| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập bãi vàng thổ phỉ Văn Bàn: Luật ở bãi vàng

Thứ Tư 27/05/2009 , 11:11 (GMT+7)

Tới đây mới hay, bãi vàng cũng có một thứ luật riêng. Thứ luật do “bưởng” lớn qui định và chi phối.

Nhiều người vẫn tưởng rằng, ở tất cả bãi vàng thổ phỉ là "vô chính phủ", quân tướng vô phèng. Tới đây mới hay, bãi vàng cũng có một thứ luật riêng. Thứ luật do “bưởng” lớn qui định và chi phối.

>> Đột nhập vào bãi vàng thổ phỉ Văn Bàn: Tan hoang rừng xanh

Chúng tôi không tiện hỏi chuyện nhiều dân cửu vạn và các “bưởng” vàng ở đây, vì sợ bị lộ tung tích. Nếu biết chúng tôi là nhà báo, lập tức bị gây khó dễ. Luôn theo sát chúng tôi có hai thanh niên mặt bặm trợn, luôn miệng nhắc nhở: Các ông chỉ được leo lên chỗ này thôi nhá, bước quá là bị chặt chân đấy… Hầm vàng ấy không vào được, ngó nghiêng làm gì, “sếp” tôi ra lệnh: Ai tự tiện vào thì xin cái đội nón ngay. Đã bảo rồi, chỗ này không được chụp ảnh, các ông lần chần mãi ở đây làm gì…

Để đánh lừa họ, chúng tôi đi lại loăng quăng như người leo núi chả có chủ định gì, qua trò chuyện với những cửu vạn, chúng tôi biết bãi vàng Rừng Vàu có khoảng 8 chủ lò. Lò Văn Thanh (*) người Thái ở xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu mới nhập vào bãi vàng này từ cuối năm ngoái. Trước đây, Thanh và những người trong lò đào vàng ở khu vực Pắc Ta, huyện Than Uyên (Lai Châu), bị truy đuổi ráo riết nhóm của Thanh chuyển sang khu vực bãi vàng Rừng Vàu này.

Thanh cười nhe hai hàm răng ám khói thuốc lào: Sếp gì cái mặt em, nhóm em có mấy người thôi, chung nhau tiền mua máy móc đưa lên đây cùng làm cùng ăn. Những lò kia, họ lên lâu rồi, các vỉa vàng đã được thám sát kỹ, còn chúng em phải dò dẫm. Rất may mà tìm được mạch nhỏ, mỗi ngày cũng kiếm được đủ tiền nuôi mấy anh em. Nếu không tìm được chúng em phải bán máy cho bọn đến trước hoặc phải làm "cửu” cho họ thôi. Mọi chi phí ở đây thứ gì cũng đắt…

Thanh chỉ ra ngoài cửa lều một bể nước lót vải bạt chứa được khoảng 25m3 nước, vừa để ăn uống, tắm rửa vừa để lấy nước ngâm ủ quặng sau khi nghiền nhỏ. Để có bể nước đó, nhóm của Thanh phải mua của một người tìm ra nguồn nước, ai muốn có nước dùng đều phải bỏ tiền ra, họ mới cho cắm vòi dẫn nước về bể của mình. Nước dẫn từ trên nguồn xuống hết mấy cuộn dây, chi phí cho cái bể nước kia mất hơn 30 triệu đồng.

Không có nước thì không thể lọc vàng ra khỏi quặng, tất cả các chủ lò lên đây việc đầu tiên họ làm là tìm nguồn nước để lọc vàng. Khai thác vàng ở trên núi nước cực kỳ quan trọng, dẫu biết nguồn nước kia là của trời, chẳng phải của ai, nhưng người đến sau phải bỏ tiền ra mua thậm vô lý, nhưng không thể khác được. Thanh lắc đầu: Luật ở bãi vàng là thế, người đến sau phải làm theo người đến trước. May mà họ còn để cho mình làm ăn, nhiều chỗ họ đã xí phần, muốn đào ở chỗ ấy thì phải bỏ tiền ra. Được thì ăn, mất phải chịu…

Có một hầm vàng của một “bưởng” đến trước, khai thác dở dang, nay chuyển sang chỗ khác, hầm vàng đó đang rao bán với giá 100 triệu đồng. Có người đã trả tới 80 triệu xin khai thác thử, nếu được sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại, nhưng chủ nhất định không bán, chỉ khi “tiền trao cháo múc” mới được động đến, hầm vàng đang được khoá lại, chèn gỗ rất chắc chắn.

Theo đám cửu vạn, trên bãi vàng Rừng Vàu có một "bưởng” nữ, nghe nói trước đây “bưởng” này làm trong ngành địa chất, nay lên đây mở hầm. Hầm vàng của “bưởng” nữ cũng như hầm vàng của “bưởng” Thái Nguyên ngoài người của họ không ai được bước chân vào. “Bưởng” Thái Nguyên là một trong số người đầu tiên đến dựng lán khai thác bãi vàng Rừng Vàu. Đó là một con người lạnh lùng nhưng rất lịch lãm, có mối quan hệ rộng trong giới làm vàng và những nhà chức trách địa phương. Mặc dù bãi vàng Rừng Vàu cũng như bãi vàng Rừng Xanh, Cột Cờ khai thác trái phép từ nhiều năm nay nhưng không bị các nhà chức trách hỏi thăm. Những người làm vàng ở đây cho rằng do có sự “quan hệ” khéo léo của “bưởng” Thái Nguyên.

Bởi thế, khi “bưởng” Thái Nguyên yêu cầu các chủ hầm đóng góp tài chính cho việc “thăm hỏi sức khoẻ” những nhà chức trách địa phương thì không “bưởng” nào dám từ chối. Bởi các “bưởng” vẫn còn nhớ cách đây dăm năm, cuộc truy quét “vàng tặc” của chính quyền địa phương ở các bãi vàng trên núi Pu Trang, đã đánh sập 22 hầm vàng, phá huỷ 215 máy nghiền quặng, máy khoan, máy bơm nước, thu giữ 2.849 kíp nổ, giật đổ mấy chục lán trại…

Các “bưởng” vơ vội quần áo chạy bán sới, nhiều “bưởng” mất sạch, phá sản chỉ mỗi con đường về quê bám vào lưng vợ. Khi lực lượng bảo vệ rút đi, các “bưởng” gom góp vốn liếng quay trở lại bãi vàng, đi sâu vào trong núi tránh sự phát hiện của chính quyền địa phương. “Bưởng” Thái Nguyên, nổi lên như một người hùng trong việc dàn xếp các mối quan hệ, khiến từ đó đến nay các hầm vàng thổ phỉ ngày càng mở rộng và phát triển.

Chúng tôi không thể đi sâu vào bãi vàng được, bởi ở đây có một thứ luật và một trật tự riêng, ai muốn bước qua phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình. Nhìn các lán trại ở đây tất cả đều xập xệ, nhưng rất yên bình, không có nhiều sự xáo trộn.

Cứ nhìn các thanh gỗ quây quanh các bể ngâm ủ quặng, các cột lều nhẵn bóng mồ hôi tay, những cây sào phơi mục nát, nhất là các chảo thu sóng truyền hình gắn trên cột gỗ rêu mọc xanh rì. Mới hay họ ở đây đã lâu lắm rồi, nhiều tấm bạt che mưa nắng cũ nát rách tả tơi.

Nếu gặp lần đầu, không ai có thể tin rằng “bưởng” Thái Nguyên có uy lực trong giới làm vàng ở đây, với dáng vẻ bên ngoài điềm tĩnh, nhưng giọng nói thì lạnh lùng và dứt khoát. Đi bên cạnh “bưởng” Thái Nguyên luôn kè kè một vệ sĩ, đôi mắt sắc lạnh. Khi nhìn thấy chúng tôi, bảo vệ đã điện ngay cho “bưởng” Thái Nguyên biết, gặp chúng tôi “bưởng” Thái Nguyên bảo: Thôi, các anh đừng leo tiếp nữa, kẻo mấy đứa trên kia gây khó dễ, khi đó tôi cũng chẳng can được đâu…

Từ bãi vàng Rừng Vàu chúng tôi nhìn sang bãi vàng Rừng Xanh, Cột Cờ qua một thung lũng dài và hẹp, lán trại của dân đào vàng mọc san sát, có tới vài chục chiếc. Nếu vượt thung lũng leo lên được tới đó phải mất chừng hai giờ nữa, mặc dù cách xa như vậy, nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng máy nghiền đá chạy ầm ầm, bụi bay mù mịt.

Khi xuống tới chân núi tôi mới thở phào nhẹ nhõm, người dẫn đường cười bảo: Các anh hôm nay gặp may, các “bưởng” nghĩ các anh là dân leo núi, chứ biết các anh là nhà báo, chắc là khó về. (Hết)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.