì cô sức khỏe kém.

Chuyện sức khỏe có thể không quan trọng bằng chuyện mặn nồng, mối quan hệ gắn bó ngày mới yêu nhau của họ cho đến bây giờ đối với Lan đã trở thành nguội lạnh. Cô cảm thấy chán ghét chồng. Một mặt cô cố gắng đối xử nhún nhường với Đạt cho êm cửa êm nhà, một mặt cô cứ ôm mối u uất vì bị Đạt đè nén, bắt nạt đã lâu ngày. Quan hệ chăn gối vì thế chỉ là hình thức, đúng hơn là Lan chiều chồng cho xong mà thôi. Nhưng Đạt dường như đã nhận ra điều đó, anh ta kiếm cớ chì chiết vợ, Lan chỉ biết khóc thầm.

Cho đến bây giờ Đạt không còn chút nể nang nào đối với vợ. Chuyện gì tới cũng đã tới, đó là lúc Lan cảm nhận được bản thân cô dẫu có mặt ở trong nhà cũng như không có, nghĩa là cô đã trở thành “vô hình” trong mắt của Đạt. Lan cảm thấy cuộc hôn nhân của cô sẽ không thể kéo dài, chỉ chưa biết là nó sẽ kết thúc lâu mau mà thôi.

Trong bụng đã trút hết tội vô sinh cho vợ, Đạt bắt đầu đi ngoại tình. Cũng không ai táo tợn như anh ta, đi làm về đến nhà, anh ta nói chuyện điện thoại hẹn hò với người tình công khai, mặc cho có Lan đang ngồi gần bên.

Khi Lan đề nghị hai vợ chồng ly hôn, Đạt cũng chỉ đợi có chừng đó. Mong mỏi còn chưa được, Đạt nhiếc móc chiếu lệ mấy câu, đổ hết lý do vợ chồng chia tay là do vợ. Lan cũng chẳng buồn cãi lý. Hai người chia tay, ngôi nhà đang ở cũng bán rồi chia đôi.

Sáu tháng sau khi hai người chính thức ly dị, Lan hay tin Đạt tổ chức đám cưới với cô gái kia. Vợ mới của Đạt nhà giàu có hơn nhà anh ta nhiều, họ lấy nhau xong, hơn nửa năm là vợ Đạt đã sinh con gái. Trái với khi ở với Lan, sống bên vợ mới, trăm sự Đạt đều nhịn nhục vợ, lắm khi vợ mắng nhiếc đay nghiến, Đạt vẫn xử sự nhún nhường. Trong bụng anh ta rất căm, bởi vì anh ta không thể nặng lời với cô như đã từng bắt nạt vợ cũ. Hơn nữa, tuy Đạt biết đứa con kia thật ra là con của cô ta với một người khác, nhưng Đạt cũng chỉ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vì sợ để lộ ra rằng mình có tật vô sinh.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm